19/04/2023 13:55 GMT+7

Bằng đại học 'vô giá trị' đang tạo ra thế hệ thất nghiệp ở Ấn Độ

Sinh viên trên toàn cầu đang ngày càng đặt câu hỏi về lợi ích của giáo dục, kể cả ở Mỹ. Nhưng không ở đâu vấn đề bằng đại học vô giá trị nhức nhối hơn Ấn Độ.

Bằng đại học vô giá trị đang tạo ra thế hệ thất nghiệp ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Sự bùng nổ trong kinh doanh giáo dục ở Ấn Độ gây ra nhiều phức tạp, đặc biệt ở thành phố Bhopal - Ảnh: BLOOMBERG

Kinh doanh đang bùng nổ trong ngành giáo dục trị giá 117 tỉ USD của Ấn Độ, và các trường đại học mới đang mọc lên với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên, hàng nghìn thanh niên Ấn Độ đang nhận thấy mình tốt nghiệp với kỹ năng làm việc hạn chế, làm suy yếu nền kinh tế của đất nước này vào thời điểm tăng trưởng then chốt.

Một nghịch lý kỳ lạ

Các viện công nghệ và quản lý hàng đầu của Ấn Độ đã đào tạo ra những giám đốc kinh doanh toàn cầu như Sundar Pichai của Alphabet Inc. và Satya Nadella của Microsoft Corp.

Theo Bloomberg, ở phía bên kia "ánh hào quang" của nền giáo dục là hàng nghìn trường đại học, cao đẳng tư thục nhỏ: Không có các lớp học chính quy, sử dụng giáo viên trình độ yếu, chương trình giảng dạy lỗi thời và thiếu tính thực hành.

Một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ không có việc làm do các vấn đề trong hệ thống giáo dục, theo một nghiên cứu của công ty đánh giá tài năng Wheebox.

Điều đó khiến tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao hơn 7%, mặc dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Giáo dục cũng đang trở thành một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Narendra Modi, khi ông cố gắng thu hút các nhà sản xuất và nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc.

Bùng nổ giáo dục mất kiểm soát?

Sự bùng nổ giáo dục ở Ấn Độ diễn ra khá lộn xộn.

Ở thành phố Bhopal chẳng hạn, một đô thị nhộn nhịp với khoảng 2,6 triệu dân ở miền trung Ấn Độ, những biển quảng cáo rầm rộ về các trường đại học tư thục nằm từ khu phố chợ đến các góc đường.

Ở trung tâm của Bhopal là một thị trường giáo dục nhộn nhịp với các học viện đào tạo về dịch vụ dân sự, kỹ thuật và quản lý. Họ hứa hẹn với những người trẻ tuổi bằng quảng cáo: “Ghi danh học rồi sẽ có việc làm tốt chờ bạn".

Những lời hứa này thật khó cưỡng đối với hàng triệu nam nữ thanh niên đang mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm của Ấn Độ.

Các sinh viên được Bloomberg phỏng vấn đã nêu một loạt lý do để đầu tư vào giáo dục nhiều hơn, từ việc cố gắng nâng cao địa vị xã hội để cải thiện triển vọng hôn nhân cho đến việc nộp đơn xin việc của chính phủ, nơi yêu cầu phải có bằng đại học.

Một cư dân Bhopal, anh Tanmay Mandal, 25 tuổi, phải trả học phí 4.000 USD để có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng. Anh tin rằng bằng đại học là con đường dẫn đến một công việc tốt. Cuối cùng, Mandal vẫn thất nghiệp, do không thể trả lời các câu hỏi kỹ thuật trong các cuộc phỏng vấn xin việc.

Đầu tư vẫn như "muối bỏ bể"

Ngành giáo dục của Ấn Độ được dự đoán sẽ đạt 225 tỉ USD (cho hơn 1,4 tỉ dân) vào năm 2025, theo India Brand Equity Foundation, một quỹ tín thác của chính phủ.

Con số này nhỏ hơn nhiều so với ngành giáo dục Mỹ, nơi có mức chi tiêu được ước tính lên tới hơn 1.000 tỉ USD, cho hơn 330 triệu dân.

Tại Ấn Độ, chi tiêu công cho giáo dục trì trệ ở mức khoảng 2,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% đặt ra trong chính sách giáo dục mới của chính phủ.

Các vấn đề tệ hại tại các trường đại học lan rộng khắp Ấn Độ, với một loạt trường ở các bang khác nhau bị chính quyền giám sát.

Ở một số vùng của Ấn Độ, sinh viên đã tuyệt thực để phản đối việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất tại các học viện của họ.

Ông Anil Sadgopal, cựu trưởng khoa giáo dục tại Đại học Delhi và là cựu thành viên của Ban Cố vấn liên bang về giáo dục, cho biết: “Không nói quá, những bằng cấp như vậy sẽ vô giá trị. Khi hàng triệu thanh niên thất nghiệp mỗi năm, toàn bộ xã hội trở nên bất ổn".

Làm ở Apple, Google không cần bằng đại họcLàm ở Apple, Google không cần bằng đại học

TTO - Trang web việc làm Glassdoor công bố danh sách cập nhật 15 doanh nghiệp hàng đầu thế giới không yêu cầu các ứng viên phải có bằng đại học khi xin việc, trong đó có Google, Apple, IBM và Ernst & Young.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên