19/10/2024 10:50 GMT+7

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 1: Đan Mạch - Người tiên phong xanh

Đan Mạch là một minh chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế không cần đi đôi với tăng tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 1: Đan Mạch - Người tiên phong xanh - Ảnh 1.

Tại Hợp tác xã sữa toàn cầu Arla, nông dân nuôi bò càng ít phát khí thải, giá sữa thu mua càng cao - Ảnh: ARLA

Nhắc Bắc Âu, nhiều người nghĩ đến các câu chuyện thần thoại hấp dẫn. Bắc Âu ngày nay cũng có những chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người như vậy nhưng không nhớ về thời xa xưa, mà đó là những câu chuyện thực tế và sát sườn, hướng về tương lai phát triển xanh và bền vững. Những kinh nghiệm từ các quốc gia có thể hữu ích cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Đan Mạch là một minh chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế không cần đi đôi với tăng tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải. Quá trình chuyển đổi xanh có thể song hành với sự phát triển thịnh vượng.

Tiên phong xanh

"Quá trình chuyển đổi xanh đơn giản là một cơ hội kinh doanh tốt. Kể từ năm 1990, GDP của Đan Mạch đã tăng trưởng 75% trong khi tiêu thụ năng lượng giảm 11%, lượng phát thải CO2 giảm 41% và việc làm xanh tăng 31%", Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz chia sẻ với Tuổi Trẻ trước thềm sự kiện Ngày Bắc Âu: Tiến tới mục tiêu xanh tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE) sẽ diễn ra vào ngày 22-10 tại TP.HCM.

Hành trình phát triển bền vững của Đan Mạch bắt đầu vào những năm 1970 trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới.

Chính phủ Đan Mạch đã quyết định giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua việc đa dạng hóa nguồn năng lượng với mức gia tăng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ít người biết rằng Vindeby - trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới - được xây dựng ở ngoài khơi bờ biển Đan Mạch vào năm 1991. Không chỉ là người đi trước mà Đan Mạch hiện nay cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về nguồn năng lượng điện gió, với hơn 50% lượng điện tiêu thụ đến từ nguồn năng lượng này.

Đan Mạch cũng là quốc gia hàng đầu thế giới trong việc quản lý và chuyển đổi rác thải thành năng lượng, với mục đích giảm việc chôn lấp rác. Kể từ năm 1992, Đan Mạch đã triển khai Kế hoạch xử lý rác thải (Waste Plan) với các mục tiêu cụ thể về rác thải tái chế, khí sinh học, đốt và chôn lấp rác.

Đan Mạch áp thuế với rác thải chôn lấp và khuyến khích sử dụng khí sinh học cho lưới điện, cũng như đốt rác để chuyển thành năng lượng sưởi ấm cho các căn nhà.

"Hiện tại TP Copenhagen chỉ đưa 2% rác thải đến bãi chôn lấp, giảm từ 44% vào năm 1988. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được trung hòa khí hậu trong lĩnh vực xử lý rác thải vào năm 2030, tăng tỉ lệ tái chế rác thải đô thị lên 55% vào năm 2025 và 65% vào năm 2035", Đại sứ Prytz chia sẻ.

Tại Đan Mạch, người tiêu dùng sẽ nhận lại khoản tiền đặt cọc khi đem trả lại chai nhựa và chai thủy tinh tại các siêu thị trên toàn quốc. Tỉ lệ thu gom chai nhựa tại quốc gia này cũng đạt kỷ lục tại châu Âu.

Đan Mạch hiện đặt mục tiêu đạt được nền nông nghiệp và sản xuất thực phẩm trung hòa carbon vào năm 2050. Đan Mạch đã giảm 16% lượng phát thải CO2 từ năm 1990 đến 2016 trong khi tăng sản lượng thực phẩm lên hơn 30%.

"Chìa khóa để đẩy nhanh quá trình này là các quan hệ đối tác công - tư giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các nhóm nghiên cứu. Hợp tác xã sữa toàn cầu Arla là một ví dụ tiên phong với mô hình trả thưởng cho người nông dân dựa trên "dấu chân carbon" của họ. Sản xuất càng thân thiện với khí hậu thì người nông dân càng nhận được nhiều tiền hơn", ông Prytz tiết lộ.

Các sáng kiến đáng chú ý khác của Đan Mạch bao gồm áp thuế carbon, trong đó chủ đất sẽ phải nộp thuế dựa trên lượng phát thải từ gia súc, phân bón, canh tác trên đất nông nghiệp; đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm xanh trên toàn cầu, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ, thực vật.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 1: Đan Mạch - Người tiên phong xanh - Ảnh 2.

Nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng Amager Bakke ở Đan Mạch - Ảnh: State of Green

Triển vọng hợp tác lĩnh vực điện gió ngoài khơi

Đan Mạch hiện đã ký kết Quan hệ đối tác chiến lược xanh với năm nước, trong đó có Việt Nam. Cơ quan năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương cũng đang hợp tác trong khuôn khổ Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch bắt đầu vào năm 2013 và hiện đang ở giai đoạn 3.

Đại sứ Nicolai Prytz đánh giá năng lượng gió ngoài khơi là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, nhất là trong bối cảnh điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò lớn trong cơ cấu năng lượng tại Việt Nam theo quy hoạch điện.

"Trong những năm gần đây, giá điện từ điện gió ngoài khơi đã giảm đủ để trở thành một trong những nguồn năng lượng có giá thành rẻ nhất. Với đường bờ biển dài và điều kiện lý tưởng cho năng lượng gió ngoài khơi, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn lực quốc gia", ông nhận định.

Để đạt được tham vọng xây dựng 84GW điện gió ngoài khơi vào năm 2050, ông cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh việc ban hành khung pháp lý minh bạch và dễ dự đoán để thu hút các khoản đầu tư lớn cho nguồn năng lượng này.

"Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường hướng tới phát thải ròng bằng 0" (do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch hợp tác biên soạn) khuyến nghị Việt Nam bắt đầu chỉ định các khu vực ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố lưới điện.

Theo đại sứ Đan Mạch, kinh nghiệm từ nước này cho thấy điện gió ngoài khơi không chỉ quan trọng với quá trình chuyển đổi xanh mà còn mở ra một ngành công nghiệp mới với các cơ hội kinh doanh mới và việc làm xanh mới.

"Quá trình chuyển đổi xanh của Đan Mạch đã thúc đẩy sự phát triển của một số công ty công nghệ xanh hàng đầu thế giới và những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Một số doanh nghiệp này hiện cũng đang có mặt tại Việt Nam", ông chia sẻ.

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 1: Đan Mạch - Người tiên phong xanh - Ảnh 3.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz - Ảnh: DANH KHANG

"Tại COP26, Việt Nam đã cam kết mục tiêu mạnh mẽ đạt Net Zero vào năm 2050. Việt Nam sẽ cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và cả hiệu suất năng lượng để đạt được mục tiêu. Chúng tôi đã và đang hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả với Việt Nam suốt 11 năm qua. Chúng tôi cũng may mắn là có một khu vực tư nhân rất sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam NICOLAI PRYZT

Ngày Bắc Âu - Tiến tới mục tiêu xanh tại GEFE 2024 sẽ nêu bật các thành tựu phát triển bền vững và ứng dụng tăng trưởng xanh thành công tại Bắc Âu, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu.

Với chủ đề chính bao gồm Hệ thống thực phẩm, Chuyển đổi năng lượng, Kinh tế tuần hoàn và Thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu, buổi hội thảo quy tụ các diễn giả ưu tú của Việt Nam cùng các nước Bắc Âu chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai xanh.

-------------------------

Gần như không loại rác thải nào là không thể tái chế ở Na Uy. Biến rác thải thành tài nguyên là điều mà ai cũng làm được ở quốc gia này.

Kỳ tới: Na Uy - khi chất thải cũng là tài nguyên

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 1: Đan Mạch - Người tiên phong xanh - Ảnh 3.Sức hút với các CEO Bắc Âu từ 'cam kết xanh' của Việt Nam

SEB, ngân hàng lớn nhất Bắc Âu có trụ sở tại Thụy Điển, đã chọn thủ đô Hà Nội để tổ chức Hội nghị thường niên các CEO Bắc Âu từ ngày 10 đến 12-3. Điều đó một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên