19/01/2017 10:45 GMT+7

Bạn trẻ về quê khởi nghiệp cùng hoa sen

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Lớn lên bên dòng sông Tiền, nhiều người con xứ Tháp Mười ra đi để học tập và tìm cơ hội đổi đời ngoài mảnh ruộng. Nhưng dù lăn lộn giữa Sài Gòn hay bôn ba tận trời Âu, cuối cùng hành trình khởi nghiệp cũng cuốn họ trở lại quê nhà.

Sen Đồng Tháp - Ảnh tư liệu

Không hẹn mà gặp, hai người trẻ sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp cùng nghiên cứu hóa sinh về hoa sen để phát triển sản phẩm khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi.

Thạc sĩ ướp sen tươi quanh năm

Tốt nghiệp thạc sĩ về hóa học tại Pháp, Ngô Chí Công (28 tuổi, quê ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trở về nước lập nghiệp. “Hồi trẻ mà, cũng muốn tìm nơi phố xá để lập nghiệp” - Công chia sẻ.

Nhưng sau lần đầu kinh doanh thất bại, trùng vào dịp Tết về quê, Công nghe lãnh đạo tỉnh kêu gọi người trẻ về Đồng Tháp với khẳng định đây không chỉ là vùng đất tiềm năng mà còn có những con người sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Tin tưởng, Công rời TP.HCM về quê.

Nhưng cũng phải thêm một lần thất bại với bình gốm giả đá, Công mới đến với ý tưởng ướp sen tươi. Yêu hoa sen từ nhỏ, Công nghĩ đến chuyện làm sao để giữ mãi vẻ đẹp của những đóa sen đang nở. Biết Đà Lạt có hoa hồng khô, Công tìm nhờ nghệ nhân áp dụng công nghệ đó lên sen.

Thời gian đầu Công phải thu hoạch, vận chuyển sen tốc hành lên Đà Lạt để gia công. Đường xa, hoa sen không có đài vốn đã dễ rụng cánh, úa màu nên chỉ có thể thu hoạch và sấy khô sen búp. Nhưng thị trường đòi hỏi hoa sen phải thực hơn, thế là Công xắn tay nghiên cứu cải thiện màu sắc, hình dáng hoa sau sấy.

Mất khoảng sáu tháng để Công sấy được hoa sen đang ở độ bung nở, giữ được độ ẩm và mềm mịn. Kết hợp màu thực phẩm, Công tạo ra hoa sen khô mang nhiều sắc độ hồng khác nhau trên một cánh hoa, có thêm túi gạo trong nhụy giữ được màu vàng và mùi hương dịu ngọt tự nhiên. Sản phẩm đang trong giai đoạn thử độ bền màu, hiện tại có thể giữ từ 9 đến 12 tháng. 

Sen được thu hoạch tại TP Cao Lãnh và huyện Tháp Mười, vận chuyển nhanh chóng về cơ sở gần đó để xử lý. Thời gian nở đẹp nhất của hoa phải được tính toán chính xác, tỉ mỉ nhờ kinh nghiệm nhà nông. Vì vậy, Công đã chế một máy sấy điện từ một máy không chuyên để làm thử hàng chục công thức, tỉ lệ cho hoa, lá, gương.

Trong tương lai Công muốn đầu tư hệ thống hoàn chỉnh hơn, phát triển loại máy dành riêng cho hoa sen, nâng cao độ khô của hoa và số lượng sản phẩm.

Thành lập và điều hành Công ty Khởi Minh thành công, chàng thạc sĩ hóa học hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày và bán sen sấy khô tại TP.HCM, Đồng Tháp và Paris (Pháp) từ tháng 8-2015. 

Ngô Chí Công
Ngô Chí Công

Tinh dầu từ sen và phụ phẩm nông nghiệp

Sống giữa “thủ phủ” hoa sen, trái cây và hoa kiểng, Đoàn Ngọc Minh Thùy (28 tuổi) nhận ra một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, sản vật địa phương chưa được khai thác triệt để giá trị.

Thấy nhà nông vứt vỏ quýt, vỏ bưởi, lá sả, Thùy nghĩ đến chuyện có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để chưng cất tinh dầu, gia tăng giá trị sản vật địa phương, nâng tầm thành dược liệu chăm sóc sức khỏe.

“Mỗi năm có hàng tấn quýt non, quýt xấu ở Lai Vung bị loại bỏ để dưỡng cây, nuôi trái đẹp. Mỗi dịp sau Tết, người trồng hoa thường đổ bỏ hoa ế cũng như nhổ bỏ hoa cũ để trồng vụ mới. Hiện tại, dự án của Thùy đang thu mua một phần từ những nguồn như vậy để sản xuất” - Thùy nói.

Chiết xuất từ sen Tháp Mười, quýt Lai Vung, tràm gió Tràm Chim, bưởi Cao Lãnh, Minh Thùy làm ra tinh dầu nguyên chất, xà bông tắm thiên nhiên, vòng tay đuổi muỗi, ống hít thông mũi, gỗ lưu niệm giúp thư giãn tinh thần.

Sản phẩm xà bông tắm từ tinh dầu sen Đồng Tháp và tràm gió Tràm Chim là thử nghiệm mới của Thùy cho dù lượng tinh dầu chiết xuất từ sen không nhiều như các nguyên liệu khác. “Mình đang tìm cách khác để tăng hiệu suất chưng cất sen.

Bù lại, công thức kết hợp tinh dầu tràm, than tre hoạt tính giúp xà bông sen hút bã nhờn tốt hơn, để lại mùi hương thư giãn, thân thiện cho da mặt và toàn thân” - cô cựu sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết. 

Có bốn năm làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho một công ty mỹ phẩm, Thùy quyết định phát triển dự án riêng mang tên Hương Đồng Tháp. Hiện sản phẩm đang được bán trên trang web quatangdongthap.com và tại các hội chợ khởi nghiệp.

“Lý do quan trọng nhất là Thùy yêu hoa sen. Nhắc đến Đồng Tháp là nhắc đến hoa sen, loài hoa thuần khiết biểu tượng cho tâm linh, tinh thần, con người Đồng Tháp” - Thùy nói.

Thùy đang tìm cách xây dựng nguồn nguyên liệu hoa tại Sa Đéc, có thể tự nhân giống, nuôi cấy, chuyển giao công nghệ, bao tiêu thu mua cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng có kinh tế cao.

Khi đó, làng hoa Sa Đéc vốn nổi tiếng về du lịch, hoàn toàn có thể phát triển thêm dịch vụ trải nghiệm, khách đến tự chưng cất tinh dầu tại vườn. 

Hoa sen ướp tươi (sấy khô) giữ được hương sắc từ 9 đến 12 tháng
Hoa sen ướp tươi (sấy khô) giữ được hương sắc từ 9 đến 12 tháng

Đi một vòng rồi cùng về quê hương

“Khi về Đồng Tháp, Thùy nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ phát triển, ủng hộ về tinh thần, vật chất, tạo năng lượng để mình phát triển” - Thùy tự hào cho biết.

Đồng ý với Thùy, Công cho rằng: “Về đây mới thấy lập nghiệp ở quê thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên so với TP.HCM, ở quê chưa phát triển dịch vụ “mềm” như bao bì, thiết kế, PR, làm web...”.

Đều xuất thân từ phòng thí nghiệm, Chí Công và Minh Thùy vừa phải nghiên cứu phát triển sản phẩm vừa vật lộn với hàng trăm ngàn bài toán kinh tế, thị trường, nhưng tất cả đều là con đường đầy lý thú đối với cả hai. 

“Không phải khởi nghiệp vì muốn làm chủ, mà khi khởi nghiệp mình được làm cho bản thân, thỏa mãn đam mê sáng tạo, được làm điều mình ấp ủ. Hai lần khởi nghiệp trước cũng là đam mê, nhưng đã có những sai lầm trong tính toán chi phí, nhu cầu thị trường, thời cơ… dẫn đến thiệt hại. Nhưng thất bại thì đứng dậy tiếp tục” - Công chia sẻ với nụ cười đầy tự tin và hào sảng.

Gặp nhau tại TP Cao Lãnh trong khuôn khổ cuộc thi khởi nghiệp, Chí Công chủ động hỏi thăm Minh Thùy để hai bên có thể cùng nhau bán các sản phẩm từ sen, tăng giá trị cho loài hoa của quê hương.

Đi một vòng lớn, họ trở về nơi bắt đầu với những hành trang tri thức và trải nghiệm để nhìn ra thời cơ cũng như giá trị mới từ những điều tưởng chừng cũ kỹ ở quê nhà. 

Đoàn Ngọc Minh Thùy
Đoàn Ngọc Minh Thùy
Gian nan

Ông Hoàng Việt - tiến sĩ hóa thực vật Đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp), cố vấn dự án Hương Đồng Tháp - nói:

“Phần lớn tinh dầu thật có ở Việt Nam là nhập khẩu, một phần khác được chưng cất với chất lượng trôi nổi. Ở các nước phát triển, tinh dầu đã trở thành một ngành công nghiệp với vùng nguyên liệu có sẵn, quy trình và thiết bị máy móc đã ổn định chất lượng.

Nhưng ở Việt Nam phải nghiên cứu, xác định, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn cho từng loại tinh dầu, thông số chưng cất tốt nhất, thiết bị chiết xuất kín, bảo toàn vì chỉ cần thất thoát 200-300ml tinh dầu là giá thành đội lên rất nhiều.

Mặc dù rất ủng hộ dự án nhưng phải thừa nhận công việc sẽ rất gian nan. Tôi thấy sự nghiêm túc và bài bản trong dự án của Thùy. Hi vọng Thùy đủ sức đi tới nơi tới chốn”.

Xà bông từ tinh dầu hoa sen, tràm gió và than hoạt tính - Ảnh: Tường Hân
Xà bông từ tinh dầu hoa sen, tràm gió và than hoạt tính - Ảnh: Tường Hân
TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên