22/08/2024 16:19 GMT+7

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong khu vực

10 năm qua, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vượt qua mức tăng trưởng trung bình của khu vực. Tuy vậy, Việt Nam chỉ đang ở điểm khởi đầu của quá trình tăng trưởng, theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC).

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong khu vực - Ảnh 1.

Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng cao nhất khu vực - Ảnh: N.BÌNH

Tiến sĩ Peter Redhead, trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đã phác thảo bức tranh chung kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong thời gian tới tại Diễn đàn kinh tế "Đón đầu xu hướng", do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 22-8.

Sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhất khu vực

Tình hình địa chính trị và biến động của các nền kinh tế lớn toàn cầu khiến viễn cảnh kinh tế thế giới khó đoán định.

Tuy vậy, các dự báo trong năm 2025 cho thấy ASEAN vẫn được xem là khu vực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay, và Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực này.

Trong 10 năm qua (2013-2023), quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 213 tỉ USD lên 434 tỉ USD, vượt mức trung bình của khu vực và đà phát triển này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Dự báo của IMF đưa ra tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,8% và năm 2025 là 6,5%, vượt trội hơn so với các nước trong khu vực như Philippines (6,2%) và Malaysia (4,4%).

Theo ông Peter Redhead, một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là tiêu dùng nội địa. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia thương mại với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, nhưng sức mua nội địa chính là động lực lớn đằng sau tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng nhưng đến nay tỉ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Đây cũng chính là tiềm năng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo.

Chuyên gia phân tích của HSC ví "Việt Nam đang ở điểm tối ưu như tình huống của Trung Quốc cách đây 15 năm".

Hay nói cách khác, Việt Nam đang đứng ở điểm khởi đầu của tăng trưởng, còn nhiều dư địa để tiếp tục tiến tới. Vì vậy đừng nghĩ 10 năm tốt đẹp đã qua rồi.

Tuy có nhiều lo ngại về dòng vốn từ Trung Quốc và ảnh hưởng của các biến động chính trị quốc tế, nhưng thực tế vốn FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6%.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định trong thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh đó, chỉ số tham nhũng của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện về minh bạch và môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư dài hạn.

Một ngày dừng, mất ba ngày cơ hội

Dù nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, một số thách thức lớn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics và cơ sở hạ tầng.

"Với các doanh nghiệp trong nước, điều quan trọng là cần phải luôn hướng tới sự phát triển, tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Mặc dù tình hình kinh tế có thể gặp nhiều biến động, nhưng tác động của "tiếng nhiễu" không lớn như chúng ta nghĩ.

Nó không ngăn cản Việt Nam tiếp tục tiến tới, đặc biệt khi các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ xu hướng toàn cầu hóa và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng", tiến sĩ Peter Redhead lưu ý.

Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Đình Đoàn - chủ tịch Phú Thái Holding Group - chia sẻ ba khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.

Đó là các doanh nghiệp phải tìm kiếm đơn hàng nhưng đồng thời phải đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường quốc tế, giá cả lại không được tăng.

Thứ hai là nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm, đẩy tỉ lệ hàng tồn kho tăng cao, ước tính tăng đến 34%. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam 7 tháng đầu năm cũng chỉ mới đạt khoảng 5%.

"Điều này cũng có nghĩa tiền trong ngân hàng rất nhiều nhưng các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn này. Doanh nghiệp muốn vay vẫn phải thế chấp bất động sản theo cách cũ nhưng khối tài sản này đã bị đóng băng, tỉ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường gần như không tăng trong năm ngoái", ông Đoàn nói.

Tuy vậy, chủ tịch Phú Thái cũng cho biết nhìn nhận yếu tố tích cực, doanh nghiệp vẫn muốn nắm bắt các cơ hội đầu tư, mở rộng.

Bởi với bối cảnh hiện nay, chỉ cần "chần chừ một ngày là mất ba ngày cơ hội".

Dịp này, Forbes Việt Nam cũng đã trao kỷ niệm chương cho một số doanh nghiệp tiêu biểu trong Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2024 của Forbes Việt Nam.

Đây là danh sách lần thứ 12 do Forbes Việt Nam thực hiện, với tổng lợi nhuận sau thuế 190.831 tỉ đồng và tổng doanh thu đạt 1.296.831 tỉ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quán quân doanh thu với doanh thu thuần đạt 304.188 tỉ đồng, và quán quân về lợi nhuận là Vietcombank với 29.899 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh khu vực - Ảnh 2.HSBC: Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5%, so với 6% trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên