04/04/2022 23:40 GMT+7

Bà Merkel lên tiếng về quyết định 'từ chối' Ukraine tham gia NATO từ 2008

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Ngày 4-4, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng bảo vệ quyết định năm 2008 của bà về việc từ chối để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bác bỏ lời chỉ trích của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Bà Merkel lên tiếng về quyết định từ chối Ukraine tham gia NATO từ 2008 - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Hãng tin AFP, bà Merkel lên tiếng sau khi ông Zelensky mô tả quyết định ngăn Ukraine vào NATO của bà và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 là một "tính toán sai lầm".

"Tôi mời bà Merkel và ông Sarkozy tới thăm Bucha và xem chính sách nhượng bộ với Nga đã dẫn đến điều gì trong 14 năm", ông Zelensky nói. Ông cũng chỉ trích hai nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách xoa dịu Nga với lập trường khi đó.

Trước đó, Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã sát hại gần 300 người dân vô tội và chôn họ trong các mộ tập thể ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, Ukraine. Matxcơva đã lên tiếng bác bỏ có liên quan vụ dân thường chết ở Bucha.

Tuy nhiên, người phát ngôn của bà Merkel khẳng định cựu thủ tướng Đức "bảo vệ các quyết định liên quan đến hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest".

Ngoài ra, người phát ngôn nói thêm rằng bà Merkel hoàn toàn ủng hộ tất cả nỗ lực của Chính phủ Đức và cộng đồng quốc tế trong việc đứng về phía Ukraine, và chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Theo AFP, Đức cho rằng còn quá sớm để cho Ukraine gia nhập NATO năm 2008, bởi vì nước này nhận thấy Kiev khi đó chưa đáp ứng các điều kiện chính trị cần thiết.

Bà Merkel về hưu hồi cuối năm 2021 sau khi trải qua 4 nhiệm kỳ thủ tướng Đức liên tiếp. Bà Merkel thường được nhắc đến với nhiều cái tên, từ "người đàn bà quyền lực nhất EU" cho đến "nữ hoàng châu Âu".

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến cựu thủ tướng Đức bị chỉ trích. Một số người cho rằng bà đã khiến Đức và châu Âu dễ bị tổn thương với các chính sách nhượng bộ đối với Nga.

Sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đã khiến Đức không thể nghe theo lời kêu gọi của Mỹ và các đồng minh khác về việc áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn với nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Đức phản đối lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga của Liên minh châu Âu Đức phản đối lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga của Liên minh châu Âu

TTO - Ngày 4-4, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng Liên minh châu Âu (EU) chưa thể cắt nhập khẩu khí đốt của Nga như một biện pháp trừng phạt.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên