23/08/2018 10:12 GMT+7

Làm ở Apple, Google không cần bằng đại học

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trang web việc làm Glassdoor công bố danh sách cập nhật 15 doanh nghiệp hàng đầu thế giới không yêu cầu các ứng viên phải có bằng đại học khi xin việc, trong đó có Google, Apple, IBM và Ernst & Young.

Làm ở Apple, Google không cần bằng đại học - Ảnh 1.

CEO Apple, ông Tim Cook, có mặt tại một sự kiện ở Trường cao đẳng Cộng đồng Lane của Mỹ - Ảnh: WSJ

Bằng cấp học thuật vẫn được xem xét và thực sự vẫn là một yếu tố cân nhắc quan trọng khi đánh giá các ứng viên về mặt tổng thể, nhưng nó sẽ không còn là rào cản với việc họ có thể đặt được một chân qua cửa nữa

Bà Maggie Stilwell (giám đốc phụ trách tìm kiếm tài năng của Công ty Ernst & Young)

Google hiện sẵn sàng tiếp nhận ứng viên không bằng đại học nộp đơn vào các vị trí quản lý sản phẩm, tuyển dụng nhân sự, kỹ sư phần mềm, quản lý tiếp thị sản phẩm...

"Khi bạn nhìn vào những người không tới trường (đại học) và có một hướng đi riêng của họ trên thế giới, đó là những người rất xuất sắc. Và chúng tôi sẽ làm tất cả để tìm kiếm những người đó" - ông Laszlo Bock, nguyên phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự của Google, đã từng chia sẻ một trong những "bí kíp" tuyển dụng nhân tài của Google.

Đúng người đúng việc

15 doanh nghiệp lớn mà trang Glassdoor cho biết hiện không đòi hỏi ứng viên phải có bằng đại học, ngoài những cái tên vừa nêu trên còn có Penguin Random House, Costco Wholesale, Whole Foods, Hilton, Publix, Starbucks, Nordstrom, Home Depot, Bank of America, Chipotle và Lowe’s...

Năm 2017, phó chủ tịch Công ty IBM, bà Joanna Daley, cho biết khoảng 15% nhân viên tại Mỹ của công ty bà không có bằng cử nhân.

Cũng theo bà Daley, thay vì chỉ tìm kiếm các ứng viên đã tốt nghiệp đại học, IBM hiện đã "bủa lưới" săn tìm các ứng cử viên có kinh nghiệm thực tiễn thông qua các chương trình lập trình chuyên sâu hoặc các lớp đào tạo nghề liên quan tới lĩnh vực ngành nghề của họ.

Các doanh nghiệp thành công hàng đầu của Mỹ đã chứng tỏ cách thức tuyển người nhìn vào thực lực và căn cứ vào sự "đúng người đúng việc" của họ đã phát huy hiệu quả trên thực tế chứ không quá nặng về bằng cấp.

Ông chủ Tập đoàn Virgin (Anh), tỉ phú Richard Branson, từng bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông về cách tuyển người của Apple thế này: "Tôi chưa bao giờ hết ấn tượng bởi Apple dường như đã thực sự thuần thục kỹ năng sống còn là chọn ra những người xuất sắc nhất làm việc cho họ... Nhận thức rõ thực tế đối tượng khách hàng trải rộng trên mọi lứa tuổi, từ bé tám tuổi đến lão niên bát thập, đội ngũ nhân viên của Apple cũng đa dạng như vậy" (Phong cách Virgin, tác giả Richard Branson).

Thái độ quan trọng hơn trình độ

Tất cả các công ty lớn và thành công trên thế giới đều hiểu rõ nhân sự là yếu tố sống còn. Bởi vậy, ngay cả tại Google, một công ty trị giá hơn 700 tỉ USD và hiện vẫn đang tuyển dụng khoảng 4.000 người mỗi năm, giám đốc điều hành Alphabet (công ty mẹ của Google), ông Larry Page, vẫn là người trực tiếp có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn một ứng viên cho các vị trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt, thay vì phó mặc cho phòng nhân sự.

Mặc dù có thể khi viết câu "tính tình cao hơn học vấn", cây bút tiểu luận người Mỹ Ralph Waldo Emerson không có ý nói tới chuyện tuyển dụng nhân sự, nhưng với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, việc lựa chọn ứng viên trên thực tế là tìm kiếm những người say sưa công việc và thực sự phù hợp với văn hóa công ty, yếu tố quan trọng không kém (thường được đặt cao hơn) khi cân nhắc các ứng viên cùng trình độ chuyên môn. Với nhiều chuyên gia nhân sự lão luyện, sơ yếu lý lịch chỉ là một tờ giấy không hơn.

Ông Tony Collins, giám đốc điều hành Công ty đường sắt Virgin Trains từ năm 2004 đến nay, từng kể câu chuyện đầy cảm hứng về một nữ nhân viên quét dọn ông tình cờ gặp. Lần đó khi đang đi thị sát thực tế như thông lệ, ông vô tình thấy cô nhân viên quét dọn này tận tình giúp đỡ người khách cao tuổi ngồi vào chỗ, phát báo và đồ dùng cho ông ấy với thái độ niềm nở, vui tươi.

Sau đó ông Tony ấn tượng hơn khi hỏi ra mới biết cô không phải là nhân viên của Virgin Trains, mà chỉ là công nhân quét dọn do đối tác cung cấp dịch vụ vệ sinh của công ty này thuê làm việc trên tàu.

Ông Tony hỏi tại sao cô không nộp đơn ứng tuyển cho công ty ông, và rồi "té ngửa" với câu trả lời cô đã thử vài lần nhưng không đạt yêu cầu vì không vượt qua được bài kiểm tra đầu vào.

Quá bất ngờ, ông Tony gọi điện cho phòng nhân sự của công ty, yêu cầu họ rà soát lại các tiêu chí tuyển dụng. Vài tuần sau, người phụ nữ đó được tuyển vào làm trợ lý dịch vụ trên tàu cho Virgin Trains.

Và cô không ở vị trí đó lâu, 4 năm sau cô thăng tiến đều đặn qua các nấc và hiện là một quản lý ga vùng của công ty này. Và giờ đây Tập đoàn Virgin đã xác định họ tuyển người dựa trên thái độ chứ không phải bằng cấp.

Tôi từng trách nhà tuyển dụng "làm khó" khi đòi kinh nghiệm Tôi từng trách nhà tuyển dụng 'làm khó' khi đòi kinh nghiệm

TTO - Sau khi ép mình vào làm cùng lúc hai công việc - dịch thuật và Marketing, tôi dần nhận ra cái 'kinh nghiệm' mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi là gì.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên