17/12/2019 18:14 GMT+7

Bác sĩ 'phản ứng nhanh' trên Viber, cứu sống người đột quỵ sau 30 phút

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Nữ bệnh nhân 64 tuổi bị đột quỵ rất nặng vừa được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục chỉ sau 30 phút kể từ khi can thiệp tái thông các động mạch bị tắc.

Ngày 17-12, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông tin về trường hợp nữ bệnh nhân 64 tuổi (ngụ Q.Tân Phú) bị đột quỵ nặng vừa được các bác sĩ can thiệp cứu sống ngoạn mục chỉ sau 30 phút. Đặc biệt để chạy đua với "tử thần", ekip bác sĩ can thiệp đã kích hoạt nhóm "phản ứng nhanh" đột quỵ trên Viber.

Theo bệnh viện trường hợp bệnh nhân trên có tiền sử rung nhĩ, đái tháo đường, nhồi máu não cũ. Khoảng 15h ngày 11-12 người này bất ngờ bị liệt nửa người bên phải, méo miệng, lơ mơ và được gia đình khẩn trương chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 16h15 cùng ngày.

Ngay khi tiếp nhận ca đột quỵ nặng, lập tức thông tin được "loan báo" trên nhóm "phản ứng nhanh" trên Viber với khoảng 20 bác sĩ, kỹ thuật viên. Chỉ sau ít phút, quy trình cấp cứu đột quỵ được khởi động đồng loạt từ phòng cấp cứu, nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp mạch máu.

Qua khám lâm sàng, chụp CT các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong, động mạch não giữa. Hội chẩn nhanh, các khoa các bác sĩ quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học tái thông các động mạch bị tắc.

Kể từ lúc đặt sheath (một ống nhỏ) được đưa vào động mạch lúc 17h35 thì đến 18h5 các động mạch bị tắc được tái thông hoàn toàn. Như vậy, với tình trạng đột quỵ nặng chỉ trong vòng 30 phút bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục nhờ can thiệp kịp thời.

"Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể trả lời chính xác các câu hỏi và tay chân có thể cử động bình thường" - bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn - Trưởng kíp can thiệp mạch máu thần kinh - nói.

Bác sĩ Lê Văn Phước - Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh (Bệnh Viện Chợ Rẫy), cho biết trường hợp bệnh nhân nêu trên nếu không được đưa cấp cứu kịp thời thì trên 80% tử vong.

Theo bác sĩ Phước, với người bệnh, đặc biệt đột quỵ mỗi phút đều có ý nghĩa rất lớn. "Cứ 1 phút trôi qua người bệnh có thể mất 2 triệu tế bào thần kinh. Và cứ chậm can thiệp khoảng 30 phút người bệnh lại giảm 10% cơ hội sống. 

Người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, vừa có cơ hội can thiệp tăng khả năng sinh tồn và hạn chế tối đa các di chứng để lại" - bác sĩ Phước khuyến cáo.

Theo thống kê của bệnh viện từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận, điều trị cho khoảng 60 ca đột quỵ. Trong một cuộc khảo sát mới đây với số mẫu là 42 bệnh nhân, tỉ lệ tái thông các động mạch bị tắc đơn vị đạt 88,6%, trong đó có khoảng 54% bệnh nhân được cứu sống có thể tự sinh hoạt bình thường.

Đặc biệt, có một trường hợp cụ ông ngoài 90 tuổi bị đột quỵ được cứu sống chỉ sau 25 phút được các bác sĩ thực hiện các thủ thuật tái thông.

Tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2018 cho thấy đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch. Các biểu hiện triệu chứng đột quỵ có thể nhận thấy ở khuôn mặt như miệng méo, không cân đối; tay chân yếu, không cử động được; miệng nói lắp, không lưu loát…

"Thời gian vàng" để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là trong vòng 4,5 tiếng sau khởi phát đột quỵ và để can thiệp lấy huyết khối là trong vòng 6 tiếng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên