Thông tin được nêu tại hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ và giải pháp” sáng 6-6, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức.
Hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP rất cần thiết, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TP đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác gắn với Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Hội thảo khoa học lần này nhằm mục đích xác định rõ thêm nội dung trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể góp phần xây dựng không gian được toàn diện, sâu sắc.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết thời gian qua việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Đã có hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa tại các cơ quan, đơn vị, từ trưng bày trên không gian mạng đến tọa đàm, triển lãm; nhiều công trình học tập theo Bác rất thuyết phục.
Theo bà, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được đặt trong bối cảnh mới, cần có một quy hoạch tổng thể. Trong đó mở rộng nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh, xây dựng quảng trường Hồ Chí Minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Không chỉ vậy, mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP hãy phấn đấu là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; mỗi cộng đồng, mỗi gia đình là một không gian văn hóa.
Đề án quy hoạch riêng cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đây là lần đầu tiên chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Điều này thể hiện lòng kính trọng và biết ơn của toàn thể chính quyền, nhân dân TP đối với Bác.
Ông Khuê nhìn nhận hiện nay TP đã có một số thiết chế văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh; Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng là nơi Bác từng theo học,...
Thời gian tới, TP cần quan tâm quy hoạch xây dựng đề án riêng về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2035.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
Ông Hải chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh như tập trung trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa và nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Đặc biệt, cần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; tổ chức học tập, đa dạng hóa các mô hình giáo dục để tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa các giá trị nhân cách Hồ Chí Minh rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Cần chú trọng thiết chế văn hóa mới
PGS.TS Lâm Nhân - chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TP.HCM - cho rằng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực, có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác. Bởi nếu rập khuôn, máy móc, đi theo một lối mòn sẽ dẫn đến sự nhàm chán. Như việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Củ Chi sẽ phải có những nét khác với TP Thủ Đức.
Cùng với đó, cần chú trọng thiết chế văn hóa mới. “Gần 50 năm qua, thiết chế văn hóa truyền thống được quy hoạch nhưng hầu như không có công trình văn hóa mới mang dấu ấn được xây dựng, như dự án nhà hát Thủ Thiêm, đó là cái chúng ta cần quan tâm”, ông Nhân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận