30/08/2024 09:10 GMT+7

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 4: Có cách nào phòng chống lũ lụt cho Chương Mỹ?

VŨ TUẤN
và 1 tác giả khác

Đành rằng người dân vùng trũng ở Chương Mỹ (Hà Nội) quen sống chung với lũ lụt nặng nề nhưng công cuộc chống lũ, trị thủy chưa bao giờ dừng lại.

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 4: Có cách nào phòng chống lũ lụt cho Chương Mỹ? - Ảnh 1.

Đỉnh lũ 2018 được coi là mốc để xây dựng các công trình chống lũ hiện tại ở Chương Mỹ - Ảnh: NAM TRẦN

Ngăn lũ thế nào, sắp xếp cho người dân vùng này sinh sống ra sao... luôn là câu hỏi khó. Thậm chí đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có cả đề tài cấp nhà nước, nhưng đến nay người dân Chương Mỹ vẫn phải sống chung với lũ lụt.

Quan điểm của chúng tôi là không tác động quá mức khiến phá vỡ các quy luật tự nhiên. Chúng ta chưa thể đánh giá được hết tác động môi trường khi đào kênh như vậy. Hệ quả có thể lường trước được một phần là gây sạt lở ở vùng khác, biến đổi dòng chảy ở vùng này, suy giảm nước ngầm ở vùng kia.
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH THUỶ

Có trị được "lũ rừng ngang"?

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, trưởng phòng quản lý đê điều và phòng chống thiên tai - Viện Quy hoạch thủy lợi, cho rằng biến đổi khí hậu không biết đâu mà lường.

Sau ba trận lũ lụt lớn trong vòng 10 năm, từ năm 2008 đến năm 2018, thành phố Hà Nội phải "đặt hàng" Viện Quy hoạch thủy lợi nghiên cứu để có giải pháp căn cơ nhất.

Bà Thủy cho hay trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này đã có đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về phòng chống lũ ở lưu vực sông Đáy, sông Bùi, nhưng đề tài rộng, vấn đề lớn, các giải pháp đưa ra trong đó vượt khỏi tầm với của huyện Chương Mỹ và cả Hà Nội.

"Chúng tôi phải nhìn nhận lại vấn đề, tiếp cận ở góc độ tập trung hơn, đó là tập trung nghiên cứu để tìm giải pháp cho các xã vùng trũng của huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất (Hà Nội)", bà cho hay.

Theo bà Thủy, đặc điểm địa hình ở đây quá đặc biệt. Độ cao trung bình chỉ hơn 3m so với mặt nước biển. Trong khi đó, phía nội thành Hà Nội cao khoảng 9m, còn mực nước sông Hồng đoạn qua Long Biên mức báo động 3 đã lên 11,5m. Mức báo động 3 ở Sơn Tây lên tới 14,4m.

"Từ đời ông cha ta đã chọn Chương Mỹ là vùng chậm lũ rồi. Địa hình nó thế. Không chỗ nào trữ được nhiều nước như vùng này", bà Thủy giải thích nguyên nhân khiến bao năm nay Chương Mỹ là vùng chậm lũ. Nơi này năm nào cũng lũ lụt.

Một phần lũ tràn về từ thượng nguồn sông Bùi sông Tích, nhưng phần khác nguy hiểm hơn là những con "lũ rừng ngang" - tức lũ tràn về từ các con suối phía Hòa Bình, đổ ngang vào mạn sườn sông Bùi.

Con sông này hiện đã có đê cao khoảng 17m, mặt đê đã được đổ bê tông nhưng những chỗ thủng, sạt lở thì lại chỉ khi mưa to, có lũ mới phát hiện ra. Những trận lũ lớn vừa qua năm nào cũng tràn qua mặt đê. Năm nào cũng có hàng nghìn người hộ đê vì nếu xảy ra sự cố, hậu quả không biết đâu mà lường.

Bà Thủy cho hay mấy năm gần đây Chương Mỹ đã không còn là vùng chậm lũ của Hà Nội. Các cửa cống phân lũ vào thượng nguồn sông Bùi, sông Tích đã đóng kín, lũ sông Hồng phân vào sông Đáy. Như vậy sẽ rất hiếm phải phân lũ vào sông Bùi, sông Tích như năm 1971. Vấn đề còn lại là "lũ rừng ngang".

Trước đề tài nghiên cứu của nhóm Viện Quy hoạch thủy lợi, đã có một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Đề tài đó đề cập vấn đề vừa nâng cấp đê sông Bùi vừa đào một con kênh cắt ngang các con suối đổ về từ Sơn Tây, Lương Sơn (Hòa Bình) để ngăn "lũ rừng ngang".

Tuy nhiên, việc đào con kênh cắt lũ này khó khả thi. Trong các cuộc hội thảo và làm việc với chính quyền Hà Nội và Hòa Bình, các chuyên gia đánh giá đào con kênh ấy kinh phí quá lớn. Lớn từ việc di dân, đền bù đất sản xuất... đến kinh phí thi công.

Điều quan trọng hơn cả là đào con kênh ấy cắt lũ cho vùng trũng Chương Mỹ, Mỹ Đức lại ảnh hưởng đến vùng khác, gây sạt lở ở các địa phương thuộc Hòa Bình.

"Quan điểm của chúng tôi là không tác động quá mức khiến phá vỡ các quy luật tự nhiên. Chúng ta chưa thể đánh giá được hết tác động môi trường khi đào kênh như vậy. Hệ quả có thể lường trước được một phần là gây sạt lở ở vùng khác, biến đổi dòng chảy ở vùng này, suy giảm nước ngầm ở vùng kia...", bà Thủy nêu quan điểm.

Phương án đưa ra là chia giai đoạn, nhưng phải làm đồng bộ từng phần. Vừa nâng cấp đê hữu sông Bùi, song song với nâng đê tả Bùi.

Thực tế đê tả Bùi đang được thi công nâng cấp. Vừa nạo vét các dòng suối thoát "lũ rừng ngang", vừa đắp thêm đê dọc suối thoát lũ để khống chế dòng lũ. "Khi đã khống chế được rồi thì tiếp tục đầu tư thêm trạm bơm thoát lũ ở vùng trũng", bà Thủy nói.

Theo hướng đề xuất của nhóm nghiên cứu đề tài này, việc phòng chống lũ lụt cho vùng trũng Chương Mỹ đi theo hướng giảm tác động của "lũ rừng ngang". Việc khống chế hoàn toàn "lũ rừng ngang" khó khả thi và cần nguồn kinh phí rất lớn.

Quy trình giảm thiểu thiệt hại cho dân vùng lũ được nhóm nghiên cứu vạch ra là nâng đê sông Bùi, cả bên tả và bên hữu, lên 1m.

Cao trình mặt đê này đã đủ vượt qua đỉnh lũ lớn nhất trong 15 năm gần đây là năm 2018. Song song với nâng đê là nạo vét các con suối thoát "lũ rừng ngang", đắp đê suối để khống chế bớt dòng lũ. Khi đê kiên cố, xây dựng thêm trạm bơm thoát lũ cho vùng trũng.

Ngoài ra, những hộ dân ở nơi xung yếu như nơi quá trũng, nơi có nguy cơ sạt lở cần được di dời đến chỗ cao hơn. Việc quan trọng cuối cùng là tiếp tục có giải pháp để người dân sẵn sàng thích ứng với lũ lụt, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 4: Có cách nào phòng chống lũ lụt cho Chương Mỹ? - Ảnh 2.

Dân vùng trũng Chương Mỹ lấy mốc lũ năm 2018 làm chuẩn để tôn nền nhà - Ảnh: NAM TRẦN

Nạo vét hồ phân lũ cho Chương Mỹ

Trong khi đó, ông Đỗ Việt Dũng, giám đốc Xí nghiệp đầu tư và phát triển thủy lợi Chương Mỹ, cho biết thêm sông Bùi, sông Tích bị nước dâng cao như vừa rồi có một phần nguyên nhân là bồi lắng. Ngoài bồi lắng lòng sông, các hồ thủy lợi có tác dụng chậm lũ, điều hòa lũ cho sông Bùi cũng bị bồi lắng.

Theo ông Dũng, ba hồ thủy lợi lớn là hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn, hồ Miễu có một nhiệm vụ là tích trữ, cắt "lũ rừng ngang" cho sông Bùi nhưng đã nhiều năm không được nạo vét nên giảm dung tích lưu trữ.

"Đơn cử như hồ Đồng Sương thiết kế lưu trữ khoảng 11 triệu mét khối nước nhưng hiện nay chỉ chứa được khoảng 5 triệu mét khối", ông Dũng cho hay. Bên cạnh đó là các suối Cầu Tây, Vai Bò... cũng cần được nạo vét.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho rằng việc người dân nhiều năm phải sống chung với lũ lụt, các công trình thủy lợi không được đầu tư, nâng cấp ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống và sản xuất của bà con.

Cũng chính phải sống chung với lũ lụt đã làm chậm sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là các vùng trũng.

Ông Đức cho hay cánh đồng bị ngập quá lâu, việc cấy lúa tái vụ là không thể. Vì thế, huyện chỉ đạo cho các phòng chuyên môn hướng dẫn người dân chuyển sang trồng rau vụ đông sớm. Quy hoạch phát triển kinh tế của huyện cũng tập trung để người dân nuôi trồng những loại cây, con ngắn ngày như trồng rau, nuôi gia cầm, thủy cầm.

Riêng xứ đồng trũng của xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động... thường xuyên bị ngập thì ưu tiên phát triển các loài thủy cầm.

Ông Đức cho rằng các giải pháp của nhóm nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đi sát vào thực tế và nguyện vọng của bà con trong huyện. Trước mắt huyện đề xuất với các cơ quan của thành phố đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, thủy lợi.

Trong đó tập trung vào nâng cấp các tuyến đê, hoàn thành các trạm bơm thoát lũ. Người dân vùng trũng Chương Mỹ đang rất mong chờ đến một ngày không còn phải chịu khổ sở, thiệt hại vì lũ lụt triền miên.

-------------------

Nhiều vùng đô thị ở Hà Lan thấp hơn mực nước biển, nên công cuộc trị thủy của họ là kinh nghiệm hàng ngàn năm kết hợp với khoa học hiện đại.

Kỳ cuối: Các đô thị Hà Lan chống ngập bằng cách nào?

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 4: Có cách nào phòng chống lũ lụt cho Chương Mỹ? - Ảnh 3.Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về

Kế sinh nhai của dân vùng phân lũ Chương Mỹ (Hà Nội) ít có gì lâu dài, lúa cấy một vụ, gà nuôi một lứa. Đất đai rộng, dân chịu khó đấy, nhưng chăn cả đàn gà hàng nghìn con, lũ về mất trắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên