Đó là khẳng định được đưa ra tại buổi trao đổi về tiềm năng hợp tác về kinh tế xanh giữa lãnh đạo TP.HCM và phái đoàn Úc do giáo sư John Thwaites, chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Trung tâm Climateworks, cựu phó thủ hiến bang Victoria, Úc, dẫn đầu.
Kiến tạo cơ hội hợp tác
Tại buổi gặp gỡ ngày 15-4, bà Martine Letts, giám đốc Asialink, một trung tâm quốc gia của Úc về xây dựng năng lực hợp tác với khu vực châu Á, cho biết trong quan hệ kết nối với thị trường Việt Nam, Asialink và Trung tâm Climateworks với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Úc đã thúc đẩy các dự án hợp tác trong kinh tế xanh.
Mục tiêu tối thượng của chương trình này là làm thế nào để kết nối tiềm năng giữa hai bên, kiến tạo cơ hội thương mại, tri thức, kết nối kinh doanh, thúc đẩy sự chuyển dịch hướng đến mục tiêu giảm phát thải bằng 0.
Trong ngày 16-4, Hội nghị Cao cấp kinh tế xanh Úc - Việt Nam sẽ được tổ chức tại TP.HCM, dự kiến thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp, CEO, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả, tài chính bền vững, đổi mới sáng tạo... các lĩnh vực trong kinh tế xanh.
Theo bà Martine Letts, kể từ khi Việt Nam và Úc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3-2024, đây là sự kiện kinh tế quan trọng đầu tiên giữa hai nước.
Tại hội nghị này, đồng Bộ trưởng Phụ trách biến đổi khí hậu và năng lượng Jenny McAllister cũng sẽ đến dự và có bài phát biểu về thúc đẩy hợp tác trong khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
"Để chuẩn bị cho hội nghị, từ nhiều tháng trước, phía Úc đã tổ chức những khóa học cho các doanh nghiệp Úc hiểu hơn về tình hình Việt Nam, môi trường kinh doanh cũng như pháp luật. Thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ có thêm hiểu biết sâu sắc về cơ hội, thách thức trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn tham vọng về một nền kinh tế xanh", bà Martine Letts nói thêm.
Đề xuất tổ chức diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt - Úc
Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP TP.HCM, cho biết trong bối cảnh tích cực chuyển dịch kinh tế sang xanh và bền vững, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức về nhận thức, tài chính, năng lực... và sự hợp tác, chia sẻ với những quốc gia đi trước về nền kinh tế xanh như Úc là cơ hội cho thành phố.
Ông Hoan cũng cho hay vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) có tài trợ thành phố hai năm nghiên cứu về định hướng tăng trưởng xanh.
Qua đó, thành phố rút ra được ba trụ cột tăng trưởng chính: xây dựng khung chính sách về tăng trưởng xanh; Hình thành bộ tiêu chí lượng hóa được lượng phát thải và cuối cùng xây dựng chiến lược thực thi tăng trưởng xanh cho từng lĩnh vực, xây dựng mô hình phát triển cụ thể.
Với định hướng đó, ông Hoan đề xuất một chương trình hợp tác sâu hơn, cụ thể hơn với doanh nghiệp Úc về một chương trình hành động cho kinh tế xanh.
Cụ thể, đề xuất hợp tác với Asialink xây dựng một chương trình mới, cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trên nhiều lĩnh vực khác nhau về tăng trưởng bền vững.
Hằng năm TP.HCM có tổ chức Diễn đàn kinh tế TP.HCM, một chương trình nằm trong mạng lưới của Diễn đàn kinh tế thế giới, quy tụ hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương để cùng tham gia thảo luận chung về chủ đề kinh tế TP.HCM.
Năm nay, diễn đàn dự kiến sẽ tiếp tục bàn sâu hơn về chuyển đổi số và kinh tế xanh. Vì vậy thành phố cũng muốn mời đại diện Asialink và Climateworks tham gia phát biểu chia sẻ kinh nghiệm với thành phố tại diễn đàn năm nay.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, tăng trưởng xanh là mục tiêu quan trọng nhưng thúc đẩy quá trình chuyển đổi này nhanh hay chậm thì chuyển đổi số quyết định. Và lực lượng chính để hiện thực hóa quá trình này là giới trẻ, lãnh đạo trẻ. Do đó, nếu hai bên hợp tác cùng tổ chức các diễn đàn dành cho lãnh đạo trẻ bàn về kinh tế xanh sẽ tăng hiệu quả chuyển đổi.
"Dự kiến sắp tới lãnh đạo TP.HCM cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Úc. Chúng tôi mong muốn sau chuyến đi sẽ có những hợp tác cụ thể giữa TP.HCM và bang Victoria", ông Hoan đặt kỳ vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận