Bữa ăn trưa bán trú tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) được chia theo ca - Ảnh: T.THƯƠNG
Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) trong năm học 2020-2021 chào đón gần 1.800 học sinh bán trú.
Thầy Nguyễn Văn Lợi - hiệu trưởng - cho biết các khối 2, 3, 4, 5 đã "nằm lòng" các bữa ăn bán trú nhưng bảy lớp 1, mỗi lớp có 40 học sinh còn bỡ ngỡ nên trường tính toán cách riêng để an toàn trong phòng chống dịch.
Dụng cụ ăn uống, chén bát, ly... có số thứ tự khắc vào cho từng em, mỗi em dùng đồ riêng hết.
Cô Phạm Ngọc Lan (hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Việt, Q.9, TP.HCM)
Ăn theo ca tại lớp, sân trường
"So với trước là ăn tập trung ở nhà ăn, ngồi theo bàn tròn. Nhưng từ cuối tháng 5 trường tổ chức ăn theo hình thức mới là chia ca, ngồi một chiều, ăn tại lớp. Vì thế đầu năm học trường cũng làm cách thức tương tự.
Nhà bếp làm xong thức ăn trưa, bảo mẫu chuyển đến cho lớp. Các khối lớp chia ca. Ca 1 ăn lúc 10h40, ca 2 là 11h. Chia ra như thế bởi ăn xong giáo viên sẽ cho các em đi vệ sinh, rồi ngủ trưa. Nếu ồ ạt đi và đụng nhau ở nhà vệ sinh sẽ không an toàn. Hầu hết các em tuân thủ. Giáo viên, bảo mẫu cùng hỗ trợ khâu này gọn ghẽ, thuận tiện" - thầy Lợi nói.
Trong khi đó, theo cô Lê Thị Thanh Giang - hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cách làm ở trường là chia theo đặc thù của các lớp. "Như lớp tiếng Anh tích hợp, tăng cường thì các em học hai buổi/ngày nên ăn ngủ tại trường hết cả tuần, ăn tại lớp có bảo mẫu hỗ trợ.
Còn như lớp thường bán trú, với lớp 9 không có bảo mẫu hỗ trợ nên các em chỉ ăn trưa ba buổi/tuần. Vì thế tổ chức ăn ở sân trường, vừa rộng vừa thoáng, phù hợp với tinh thần tự quản của các em là chính. Khi ngủ thì xếp ghế, chia ra theo nhóm, ngủ tại lớp" - cô Giang nói.
Cô Phạm Ngọc Lan - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Việt (Q.9) - thông tin: "Trước khi tổ chức bán trú, trường cho vệ sinh lau chùi thật kỹ phòng ăn, bếp ăn tại chỗ.
Tập huấn lại cho đội ngũ nhà bếp, lên thực đơn. Dù mùa dịch hay tình hình bình thường thì thực đơn cũng phải đảm bảo dinh dưỡng. Nhưng dịch thì chuẩn bị cho các em kỹ hơn, tăng cường nhiều rau xanh, đồ ăn mát cơ thể".
Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) cũng phân bố lại không gian ăn trưa cho học sinh. Theo thầy Đinh Hữu Đắc - hiệu trưởng, các khối lớp ngồi ăn ở nhà ăn, trong sân trường, sảnh lớn phía trước, bàn ăn từ 8 em chỉ còn 4 em/bàn…
Ưu tiên học sinh lớp 1
Ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết tất cả các trường trên địa bàn quận đã tổ chức bán trú từ ngày 7-9. "Nhưng trước đó trong mùa dịch, phòng đã triển khai như thế nào thì các trường phải tuân thủ đúng.
Quy định về khoảng cách ngồi ăn, quy định vệ sinh nhà bếp, đặc biệt chú ý hơn đến việc ăn ngủ của học sinh khối 1, các lớp 2 buổi/ngày" - ông Huy nhấn mạnh.
Ông Ngô Xuân Đông - trưởng Phòng GD-ĐT Q.7 - nói: "Trước khi khai giảng phòng đã họp hiệu trưởng giao ban, triển khai nhiều nội dung, trong đó có phòng chống dịch, ngoài đo thân nhiệt, vệ sinh thì chú ý khâu ăn ngủ bán trú, nhất là các em lớp 1 bởi học sinh đầu cấp, chuyển từ được các cô mầm non chăm sóc sang hình thức tự thân các em trong khâu ăn uống".
Cũng theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, bữa ăn bán trú rất quan trọng nên phải đặc biệt chú ý học sinh lớp 1. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Gò Vấp chia sẻ:
"Dù rằng trường rất thuận lợi vì có bếp ăn tại trường, sĩ số học sinh chỉ 30 em/lớp nhưng vẫn cho học sinh ăn lệch ca. Ca 1 lúc 10h30, ca 2 là 10h45, ca 3 là 11h. Nhưng khối 1 phải ăn trước, ngủ trước. Tăng cường các bảo mẫu trong giờ ăn trưa cho lớp 1…".
Sẽ kiểm tra công tác bán trú
Ông Ngô Xuân Đông cho biết để đảm bảo an toàn trong mùa dịch sắp tới sẽ có đợt kiểm tra ở các trường. "Hiện ban kinh tế - xã hội của HĐND quận, phối hợp với phòng, đang có kế hoạch vào tháng 9 sẽ kiểm tra giám sát công tác ăn bán trú của các trường ở địa bàn" - ông Đông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận