17/12/2019 11:48 GMT+7

Đột quỵ tấn công người trẻ

L.ANH - XUÂN MAI
L.ANH - XUÂN MAI

TTO - Cách đây chừng một tuần, một thanh niên trẻ mới 31 tuổi đã đột ngột tử vong mà trước đó không hề có biểu hiện bệnh lý.

Đột quỵ tấn công người trẻ - Ảnh 1.

TS Tuấn (bìa phải) và chuyên gia quốc tế trao đổi về phòng và điều trị đột quỵ

Theo người thân của nam thanh niên này, anh ấy bận việc nên thường xuyên làm việc, ăn ngủ không điều độ, có khi thức trắng đêm và bắt đầu đi ngủ lúc 10h sáng.

Những ca tử vong như thế này không hiếm gặp thời gian gần đây và rất hay gặp ở người trẻ tuổi. Trước đó cũng có một bác sĩ 32 tuổi tử vong đột ngột và trước khi mất bác sĩ này không có biểu hiện bệnh lý bất thường. 

Những ca bệnh như thế này, các thầy thuốc lý giải có thể do những tai biến mạch máu não hoặc do dị dạng mạch máu não. Trong đó, tai biến mạch máu não - đột quỵ dễ gặp vào mùa lạnh, ở những người vốn có bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu.

Các di chứng tai biến mạch máu não

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa nội - hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), tùy mức độ nặng của đột quỵ, nguyên nhân và tuổi bị bệnh, người bệnh có thể gặp các biến chứng khác nhau với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu oxy và chết gây nên các rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

TS Tuấn cho biết các biến chứng thường gặp nhất của chứng đột quỵ não:

Liệt vận động

Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hằng ngày. Đồng thời bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu..., thậm chí tử vong.

Rối loạn ngôn ngữ

Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ, với biểu hiện khá đa dạng như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí không nói được.

Suy giảm nhận thức

Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh đột quỵ não dẫn đến sa sút trí tuệ của người bệnh. Người bệnh bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, không hiểu được lời nói của người khác... Nhiều người bệnh rất lâu mới có thể phục hồi, không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như độ phức tạp nhiều như trước đây.

Trầm cảm hay rối loạn cảm xúc

Người bệnh sau đột quỵ thường bị suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân, cùng với rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp với người khác, không thể tham gia các hoạt động trước đây. Điều này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm hay rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, xúc động.

Bệnh không thể coi thường khi trời lạnh

Bác sĩ Trần Hùng - khoa hồi sức tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và nguyên nhân thứ 3 gây ra tử vong ở các bệnh nhân, sau nguyên nhân tim mạch, ung thư.

Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng khi trời trở lạnh thì thường thấy tỉ lệ này cao hơn. Theo đó, trời lạnh thì mạch máu bị co lại, dẫn đến tăng huyết áp nên dễ xảy ra đột quỵ. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền về tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, những người thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, tập thể dục rất sớm khi trời lạnh, có chế độ sinh hoạt không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá... cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Khi bệnh xuất hiện, mỗi phút trôi qua có gần 2 triệu tế bào não bị chết, khi cấp cứu càng trễ thì tính mạng bệnh nhân càng bị đe dọa. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm, trong cấp cứu đột quỵ, "thời gian là não", vì vậy việc quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh qua những biểu hiện như chóng mặt, xây xẩm; nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì; méo miệng; yếu hoặc không cử động được chân, tay; nói ngọng hoặc không nói được.

Bên cạnh đó, đột quỵ vẫn có biểu hiện thoáng qua như tự nhiên mất thị lực đột ngột rồi lại nhìn bình thường hoặc bị liệt thoáng qua (biểu hiện kín đáo) như cầm đũa bị rơi không cầm lên được, hoặc chân tay bị yếu đột ngột... hoặc méo miệng, liệt chân tay nhưng các triệu chứng phục hồi trong 24 giờ.

Để không xảy ra đột quỵ trong thời tiết trở lạnh, bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân nên giữ cho cơ thể đủ ấm, hạn chế đi ra ngoài đường khi nhiệt độ quá thấp, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh căng thẳng, không tắm quá khuya, tập thể dục quá sớm...

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.

Giúp người bị đột quỵ hồi phục ra sao?

Người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng sau đột quỵ giúp cho tuần hoàn không bị ứ trệ, không bị ùn tắc đờm dãi, tránh cứng khớp, các nhiễm trùng cơ hội khác, đặc biệt là giúp cho cơ lực khỏe hơn, nhanh hồi phục hơn.

Để giúp người bị đột quỵ có thể giao tiếp được trở lại bình thường, hãy giúp họ học lại kỹ năng giao tiếp, bởi đây cũng là cách giúp họ không còn cảm thấy buồn chán vì không được giao lưu với người xung quanh. Nói những chuyện vui, lời động viên, khích lệ để thôi thúc tinh thần. Sự vui vẻ giúp người bệnh không còn cảm thấy bị cô lập, nhanh lấy lại sức khỏe. Có thể khuyến khích người bệnh tham gia nhóm hoặc câu lạc bộ đột quỵ, giúp người bệnh có thể kết bạn và chia sẻ với những người bạn mới có cùng hoàn cảnh với mình.

Ăn uống thế nào để không Ăn uống thế nào để không 'đột quỵ' trên bàn làm việc

Ăn uống đúng cách giúp cánh mày râu phòng các chứng bệnh (dạ dày, đột quỵ...) mà người bận rộn thường gặp ở tuổi 40.

L.ANH - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên