Bên ngoài một địa điểm diễn ra các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN ở Bangkok - Ảnh: REUTERS
Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, dự kiến đưa vào chương trình nghị sự Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các quốc gia thành viên cũng được kỳ vọng sẽ thảo luận về vụ va chạm ngày 9-6 giữa một tàu cá Philippines và một tàu cá Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Rong.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc để cùng điều tra các cáo buộc rằng một tàu cá Trung Quốc đã bỏ rơi 22 thuyền viên người Philippines sau khi nó đâm chìm thuyền ở Biển Đông, người phát ngôn của ông loan tin ngày 22-6.
Trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tuyên bố ông muốn ASEAN chốt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực với Trung Quốc trước cuối năm nay. Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Bangkok.
Một chút rắc rối cũng đã diễn ra trước hội nghị cấp cao khi Indonesia muốn cả khối thông qua một tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nỗ lực vận động hành lang của Jakarta đã gặp phải sự khước từ của Singapore, theo tiết lộ của một nhà ngoại giao Indonesia.
Với sự phản đối đó, chưa biết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN có được thông qua tại hội nghị cấp cao lần này hay không.
Nước chủ nhà Thái Lan đã triển khai khoảng 10.000 nhân viên cảnh sát / an ninh xung quanh Bangkok bảo vệ cho hội nghị thượng đỉnh, đề phòng chuyện đã diễn ra cách đây 10 năm tái diễn.
Đúng một thập kỷ trước, khi Thái Lan tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN, hàng chục người biểu tình trung thành với cựu thủ tướng bị lật đổ của quân đội Thaksin Shinawatra đã xông vào địa điểm diễn ra cuộc họp trong sự bất lực của cảnh sát.
Còn một lý do khác khiến truyền thông phương Tây đặc biệt chú ý cuộc họp lần này. Đó là vấn đề người thiểu số Rohingya tại Myanmar. Hàng trăm ngàn người đã chạy sang Bangladesh trước tình trạng bạo lực tại quê nhà.
Prapat Thepchatree, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thammasat của Thái Lan, nhận định các nhóm nhân quyền phương Tây đừng mong thấy được bất kỳ sự chỉ trích nào nhắm vào Myanmar từ ASEAN. "Đây là một vấn đề nhạy cảm của khối", ông Prapat nhận xét.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến Bangkok vào trưa nay 22-6 để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN dài 2 ngày.
Theo chương trình, dự kiến trong ngày 22-6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Cuối giờ chiều 22-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 và có một số cuộc tiếp xúc cấp cao khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận