Sáng 5-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm "Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại TP.HCM.
Chủ đề tọa đàm nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, xuất bản, nhà nghiên cứu... Ban tổ chức đã nhận được 36 tham luận. Có 11 tham luận đã được trình bày.
Tăng cường vai trò của báo chí
Nội dung các bài tham luận xoay quanh chín nhóm vấn đề chính: quan điểm, nhận thức về vai trò của báo chí, xuất bản trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tăng cường và kiên định sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền TP; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông thực hiện hiệu quả nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới..., đặc biệt là vai trò của mạng xã hội trong lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhà báo Đức Hiển - phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - cho biết cần thay đổi tư duy về "sản xuất sản phẩm báo chí" để phù hợp xu hướng phát triển sản phẩm đa nền tảng hiện nay.
"Các mạng xã hội nhắm đến các sản phẩm theo kiểu micro-blogging (cho phép đăng các văn bản ngắn, thường ít hơn 200 ký tự), có thể kết hợp video, hình ảnh... Các dự án báo chí về không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm của người xem, trong đó có kỹ thuật hình ảnh và kỹ thuật liên quan hình ảnh" - nhà báo Đức Hiển cho biết thêm.
Giảng viên Phạm Duy Phúc - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng vị thế và vai trò của báo chí hiện nay đã thay đổi bởi sự phát triển của mạng xã hội. Ông cho rằng báo chí, truyền thông không phải công cụ vạn năng mà chỉ phản ánh hiện thực đời sống.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thái Giao Thủy - Trường đại học Sài Gòn - cho rằng báo chí có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng trong chuyển tải văn hóa, nghệ thuật đến người dân.
Báo chí, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng tác động đến tư duy, nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen thưởng thức văn hóa, nghệ thuật hiện nay.
Về các hoạt động văn học nghệ thuật, PGS.TS Trần Luân Kim - ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM - chỉ ra những nguyên nhân khiến hoạt động văn học nghệ thuật chưa đạt kết quả như mong muốn: nhận thức về chức năng và tầm quan trọng của văn học nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức; cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của cấp ủy Đảng thường chậm trễ, thiếu đồng bộ; đầu tư văn học nghệ thuật dè sẻn, chưa xứng tầm...
Bà Nguyễn Như Mây - Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM - cho biết để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật thì phải có tác phẩm hay. Vậy nên việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác rất quan trọng. Ngoài ra cần nâng chất lượng các cuộc thi sáng tác nghệ thuật.
6 nội dung trọng tâm
Ông Nguyễn Thọ Truyền - phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - đúc kết sáu nội dung trọng tâm từ tọa đàm.
Một là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông thực hiện hiệu quả nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tác phẩm văn học nghệ thuật phải có sức truyền cảm, phong cách sáng tạo mới, đồng thời cần có sự kết hợp hài hòa giữa báo chí, xuất bản và mạng xã hội.
Hai là đề cao vai trò xây dựng con người mới ở TP mang tên Bác qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời nêu trách nhiệm của các văn nghệ sĩ, người làm báo, người sử dụng mạng xã hội... trong vấn đề này.
Ba là phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ người làm báo, văn nghệ sĩ trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cũng như vai trò của báo chí, xuất bản và văn học, nghệ thuật gắn với hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Bốn là một số tham luận đã nêu những đóng góp của mạng xã hội trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Một số cơ quan, địa phương đã sử dụng mạng xã hội làm kênh thông tin, tuyên truyền các thông tin tích cực.
Năm là cần chấn chỉnh, uốn nắn trong hoạt động báo chí, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, sử dụng mạng xã hội, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Các tổ chức Đảng, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt cũng như có giải pháp quản lý cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội sao cho phù hợp các quy định của Đảng, pháp luật và cơ quan.
Sáu là một số đại biểu đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản, truyền thông trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
"Tọa đàm có nhiều ý kiến khá sâu sắc, có trách nhiệm với vấn đề phát triển văn học nghệ thuật nói chung, việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí và không gian mạng nói riêng và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM" - ông Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.
Kêu gọi TikToker quảng bá văn hóa
Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết trong một tháng vừa qua, số lượt xem của năm TikToker nổi tiếng đạt hơn 18 triệu lượt.
Tổng số lượt người theo dõi năm TikToker này là hơn 60,2 triệu.
Trong thời gian tới nếu tận dụng được các TikToker vào việc quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa thì rất tốt trong lan tỏa thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận