08/03/2018 17:49 GMT+7

Bao nhiêu tổ chức trong trường sao để cô quỳ?

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
LẠI THỊ NGỌC HẠNH

TTO - Bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh (giảng viên khoa Lý luận chính trị - ĐH Tây Nguyên) chua xót: "Trong mỗi trường có bao nhiêu là tổ chức nhưng sao không ai bảo vệ cô? Hiệu trưởng cũng bỏ đi...".


Bao nhiêu tổ chức trong trường sao để cô quỳ? - Ảnh 1.

Nam học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo ngay trong lớp, cô giáo dạy tiểu học bị phụ huynh học sinh bắt quỳ gối tại phòng họp của nhà trường... đã khiến nhiều bạn đọc cho rằng nghề giáo hiện nay đang được xem là nghề nguy hiểm.

Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh (giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên) gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"Thời thế đã đổi thay. Giáo viên cũng phải thay đổi mới tồn tại được. Nghề giáo nay đã trở thành một nghề nguy hiểm."

Lại Thị Ngọc Hạnh

"Đọc những bài báo viết về vụ việc cô giáo ở Long An phải quỳ trước phụ huynh vì … tội đã dám phạt học trò quỳ trước lớp, không riêng gì tôi mà ai cũng thấy đau lòng quá!

Trong mỗi trường có bao nhiêu là tổ chức: Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi bộ nhưng sao khi phụ huynh hùng hổ kéo đến đòi phạt cô giáo thì không thấy ai bênh vực, bảo vệ cô?

Đến cả Hiệu trưởng đang lúc nước sôi lửa bỏng cũng bỏ đi… dự giờ, để mặc cô đơn độc đối mặt với vị phụ huynh đang hành xử theo kiểu xem trời bằng vung.

Lẽ nào việc dự giờ quan trọng đến mức đó sao? Nếu phụ huynh hành hung cô giáo thì hậu quả ai phải chịu hay lại là nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc?

Sự việc cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh là một bằng chứng cho thấy sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, cả hai đã không còn cùng chung quan điểm về việc giáo dục học sinh.

Nếu các thầy cô giáo không biết cách tự bảo vệ mình, không điều chỉnh phương pháp giáo dục của mình cho phù hợp với thời đại ngày nay thì việc phải đối mặt với những phụ huynh hung hãn là vô cùng đáng sợ.

Vậy giáo viên phải làm sao để vừa đáp ứng mong muốn của phụ huynh là tạo ra con ngoan trò giỏi nhưng lại vừa không phải đơn độc quỳ gối trước phụ huynh khi lỡ xử phạt những đứa con quý như vàng của họ?

Theo tôi, giáo viên cần phải tỉnh táo trước tất cả những lời nhờ cậy đường mật của phụ huynh rằng: tất cả nhờ cô, nếu cháu hư cô cứ đánh. Đừng tin vào lời nói gió bay này để rồi rước họa vào thân.

Tôi có người chị đã làm giáo viên tiểu học được gần 20 năm. Tết rồi chị đến nhà tôi chơi, kể chuyện nghề đầy ấm ức. Chuyện là có phụ huynh mới vừa đến la rầy chị vì chị đánh vào tay con họ bằng thước, có vết lằn.

Chị nói như muốn khóc: chính phụ huynh đó là người đã nhờ chị nếu con họ không nghe lời, cô giáo cứ phạt roi. Vậy mà nay họ lại tìm đến chị và tuôn ra bao nhiêu là "lời hay ý đẹp". Cũng may là họ gặp riêng chứ không lên văn phòng làm ầm ĩ lên.

Khổ cho giáo viên tiểu học, trẻ em độ tuổi này rất ham chơi, hiếu động. Không phạt thì không chịu học, cuối năm mà ở lại lớp là giáo viên chủ nhiệm bị phụ huynh đến mắng vốn, nhà trường cắt thi đua.

Nhưng nếu lỡ có phạt đánh vào tay, úp mặt vào tường hay quỳ góc lớp là y như rằng không bị lên báo vì bạo hành trẻ cũng bị phụ huynh "hổ báo" tìm đến trường xử lý. Tôi nghe chị trút bầu tâm sự mà chẳng biết phải an ủi sao.

Từ chuyện của chị, tôi nhớ lại năm ngoái, trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, có một vị phụ huynh đứng lên ý kiến: mong cô phải thật nghiêm khắc, nếu cháu hư cô cứ đánh đòn. Vài phụ huynh khác cũng đồng tình với quan điểm đó.

Tuy nhiên, cô giáo già đã 54 tuổi với hơn 30 năm kinh nghiệm không cần 1 giây suy nghĩ đã trả lời ngay: cô không dám nhận sự nhờ vả này, không dám đánh học trò đâu. Cô chỉ còn 1 năm nữa là về hưu rồi nên không muốn bị kỷ luật, bị nghỉ hưu non.

Phụ huynh nói vậy thôi chứ mai mốt thấy con bị đòn, xót con lại đi kiện lên Phòng, lên Sở thì cô chết. Tôi nghe trong lời từ chối của cô có cả sự bất lực và cả sự thương xót cho bản thân cô.

Cô giáo già nhiều kinh nghiệm đã biết tự bảo vệ mình, không quá say nghề, tin lời phụ huynh để rồi nhân phẩm bị chà đạp như cô giáo đáng thương ở Long An.

Nhiều người nói ngày xưa họ còn bị thầy cô phạt bằng nhiều hình thức kinh khủng hơn mà có sao đâu, họ vẫn yêu quý thầy cô và nhớ ơn thầy cô vì đã phạt mình. Nhưng xin thưa, ngày xưa đã là quá khứ.

Thời thế đã đổi thay. Cả cô giáo, phụ huynh và học trò ngày nay đều không còn như xưa nữa nên phương pháp giáo dục trong quá khứ có thể được chấp nhận nay phải điều chỉnh. Quan niệm của xã hội về thương cho roi cho vọt đã không được nhiều người ủng hộ nữa.

Dù thế nào đi chăng nữa, xã hội hiện đại không khuyến khích người lớn dạy trẻ con bằng bạo lực dù là về thể xác hay tinh thần.

Nghề giáo nay đã trở thành một nghề nguy hiểm. Vậy nên, khi không thể trông chờ vào sự bảo vệ của Hiệu trưởng, của Công đoàn trường và của các tổ chức khác nữa thì chính giáo viên phải biết tự bảo vệ mình trước.

Giáo viên phải hiểu rằng nếu muốn tiếp tục làm nghề gõ đầu trẻ thì phải biết cách bảo toàn nhân phẩm của mình trước những diễn biến khó lường của tâm tính học trò và phụ huynh".

Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Khi cô giáo N. quỳ xuống, ông hiệu trưởng đi đâu? Khi cô giáo N. quỳ xuống, ông hiệu trưởng đi đâu? Bắt cô giáo quỳ, con cái học được gì từ phụ huynh? Bắt cô giáo quỳ, con cái học được gì từ phụ huynh? Cô giáo kể bị buộc quỳ gối mới được Cô giáo kể bị buộc quỳ gối mới được 'cho qua chuyện'
LẠI THỊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên