11/01/2022 08:56 GMT+7

Ba mẹ khuyết tật nuôi con đỗ đạt

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Không trọn vẹn khi khuyết đôi tay, con mắt nhưng hai đấng sinh thành đã miệt mài bao năm tháng nuôi nấng Minh khôn lớn nên người.

Ba mẹ khuyết tật nuôi con đỗ đạt - Ảnh 1.

Cả gia đình vỡ òa niềm vui khi chàng trai Tô Vũ Lê Minh đậu vào Đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tô Vũ Lê Minh ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã trúng tuyển vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM với số điểm 27,25 khối D1. Tin Minh đậu đại học đã khỏa lấp đi bao gánh nặng, lo toan của ba mẹ.

Bù đắp cho nhau

Gia đình ba người sống trong căn nhà tình thương ở thôn Đại Thiện 2, xã Hàm Hiệp. Ba của Minh là ông Tô Vũ Hoàn, 57 tuổi, thương binh hạng I. Khi là bộ đội, trong lúc lao động ông đã trúng phải mìn sót lại sau chiến tranh, vụ nổ đã lấy đi đôi tay và một bên mắt của ông. Còn mẹ Minh là bà Lê Thị Cam, 52 tuổi, bị khuyết một cánh tay từ lúc lọt lòng.

Họ nên duyên vợ chồng, dắt díu nhau đến gần nhà chồng mua miếng đất, căn nhà được xây dựng nhờ địa phương hỗ trợ. Minh là người con duy nhất vì theo lời mẹ Minh, "gia đình khó khăn nên không dám đẻ thêm".

Ông bà lam lũ nuôi con. Ông theo chân những người hàng xóm đi thu mua thanh long. Còn bà ở nhà may vá, nuôi gà vịt để trang trải cho cả nhà. Nhưng về sau tuổi già sức yếu, vợ chồng thiếu trước hụt sau nhưng vẫn bươn chải lo cho Minh cắp sách đến trường như bạn bè. Hàng xóm thấy vậy, lâu lâu cũng san sẻ bớt khó khăn. Nguồn thu chính cả nhà vẫn từ tiền nhà nước hỗ trợ cho ông.

Thấm thoát 18 năm qua, Minh bây giờ đã khôn lớn, cao ráo. Hiểu được hoàn cảnh ba mẹ, sau những buổi học tại trường, Minh trở về phụ giúp thêm việc nhà. Ba muốn đi đâu, Minh chở đến đó. Mẹ không làm nổi việc nặng, Minh xắn tay quán xuyến. Từ khi nào không hay, Minh trở thành "đôi tay", bù đắp lại những gì còn khuyết của ba mẹ.

Cả gia đình họ khó khăn lắm, quanh năm dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước là chủ yếu.

Ông NGUYỄN VĂN HƯNG (phó trưởng thôn Đại Thiện 2, xã Hàm Hiệp)

Chỉ có học mới giúp được mình

Minh luôn nhắc đi nhắc lại chỉ có con đường học vấn mới giúp mình vượt qua chính bản thân. Khó khăn đến mấy, Minh vẫn quyết tâm học. Tình cảnh nhọc nhằn của ba mẹ càng thôi thúc Minh đeo đuổi chuyện học. Phần lớn sau giờ học ở lớp là Minh tự học ở nhà. "Nhìn mấy bạn mà lo cho cháu. Các bạn được học thêm nhiều môn, không biết Minh sẽ vượt qua kỳ thi như thế nào" - bà Cam nhớ lại.

Nhưng không phụ lòng ba mẹ, Minh trúng tuyển ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường đại học Kinh tế TP.HCM. "Gia đình luôn là động lực cho mình trên con đường học hành. Lúc nhận tin báo đậu đại học, cảm xúc lâng lâng, vui không tả nổi" - Minh trải lòng.

Đằng sau niềm vui chung của cả gia đình, ba mẹ Minh giấu đi nỗi lo cơm áo gạo tiền vì chặng đường tiếp theo mới chông gai với Minh. "Bác phó thôn vừa cho cháu nó mượn cái laptop. Cũng may đang dịch nên cháu nó chưa vào thành phố, vẫn còn thời gian để vợ chồng suy nghĩ chạy vạy, tích cóp thêm" - mẹ Minh nói.

Minh thì dự tính kiếm việc làm thêm để ba mẹ ở nhà đỡ nặng gánh. "Sau này thành công, Minh sẽ dẫn ba mẹ đi khắp nơi để phụng dưỡng", Minh bày tỏ.

Ba mẹ khuyết tật nuôi con đỗ đạt - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mẹ mừng muốn khóc  vì con đậu trường y Mẹ mừng muốn khóc vì con đậu trường y

TTO - Cậu học trò nghèo học giỏi, chăm chỉ vượt khó Lê Thanh Sang là thủ khoa đầu vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM trong kỳ thi năm rồi.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên