Bà Aung San Suu Kyi vẫn chưa xuất hiện công khai trước người dân Myanmar kể từ khi bị lật đổ ngày 1-2 - Ảnh: AFP
Trong cuộc gặp riêng với luật sư trước phiên tòa, bà Suu Kyi tuyên bố miễn là nhân dân Myanmar còn tồn tại thì ý định của quân đội muốn giải tán Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) sẽ không bao giờ trở thành sự thật.
"Bà ấy đã làm tất cả những gì có thể.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng sau cuộc đảo chính ngày 1-2, trả lời câu hỏi của Đài Phượng Hoàng hôm 20-5 về những gì bà Aung San Suu Kyi đã làm được.
An ninh nghiêm ngặt
Hôm 21-5, chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố họ có ý định giải thể Đảng NLD của bà Suu Kyi vì gian lận trong bầu cử. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi lẫn chỉ trích đến từ trong và ngoài Myanmar, vô hình trung khiến phiên tòa ngày 24-5 nhận được sự quan tâm lớn.
Hãng thông tấn AFP mô tả đường phố thủ đô Naypyidaw dày đặc cảnh sát trong ngày xét xử bà Suu Kyi. Con đường từ nơi bà bị giam lỏng đến tòa án được bảo vệ bởi một hàng rào đặc biệt là các xe cảnh sát xếp nối đuôi nhau.
Phiên tòa ngày 24-5 thu hút sự chú ý vì đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi xuất hiện sau hơn 3 tháng bị giam lỏng. Trong các phiên tòa trước đây, bà không được phép rời khỏi nơi bị giam lỏng và nghe xử thông qua một đường truyền video trực tuyến.
Phiên tòa diễn ra gần nơi bà bị giam giữ, với sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng an ninh. Báo chí không thuộc Nhà nước Myanmar không có cơ hội vào bên trong phòng xét xử mà chỉ được nghe diễn biến thông qua các luật sư của bà Suu Kyi.
Trong suốt nhiều tháng liền các luật sư đã đấu tranh với chính quyền quân sự, đòi được gặp trực tiếp bà Suu Kyi nhưng bất thành. Theo truyền thông phương Tây, nhóm luật sư chỉ được thấy thân chủ qua video.
Hãng tin Reuters dẫn lời luật sư Thae Maung Maung cho biết bà Suu Kyi nhìn có vẻ khỏe khi xuất hiện tại tòa. Bà cũng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với đội ngũ pháp lý trong khoảng 30 phút trước phiên xử.
"Bà ấy nói đảng được thành lập vì người dân nên đảng sẽ ở đó miễn là người dân còn tồn tại", luật sư Thae Maung Maung thuật lại lời của bà Suu Kyi.
Bà Min Min Soe, một luật sư khác, cho biết bà Suu Kyi trông rất tự tin và cầu chúc sức khỏe cho mọi người dân Myanmar.
Bất ổn tiếp diễn
Sau cuộc đảo chính của quân đội, các nghị sĩ thuộc NLD đã bị loại bỏ khỏi quốc hội. Một nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ đã thành lập "Chính phủ thống nhất quốc gia", tuyên bố đây là đại diện lâm thời của nhân dân và chính quyền dân cử Myanmar.
Không ngạc nhiên khi chính quyền quân sự Myanmar phản đối tổ chức này và xếp nó vào danh sách các tổ chức "khủng bố", theo AFP.
Bạo lực tiếp diễn đã thúc đẩy một số người trong phong trào chống chính quyền thành lập cái gọi là "Lực lượng phòng vệ nhân dân" (PDF). Kết hợp với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số chống quân đội, PDF (gồm đa số là thường dân) đã chống trả lực lượng an ninh bằng vũ khí tự chế.
Không chỉ đối mặt với bất ổn chính trị, người dân Myanmar tại các vùng biên giới còn thống khổ bởi các cuộc giao tranh giữa quân đội và các nhóm chống chính quyền quân sự.
Gần đây nhất là xung đột giữa quân đội với Đảng Tiến bộ quốc gia Karenni (KNPP) - một nhóm vũ trang dân tộc có thành trì ở bang Kayah, rìa phía đông Myanmar.
Theo một lãnh đạo cấp cao của KNPP, quân đội đã sử dụng xe tăng, súng cối và máy bay trực thăng trong các cuộc giao tranh với KNPP hôm 23-5.
Bất chấp các diễn biến dồn dập, giới lãnh đạo quân đội Myanmar vẫn chọn cách "bế quan tỏa cảng". Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội và là người đứng đầu Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar (SAC), tuyên bố Myanmar chưa sẵn sàng thực hiện "Đồng thuận 5 điểm" như đã thống nhất với ASEAN.
Phiên tòa tiếp theo vào 7-6
Không có quá nhiều thông tin được tiết lộ sau phiên xử ngày 24-5. Nhóm luật sư của bà Suu Kyi cho biết phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7-6 tới.
Trao đổi với AFP, ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, nhận định bằng việc tổ chức phiên tòa trực tiếp có sự tham gia của bà Suu Kyi, quân đội đang thể hiện sự tự tin hơn bất chấp cuộc khủng hoảng và sự phản kháng trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận