Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành lương thực thực phẩm, trong đó có EU, đã đưa ra những cảnh báo về việc sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chí xanh nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Cùng với các thách thức về chi phí quản lý logistics, nguồn nguyên liệu đầu vào, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua sự thay đổi trong cách thức quản trị để hướng tới phát triển bền vững và tích hợp tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào chiến lược kinh doanh.
Theo bà Chi, các yêu cầu này khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó vì chi phí sản xuất tăng cao, ăn mòn lợi nhuận.
Với ngành thực phẩm, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới, thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và chính sách "Từ nông trại đến bàn ăn" đang là thách lớn trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức, nguồn lực để tuân thủ.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và đồ uống đang dần thực hiện các biện pháp phát triển bền vững.
Các tiêu chí này bao gồm việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế ở địa phương, hỗ trợ cộng đồng và tập trung chú trọng vào việc sản xuất sản phẩm xanh và có nhãn hiệu xanh được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, các tập đoàn lớn của Bắc Âu rất muốn mua hàng từ nhà cung cấp Việt Nam và họ ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị về bền vững.
"Đối với các doanh nghiệp thực phẩm, các sản phẩm không những đáp ứng yêu cầu bắt buộc của EU như an toàn sản phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu…, mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe của người mua như các chứng nhận về môi trường, trách nhiệm xã hội…", bà Hoàng Thúy chia sẻ thêm.
Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững. Chẳng hạn đối với nhà mua hàng nổi tiếng của Thụy Điển là FH, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản, họ nhấn mạnh tìm nhà cung ứng có chứng chỉ BSCI/Amfori (Business Social Compliance Initiative).
Theo ông Trần Phú Lữ - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đang chú trọng cải tiến sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các nguyên liệu xanh, hữu cơ và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu bao gồm có doanh nghiệp, nhà thu mua hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics, sẽ giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và an toàn, với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Cũng theo ông Lữ, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng xuất khẩu của mình vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản nhờ vào sự đa dạng và chất lượng cao của các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, hạt điều...
Song Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức trong thời gian sắp tới để tuân thủ các yêu cầu về môi trường, cũng như áp lực từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và nhu cầu đầu tư vào công nghệ để tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận