16/05/2020 10:30 GMT+7

Tổ chức học bán trú tại TP.HCM: Nơi mạnh dạn, chỗ nghe ngóng

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Đúng ngày học sinh tiểu học trở lại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản cho phép các trường thực hiện bán trú. Có trường đã cho học sinh học bán trú ngay, nhưng cũng có trường gần một tuần qua vẫn im lặng nghe ngóng, dè chừng...

Tổ chức học bán trú tại TP.HCM: Nơi mạnh dạn, chỗ nghe ngóng - Ảnh 1.

Tuần đầu bán trú, học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) ăn trưa tại lớp thay vì tập trung tại nhà ăn như trước đây - Ảnh: T.L.

Trong khi đó, phụ huynh như ngồi trên lửa khi con học 2 buổi/ngày mà sáng đưa đi, trưa đón về, chiều lại đưa đi học trong cái nắng đầu hè.

Phụ huynh chúng tôi đợi từng ngày, cứ cuối giờ đón con, tôi lại ngóng lịch và hỏi cô giáo. Trường vừa thông báo sẽ mở lại bán trú từ tuần sau nhưng căngtin chưa phục vụ ăn sáng, cũng hơi bất tiện.

Anh Thanh (phụ huynh có con học Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM)

Mẹ con vật vờ ở quán cà phê

Ngày đầu tiên con đi học lại, anh N.M.G., phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), như trút được gánh nặng: "Mai trường tổ chức bán trú rồi". Được biết, trường của con anh G. thực hiện bán trú từ ngày 13-5, sau hai ngày có thông báo từ sở.

Tương tự, anh Phùng Quán có con học Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) được học bán trú ngay sau một ngày trở lại trường. 

Anh Quán chia sẻ: "Trường rất nhạy, mới có thông báo nhưng hôm sau là con tôi đi học cả ngày rồi. Tôi thích cách tổ chức của trường, khi có thông báo thì trường thực hiện ngay và tính toán đến sự an toàn cho học sinh. Mỗi buổi sáng và chiều những ngày đầu đi học, ban giám hiệu đều có mặt chỉ đạo làm sao không kẹt xe, làm sao các em vào đúng ca".

Tuy nhiên, tình hình ở Q.1 khác hẳn, hầu hết các trường ở quận này tuần đầu tiên chưa có nơi nào mở bán trú. Điều này khiến phụ huynh không ít lao đao. 

Chị H.T.X. có con học Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) lắc đầu buồn bã nói: "Ban đầu nghe tin, tôi mừng muốn khóc nhưng không phải. Một tuần này quá khổ. Con học 2 buổi/ngày, trường chưa mở bán trú, nhà tôi lại ở Q.Thủ Đức. 

Trưa đón con xong về nhà ăn nghỉ, trời nóng ran, rồi lại đưa con đi học buổi chiều. Có hôm đuối, mẹ con vật vờ ở quán cà phê để chiều con học luôn. Hỏi giáo viên chủ nhiệm thì câu trả lời là đợi... kế hoạch".

Phải an toàn

Mở hay chưa mở bán trú, mỗi trường có mỗi lý do khác nhau. Có trường mạnh dạn mở lại ngay khi có thông báo vì có những tính toán an toàn riêng. Có trường thận trọng, có trường cho rằng thực hiện ngay sẽ cập rập.

Thầy Nguyễn Văn Lợi, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3), cho biết trường mạnh dạn tổ chức bán trú liền sau ngày thông báo, bởi để học sinh trở lại trường thì điều phụ huynh quan tâm là cụm từ "bình thường mới". 

"Vì lẽ đó, trường cố gắng thực hiện trở lại các hoạt động như trước khi có dịch. Nhưng "mới" ở đây là đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông người. 

Trong khi bán trú, tập trung là đương nhiên nhưng trường có kế hoạch riêng - thầy Lợi nói và dẫn chứng - Trước đây các em ngồi ăn theo bàn tròn, tập trung ở nhà ăn nhưng nay bán trú thì ăn lệch ca, ăn tại lớp, tận dụng lớp học thành nơi ngủ nghỉ nên vệ sinh ngay lúc đó; tăng cường bảo mẫu, khuyến khích giáo viên, bảo mẫu chịu khó ở lại trong những ngày này. Đưa đón cũng lệch mỗi lớp 15 phút, không kẹt xe, sân trường lại thông thoáng".

Ngoài những trường mạnh dạn mở bán trú, vẫn có một số trường còn e dè để... an toàn. Trước những "khát khao" và đợi câu trả lời khi nào mở bán trú, một hiệu trưởng tại Q.1 lý giải: "Phải xem thật kỹ, trước sau gì nhà trường cũng mở nhưng cứ để các nơi làm trước, nếu lỡ có chuyện thì...". 

Cũng theo ghi nhận, bắt đầu tuần sau nhiều trường ở Q.1 mở lại bán trú. Cô Lê Thanh Diệu Ái, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1), phân tích: "Tôi biết có trường đã tổ chức bán trú rồi, nhưng phải thực hiện các biện pháp an toàn và tùy điều kiện tình hình mỗi trường. Mở bán trú ngay thì cập rập quá. 

Chúng tôi phải xem lại hợp đồng thực phẩm, thức ăn, kiểm tra đã còn hạn sử dụng; rồi lau dọn khử khuẩn khu bếp; phân công lại các khâu trong bếp ăn, tăng cường nhiều công đoạn cho bảo mẫu. Ví dụ, học sinh lớp 5 có thể ý thức lấy thức ăn, hoặc chiết kem đánh răng ra nhưng bán trú trở lại thì công đoạn này bảo mẫu làm hết để an toàn".

Lấy ý kiến phụ huynh

Q.9, TP.HCM có tất cả 20 trường tiểu học và 13 trường THCS. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - trưởng Phòng GD-ĐT Q.9, hiện mới chỉ có một nửa số trường thực hiện bán trú, các trường còn lại sẽ mở bán trú vào tuần sau. "Các trường mở bán trú phải gửi kế hoạch thực hiện về phòng GD-ĐT.

Trường nào cũng phải thực hiện nhiều thao tác, thực hiện tờ khai y tế, rà soát, tổng vệ sinh và thực hiện bộ tiêu chí sao cho an toàn nên không thể thực hiện ngay được. Đó là chưa kể trường còn lấy ý kiến phụ huynh, thông tin từ hai phía để đăng ký, đáp ứng nhu cầu" - bà Hiền giải thích.

Học sinh tiểu học chuẩn bị trở lại trường: Đau đầu chuyện bán trú Học sinh tiểu học chuẩn bị trở lại trường: Đau đầu chuyện bán trú

TTO - Khá nhiều phụ huynh ở Hà Nội và TP.HCM có con em đang học tiểu học tỏ ra lo lắng với lịch học tập không bán trú của trường.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên