Lúc 9h, cảnh sát giao thông phát hiện chị T. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chạy xe máy trên vỉa hè ngay giao lộ đường Võ Văn Ngân - Bác Ái, phường Bình Thọ. Chị T. bị lập biên bản và sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
"Không nghĩ phạt cao đến vậy"
Sau khi được cảnh sát giao thông thông báo mức phạt, chị T. gọi điện cho người thân rồi bật khóc nức nở. Chị T. cho biết đang nuôi hai con nhỏ, do không quen đường nên đã đi xe máy leo vỉa hè.
"Tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ mức phạt đi trên vỉa hè lại cao đến như vậy do chưa cập nhật. Sau này tôi chẳng bao giờ dám vi phạm nữa", chị T. chia sẻ.
10h41, bà L. (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chạy xe máy vượt đèn đỏ tại giao lộ Võ Văn Ngân - đường số 6, phường Linh Chiểu thì bị cảnh sát dừng xe. Với lỗi này, bà L. sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Cảnh sát cho bà L. xem lại đoạn clip thể hiện bà L. đã vượt đèn đỏ và được bà L. vui vẻ chấp nhận. Khi nghe mức phạt, bà L. cũng tỏ ra không tin với mức phạt mới và hứa không bao giờ dám tái phạm nữa.
Cùng ngày, Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Thủ Đức cũng xử phạt hàng chục trường hợp đi ngược chiều, không đúng làn đường quy định...
Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1 nâng mức xử phạt cao đối với một số hành vi vi phạm. Đây được xem là một bước đi "mạnh tay" nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông của người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Rà soát kỹ hạ tầng giao thông
Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông sẽ tạo ra áp lực tài chính lớn hơn, buộc người tham gia giao thông phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi hành vi.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng mức phạt giao thông cũng cần có sự kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác như nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tuyên truyền, giáo dục để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Anh Trần Minh Tuấn (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có ý kiến cho rằng nghị định 168/2024 có những điểm mới đủ để răn đe người tham gia giao thông. Các hành vi vượt đèn đỏ, chạy trên vỉa hè, đi ngược chiều... nâng mức phạt lên khá cao. Vì vậy anh Tuấn nghĩ người tham gia giao thông sẽ cân nhắc mức phạt cao và hạn chế tối đa những vi phạm khi tham gia giao thông.
"Trước đây tôi có thói quen đến các ngã ba, ngã tư mà ùn ứ xe thì tôi chạy lên vỉa hè để vượt lên. Bây giờ nghị định mới mức phạt cao nên tôi không dám chạy nữa", anh Tuấn chia sẻ.
Anh Bùi Minh Chiến, một tài xế ô tô công nghệ, cho rằng việc tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe những người vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên anh Chiến hy vọng đi đôi với việc tăng mức phạt giao thông thì cũng cần rà soát kỹ lại hạ tầng giao thông một cách chặt chẽ, để khi người dân bị xử phạt sẽ tâm phục khẩu phục, không phải lăn tăn.
Ngoài ra cần đảm bảo tính minh bạch và công bằng khi xử phạt. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ như camera giám sát giao thông và hệ thống xử phạt tự động cần được triển khai rộng rãi hơn...
Để việc xử phạt tâm phục khẩu phục
Sau những ngày đầu triển khai nghị định 168, nhiều lỗi giao thông bị xử phạt nghiêm, đa số dư luận đồng tình.
Bên cạnh đó có một số ý kiến góp ý để việc xử phạt khiến người vi phạm tâm phục khẩu phục. Bạn đọc Lan Đào chia sẻ: "Từ ngày áp dụng mức phạt tăng, tôi chạy xe cũng cẩn thận, từ tốn hơn, nhất là điều chỉnh thói quen rẽ phải khi có đèn đỏ".
"Lỗi dừng xe máy lấn vạch ngang phổ biến tại các giao lộ ít bị xử phạt, rất cần cảnh sát giao thông chấn chỉnh, xử lý tạo thói quen văn minh, ý thức chấp hành quy định về giao thông đường bộ", độc giả Tuấn Trần bày tỏ.
Theo bạn đọc Thanh Mai: "Phạt nặng người cố tình vi phạm quy định giao thông là đúng, như vi phạm nồng độ cồn chẳng hạn. Tuy nhiên thực tế một số trường hợp vi phạm giao thông thông thường còn có thể do vô ý, do hạ tầng giao thông không đảm bảo dẫn đến phạt oan. Phạt nặng phải đảm bảo yếu tố rõ ràng. Song song đó cũng phải có chế tài với cơ quan quản lý hạ tầng khi không đảm bảo điều kiện giao thông, có như vậy người vi phạm mới tâm phục khẩu phục".
Đồng tình, độc giả Công Tâm có ý kiến: "Tín hiệu giao thông phải đảm bảo, phải có mức phạt và người chịu trách nhiệm khi đèn hoạt động thiếu ổn định, vạch kẻ đường, biển báo.... không rõ ràng. Như vậy mới đồng bộ giải pháp". "Đồng ý nâng mức phạt lên cao nhưng biển báo, đèn giao thông phải rõ ràng, đèn xanh phải đếm giây, khu vực ngoài đô thị thì ở mỗi giao lộ phải đảm bảo biển báo tốc độ", bạn đọc Bao Nguyen viết.
Còn theo tài khoản trin****@proton.me: "Khi đèn tín hiệu bị lỗi thì lực lượng chức năng cần nhanh chóng có mặt để điều tiết giao thông, đặc biệt ở tuyến đường huyết mạch. Không nên để chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và tổn thất xã hội tăng cao vì những sự cố nhỏ này".
Trong khi đó, bạn đọc Lan Anh bổ sung một loạt đề xuất: "Phải đảm bảo tuyệt đối về tính đầy đủ và chất lượng của hệ thống chỉ dẫn giao thông: biển báo, biển chỉ dẫn và vạch kẻ đường đủ to, đủ rõ, thông tin không gây hiểu lầm, có thể quan sát và tuân thủ từ khoảng cách xa. Tuyệt đối không đặt biển giảm tốc trên cao tốc đột ngột.
Đèn tín hiệu treo đủ cao dễ quan sát và đặt thời gian dừng hợp lý, không giật cục... Khẩn trương xây dựng các bãi đậu xe và nhanh chóng triển khai thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị để đảm bảo khả năng giao thông tĩnh và giao thông công cộng".
Tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý vi phạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Văn Bình - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM - cho biết PC08 đang thực hiện theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nghị định 168/2024; thông tư của Bộ Công an; cảnh sát giao thông TP.HCM đã có chỉ đạo tập trung tối đa lực lượng, sử dụng tất cả các phương tiện, camera body, camera cầm tay, hệ thống giám sát, hệ thống camera trên đường tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi thuộc về ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người dân là vượt đèn đỏ, chạy trên vỉa hè, chạy ngược chiều, nồng độ cồn... PC08 cũng tuyên truyền đến người dân về mức xử phạt tại nghị định mới để người dân nắm, nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
"Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông như: đi đúng làn đường, không đi ngược chiều, không phóng nhanh vượt ẩu, không vi phạm tốc độ, đặc biệt là không vi phạm về nồng độ cồn.
Ngoài ra chúng tôi tập trung kiểm tra và xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chúng tôi mong mọi người tham gia giao thông luôn ý thức được trách nhiệm của mình, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân cũng như cho người tham gia giao thông trên đường", ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận