Ông là Phạm Trung Trường (75 tuổi, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - người đã hiến hàng chục héc ta đất mở đường, làm hồ chứa nước, nghĩa địa... cho bà con vùng khó khăn ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn. Người dân trọng quý ông bởi lòng tốt xuyên qua mấy chục năm gắn bó với mảnh đất này.
Trở thành "vua rừng" từ con đường tình nghĩa
Một ngày cuối tháng 6, trở lại xã Bình An thấy một cổng chào ở đầu xã. Hỏi ra mới biết ông Trường vừa ủng hộ 400 triệu đồng để xây dựng.
Bà con bảo Thọ An trong chiến tranh là căn cứ cách mạng, bác Hai từng là du kích địa phương trong chiến tranh, nên khi biết phong trào xây dựng nông thôn mới đã nhiệt tình ủng hộ xã làm một cổng chào để bà con thêm tự hào với mảnh đất từng là thành đồng lũy thép này.
"Tôi xem Thọ An như quê hương thứ hai của mình. Việc xây dựng cổng chào không khiến tôi hạnh phúc bằng dòng chữ "Dù đi dù ở nơi nào/ Nhớ về thăm lại đồng bào Thọ An/ Ngày xưa kháng chiến gian nan/ Ngày nay ơn Đảng xóm làng ấm no" ghi ở cổng. Điều này có tính giáo dục truyền thống rất cao, bất kỳ người con nào của xã Bình An có đi muôn nơi, quay trở về sẽ tự hào với quê hương mình", ông Trường tâm tình.
Năm 1992, ông Trường từng bỏ ra 80 triệu đồng bạt núi làm đường vào thôn Thọ An để người dân thoát khỏi cảnh cô lập với thế giới bên ngoài. Cũng là ông Trường mua 60 con bò tặng bà con. Sau hơn 30 năm, đàn bò trong dân đã tăng lên cả ngàn con, dù năm nào người dân cũng xuất bán.
"Bác Hai tốt lắm. Bà con mang ơn bác rất nhiều. Không có bác, cuộc sống của người dân chẳng thể khá khẩm như bây giờ", ông Trụ Văn Sơn (thôn Thọ An) nói.
Từ con đường ông Trường tự nguyện xây dựng ấy đã biến ông trở thành "vua rừng" Quảng Ngãi, khi có trong tay 650ha rừng.
Ông Trường vẫn nhớ năm 1992, khi làm đường xong, UBND huyện Bình Sơn xuống chung vui với bà con và tặng lại cho ông 20 triệu đồng. Ông lấy số tiền ấy làm thêm đường vào các bản làng. Bà con quý, níu giữ ông ở lại. Họ chỉ tay về phía núi tặng ông những khoảng rừng toàn dây leo và cây bụi.
Nhận thì chẳng biết làm gì, mà không nhận thì bà con buồn. Thế là ông nhận. Năm 1993 hưởng ứng phòng trào phủ xanh đồi trọc của Nhà nước, ông cùng 27 người bạn bỏ tiền ra trồng rừng trên diện tích 200ha đất trống nghĩa tình của bà con.
Những người bạn cũng lần lượt rời đi, ông vẫn ở lại bám núi trồng rừng. Năm 1999, thấy rừng trọc đã xanh, UBND huyện Bình Sơn giao tiếp 450ha đất trọc nữa cho ông Trường, ông lại tiếp tục "sự nghiệp" trồng rừng.
"Cả đời bác Hai trồng rừng. Bà con thôn Thọ An và nhiều nơi khác cũng nhờ trồng rừng với bác Hai mà cuộc sống khấm khá, nuôi được con ăn học", ông Hồ Văn Trên (thôn Thọ An) nói.
Trong lời kể của người dân, ông Trường là ân nhân của vùng đất này. Ông đã ủng hộ xây lớp học, dựng trạm y tế từ những năm tháng khó khăn để trẻ em nơi này có cái chữ, đau ốm bệnh tật được chăm sóc.
Năm 2008, thấy hàng trăm héc ta đất ở xã Bình An và Bình Khương không thể canh tác vì thiếu nước, ông Trường hiến 16ha đất để Nhà nước xây dựng hồ thủy lợi.
Hơn 15 năm qua, hồ Tuyền Tung đã phát huy tác dụng, đất khô cằn biến thành màu mỡ. Nhìn hồ nước xanh thẳm, ông Trường nói: "Nếu Nhà nước nâng cấp hồ lớn hơn, tôi cũng sẽ hiến thêm đất. Giữ làm gì đâu? Tuổi này ngày ăn ba bữa, chết cũng không mang theo gì. Làm được gì cho bà con hưởng lợi, tôi sẽ làm ngay".
Chính quyền ghi nhận sự đóng góp to lớn
Cũng như người dân, cán bộ xã Bình An đều gọi ông với cái tên thân thương "bác Hai". Mới đây, xã Bình An xây dựng nông thôn mới, một số thôn còn thiếu tiêu chí, như thôn Thọ An thiếu nghĩa địa cho người dân địa phương chôn cất. Biết chuyện, ông Trường lập tức đến UBND xã "gỡ khó" khi tự nguyện hiến 1ha đất để địa phương xây dựng nghĩa địa.
Hiện xe cơ giới đang bạt đồi thi công, ông Trường ghé xem tiến độ và nói: "Nghĩa địa mà 1ha thì nhỏ quá, nếu trong tương lai chính quyền cần thêm đất mở rộng thì tôi sẽ hiến thêm. Mong sao thi công nhanh, bà con sớm có chỗ chôn cất người thân đàng hoàng tử tế".
Ông vẫn vậy, lặng lẽ gắn bó với vùng đất khó khăn này, vẫn đến từng nhà dân thăm người đau ốm, con trẻ học giỏi là tặng ngay học bổng nhập học, người nào đau điều trị dài ngày ông lại hỗ trợ tiền...
Những nghĩa cử của người đàn ông vừa được Trung ương Hội Người cao tuổi tặng bằng khen "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018 - 2023" khiến mọi người cảm kích.
"Hai năm gần đây, bác Hai làm đường cho người dân khai thác keo, tài trợ cho xã xây dựng cổng chào, hiến đất làm nghĩa địa... còn những đóng góp lặt vặt không thể thống kê hết được, bởi bác làm thường xuyên" - ông Nguyễn Đình Sơn, bí thư Đảng ủy xã Bình An, nói.
Kể từ khi gắn bó với rừng, ông Trường đã mở được hơn 50km đường rừng để xe tải chở lâm sản cho bà con. Đó là con số rất lớn, dĩ nhiên những con đường ấy đã giúp kinh tế địa phương phát triển hơn.
Bây giờ, 650ha rừng ngày nào đã thu nhỏ lại. Phần ông bán bớt cho một số người yêu rừng và muốn phát triển rừng. Phần khác ông tặng lại cho nhiều người dân địa phương để có diện tích lớn canh tác phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tưởng Duy, chỉ tịch UBND huyện Bình Sơn, nói ông Trường có tầm nhìn, cách nghĩ và cách làm đi trước người khác.
Sau bao lần những cánh rừng dày công chăm sóc ngã đổ vì những trận bão lớn của miền Trung, ông dịch chuyển sang mô hình trang trại nuôi heo khép kín với quy mô 12.000 con, xem đây là hình thức lấy ngắn nuôi dài (lấy trang trại nuôi rừng).
"Thật sự khâm phục bác Trường. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, bác ấy luôn dành tình cảm và sẻ chia với tất cả mọi người", ông Duy nói.
Niềm hạnh phúc khi có người kế nghiệp
Ông Trường bảo may mắn lớn nhất của đời ông là 4 người con rất thành đạt sinh sống ở thành phố lớn, nay đã có một người chịu về nối nghiệp cha.
"Trước kia, tôi có nguyện vọng nếu không có người con nào theo nghiệp rừng, tôi sẽ tặng lại diện tích này cho một người nào đó thật sự tâm huyết với rừng và chia lại cho người dân hoặc trả lại cho nhà nước. Nhưng nay tôi đã có người kế cận. Con tôi cũng yêu rừng, yêu vùng đất này, yêu thương bà con nơi đây. Hy vọng nó có tư duy tốt sẽ giúp bà con nơi này giàu có hơn nữa", ông Trường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận