29/08/2024 10:12 GMT+7

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về

VŨ TUẤN
và 1 tác giả khác

Kế sinh nhai của dân vùng phân lũ Chương Mỹ (Hà Nội) ít có gì lâu dài, lúa cấy một vụ, gà nuôi một lứa. Đất đai rộng, dân chịu khó đấy, nhưng chăn cả đàn gà hàng nghìn con, lũ về mất trắng.

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về - Ảnh 1.

Người dân vùng trũng Chương Mỹ đã quá quen với lũ lụt - Ảnh: NAM TRẦN

Chính quyền và bà con buộc phải tìm cách thích nghi, làm hòa với dữ.

Trắng tay sau lũ

Chị Nguyễn Thị Thùy, người làng Nhân Mỹ (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) cười trong nước mắt: "Chẳng biết giờ còn bao nhiêu con gà, đếm làm gì nữa?". 

Trước khi lũ về, chị có trang trại hơn bốn nghìn con gà với hơn nghìn con vịt. Hai phần là gà trứng Ai Cập và gà lông phượng (gà ta), phần còn lại là gà thịt mới lớn bằng nắm tay. Lũ vịt vừa chéo cánh, chưa đầy một tháng nữa được xuất chuồng.

Lũ về, nhà chị được bộ đội đến chuyển gà vịt đi sơ tán. Hơn nghìn con gà úm (bằng nắm tay) gửi nhờ chuồng gà nhà anh em, gà to gửi ở chuồng lợn, còn vịt gửi ở một chuồng khác. 

Mấy ngày đầu, chị Thùy vẫn bơi thuyền thúng vượt cánh đồng lũ để chăm gà, được vài hôm nước dâng cao quá cột điện. 

Phải cắt điện, gà nhỏ ốm chết, gà to cũng lừ đừ rồi oặt xuống. Vịt khỏe hơn nhưng quây tạm ở gần đường, mà đường cũng ngập gần hết chỉ chừa một vài đoạn dốc.

"Ngày nào cũng phải đi dọn xác vịt, xót lắm anh ạ! Chúng chạy tứ tung lên đường, xe cán chết cả, đàn vịt hơn nghìn con của em giờ chỉ còn vài trăm con" , chị Thùy xót xa. 

Gần một tháng chị Thùy ngày nào cũng chở chục bao cám cố đi chăm gà còn sống, lúc quay ra lại chở một thuyền gà chết đi tiêu hủy.

Gia đình chị Thùy không ở trong làng Nhân Lý mà ở ven làng, ngoài cánh đồng. Lũ về nhà chị bị ngập sớm nhất, lúc trong làng khô ráo hết thì nhà chị vẫn lội nước tới đầu gối. Mấy hôm nước dâng cao, chị bơi thuyền trên nóc nhà, đồ đạc chẳng kịp chạy hỏng hết cả. 

Nước rút hết hơn hai tuần rồi mới đến lượt nhà chị rửa dọn, đồ đạc sắm lại từng cái bát như ngày mới ra ở riêng.

"Sống ở vùng lũ thì phải quen thôi! Nhà em chăn nuôi lứa này hỏng hết rồi, cầu trời phù hộ để lứa sau gỡ lại ít vốn", chị Thuỳ nói.

Ở làng Nhân Lý còn mấy nhà nữa mất cả nghìn con gà, con vịt như nhà chị Thùy. Trong đợt lũ vừa qua ở Nam Phương Tiến có bốn thôn bị ngập, trưởng thôn đi thống kê có hơn 108.000 con gia cầm, hơn 1.500 con gia súc phải đi "sơ tán". 

Số gà vịt bị chết, bị trôi theo lũ hơn 20.000 con. Thế nhưng số này phần lớn là những chuồng trại không chạy kịp. Còn chạy rồi mà vẫn chết như nhà chị Thùy, ông Lê Văn Hoàn, bà Lê Thị Hiền… chẳng đếm được. 

Chủ nhà chỉ thở dài, bỏ đám gà vịt xấu số vào bao, rắc thêm vôi, chở đến khu xử lý của xã.

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về - Ảnh 2.

Đàn gà may mắn nhờ được kịp sơ tán lên nhà văn hóa cũ của thôn Nhân Lý để tránh lũ - Ảnh: VŨ TUẤN

Bám trụ với làng

Ông Phùng Xuân Ký bơi thuyền quanh nóc chuồng vịt tìm lại những con vịt cuối cùng. Trước khi lũ về, đàn vịt hơn trăm con béo múp kêu vang góc đồng. Giờ đây, trong cái chuồng quây tạm ở góc vườn, ông Ký đếm chưa nổi chục con. 

"Chúng tôi vừa phải đưa người đi tránh lũ, vừa kê đồ, quay lại thì khu chăn nuôi ngập tới nóc rồi, đàn vịt bơi đi đâu hết, chỉ đuổi được mấy con này về", ông Ký chua xót.

Nhà ông Ký ở cuối làng Hạnh Bồ, trước mặt là khu chăn nuôi, cánh đồng, ao cá của nhiều hộ gia đình. Lũ chỉ thấy mênh mông nước, thỉnh thoảng vài cái nóc nhà nhô lên. 

Đó là những căn nhà tạm hoặc khu chuồng trại của người làng. "Chỉ có trại nuôi lợn chuyển đi kịp, những nhà nuôi gà, vịt, cá thì mất trắng rồi", ông Ký nói.

Mấy ngày lũ, xóm nhỏ khu nhà ông Ký nổi lên như ốc đảo. Người vùng lũ đã quá quen với cảnh lụt lội. Nền nhà, nền chuồng gà, chuồng lợn tôn cao. Có nhà sửa lại chuồng gà cũng mất hơn chục xe ô tô xỉ gạch để tôn nền. 

Những ngày lũ nhà ông Ký mặc bộ quần liền ủng lội ì oạp chăn gà, ra cổng là nước ngập tới cổ. Ngoài vườn, cây nhãn, cây bưởi lá đã chuyển vàng, rũ xuống, chỉ còn đám trứng ốc bươu vẫn đỏ ối trên ngọn.

"Từ đời cha ông chúng tôi đã thế rồi! Lúa cấy một vụ, trồng cây khác cũng khó, chỉ trồng rau thôi. Vườn bưởi này tôi cấy được dăm năm, năm nay bói trái thì lũ về chết sạch". Ngoài kia là ao cá kìa, hơn năm tạ cá không vớt được con nào".

Theo chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, trận lũ vừa qua, dân thiệt hại hơn 1.000ha lúa, mất khoảng 700ha hoa màu và cây ăn quả. 

Gần 5.000 con gia súc, hơn 180.000 con gia cầm bị chết. Ảnh hưởng nặng nhất là ngành nông nghiệp, dù con số thiệt hại này đã giảm so những trận lũ lụt trước đó. Năm nay rất may không bị mất mát tính mạng người dân, năm 2018 lũ đã làm hai người lớn và một trẻ em thiệt mạng.

Đợt lũ vừa rồi huyện huy động tới gần 5.000 người hộ đê, hỗ trợ bà con di chuyển đồ đạc, chạy lũ. Dân vùng lũ đã quen lũ về, có kinh nghiệm chạy lũ rồi, giờ vận động nhân dân là khi gia cầm, gia súc chết thì tự xử lý ngay từ gia đình để tránh lây dịch bệnh ra cộng đồng. Cái này bà con làm rất tốt nên không ô nhiễm môi trường.

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về - Ảnh 3.

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Phùng Xuân Ký, thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, chết rũ vì bị ngập lụt quá lâu - Ảnh: VŨ TUẤN

Qua mỗi đợt lũ, người dân và chính quyền lại rút kinh nghiệm. Trưởng thôn Nhân Lý Phùng Văn Lực khoe: "Năm nay đường dây điện, biến áp đã được treo cao trên cột nên bà con trong thôn vẫn có điện, không bị mất điện kéo dài như mọi năm. Chỉ những gia đình nào ngập nước thì cắt điện gia đình đó, nên sinh hoạt của bà con đỡ vất vả hơn".

Chúng tôi đi dọc hai bên đường liên xã, liên thôn, hầu như nhà nào cũng tôn nền nhà lên cao hơn mặt đường cả mét, muốn vào phải leo dốc. Những nhà mới xây, đang xây thường được làm ít nhất hai tầng hoặc làm sàn cọc xi măng giống như nhà sàn đồng bào trên miền núi.

Chính quyền xã xây dựng trường học trên nền cao, các thôn xây dựng nhà văn hóa trong khuôn viên rộng và cao ráo để bà con có nơi trú ẩn khi lũ về. Đường sá, cầu cống, đê điều cũng được đầu tư tôn tạo, xây dựng vững chắc hơn để phòng chống lũ. Ngân sách từ địa phương và thành phố hỗ trợ.

Tinh thần "lá lành đùm lá rách" của bà con nơi khác, của các mạnh thường quân mỗi mùa lũ cũng làm ấm lòng người dân địa phương. Ông Lực cho biết trong những ngày lũ bà con được hỗ trợ nước sạch, gạo, mì gói, thuốc men cùng nhiều vật phẩm khác. 

Gia đình khó khăn còn được hỗ trợ tiền, vật dụng để ổn định lại đời sống sau lũ. Sự giúp sức của người trẻ xa quê, có bạn về trực tiếp tìm giúp những người dân gặp khó khăn cũng là nguồn động viên rất lớn cho bà con ...

Chuyển đổi nghề nghiệp thế hệ trẻ vùng lũ

Thế hệ trẻ vùng lũ lụt đi học nghề, đi làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động. Nếu ai mong muốn đầu tư ở quê thì sẽ phải học cách thích ứng khi lũ lớn đổ về bất chợt.

Ghé thăm các gia đình vùng ngập lụt, phần lớn chúng tôi thấy chỉ còn phụ nữ và trẻ em ở nhà. Các bà, các cô cho biết chồng con đều đi làm ăn xa, có người trên phố, có người làm thợ xây. Vợ chồng con lớn của bà Đào Thị Lân, bà Nguyễn Thị Hoa đang đi làm công nhân, con nhỏ tuổi thì đang đi học.

Đợt lũ, làng bị cô lập, con các bà đành ở lại công ty không thể về nhà. Có người về được nhà thì không đi được, đành xin nghỉ, mất lương. Nhưng thu nhập của con các bà không bấp bênh như trồng lúa, nuôi tôm cá, lợn gà ở quê.

Thầy giáo Phùng Văn Trường ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) thì có một ước ao lớn hơn. Thế hệ trẻ học hành tốt, có kiến thức, có tài chính sẽ xây dựng quê hương trên đất lũ dài lâu.

"Các cháu phải thực học, thầy cô nói không với bệnh thành tích, rồi chính quyền đồng lòng với dân thì sẽ thắng lũ. Giống như người dân Hà Lan, họ đã sống dưới mực nước biển cả trăm năm qua vẫn bình yên", thầy Trường ao ước.

-----------------------

Đành rằng người vùng trũng Chương Mỹ quen sống chung với lũ, nhưng công cuộc chống lũ, trị thủy chưa bao giờ dừng lại.

Kỳ tới: Có cách nào chống lũ cho Chương Mỹ?

Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 3: Nửa năm chăm bẵm, thiệt hại một đêm vì lũ về - Ảnh 3.Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 2: 'Lũ rừng ngang' đổ nước về Hà Nội

Dân vùng trũng cứ mưa to là canh đê, kê nhà, và chịu khốn khổ, thiệt hại nặng nề vì chìm sâu trong ngập lâu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên