![Argentina phát lệnh bắt thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/thong-tuong-myanmar-17396090741561767285285.jpg)
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, đến phát biểu tại kỷ niệm ngày lực lượng vũ trang Myanmar ở Naypyidaw vào 27-3-2024 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, ngày 15-2, chính quyền quân sự Myanmar chỉ trích tòa án Argentina vì đã phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo của họ với cáo buộc "diệt chủng và tội ác chống lại loài người" đối với người Rohingya.
Người Rohingya là một cộng đồng chủ yếu theo đạo Hồi, cư trú tại Myanmar. Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng nhóm thiểu số này tại Myanmar phải chịu tình trạng phân biệt đối xử.
Tuần này, một tòa án tại Argentina, quốc gia nằm ở Nam Mỹ, đã phát lệnh bắt giữ các quan chức Myanmar, gồm cả người đứng đầu chính quyền quân sự Min Aung Hlaing, cựu tổng thống Htin Kyaw và cả cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Thống tướng Min Aung Hlaing là người cũng đang bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) điều tra.
Lệnh bắt giữ được đưa ra sau đơn khiếu nại do một nhóm ủng hộ người Rohingya trình lên tại Argentina.
Khiếu nại pháp lý được trình lên theo nguyên tắc quyền tài phán phổ quát, theo đó các quốc gia có thể truy tố cá nhân phạm các tội nhất định bất kể chúng xảy ra ở đâu, nếu được coi là đủ nghiêm trọng, giống như tội diệt chủng hoặc tội ác chiến tranh.
Đáp lại, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun nói: "Argentina có biết Myanmar không, chứ Chính phủ Myanmar thì biết Argentina!".
"Chúng tôi muốn đề xuất Argentina bổ nhiệm các vị trí thẩm phán cần thiết và còn trống của họ trước tiên cho hệ thống tư pháp trong nước nếu họ muốn chỉ trích Myanmar theo luật pháp", ông Zaw Min Tun nói với các nhà báo ngày 15-2.
Bình luận của ông Zaw Min Tun dường như ám chỉ đến thông tin xuất hiện hồi tháng 12, cho rằng Argentina cần bổ nhiệm 150 thẩm phán ở mọi cấp.
Theo AFP, Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ chính biến năm 2021.
Nhiều người Rohingya buộc phải chạy trốn khỏi bạo lực, tìm đến các trại tị nạn ở Bangladesh hoặc mạo hiểm mạng sống trong những chuyến hành trình trên biển đầy nguy hiểm để cố gắng đến Malaysia hoặc đến Indonesia thông qua Thái Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận