11/06/2011 10:41 GMT+7

Âm thanh phản cảm không có chỗ đứng trong âm nhạc

LÊ THỊ LINH TRANG 
LÊ THỊ LINH TRANG 

TTO - Ý kiến của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Nhạc "té ghế" chỉ là trò đùa vui! nhận được nhiều ý kiến tán đồng, song bên cạnh đó cũng có bạn đọc cho rằng loại nhạc "té ghế" là trò đùa đó có hại và cần phải được ngăn chặn.

Diễn đàn "Thảm họa của Vpop?"

Bạn đọc Lê Thị Linh Trang:

Âm thanh phản cảm không có chỗ đứng trong âm nhạc

TTO - Ý kiến của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Nhạc "té ghế" chỉ là trò đùa vui! nhận được nhiều ý kiến tán đồng, song bên cạnh đó cũng có bạn đọc cho rằng loại nhạc "té ghế" là trò đùa đó có hại và cần phải được ngăn chặn.

Tiếp nối diễn đàn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của bạn đọcLê Thị Linh Trang

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi và cùng trao đổi.

VDPvgbnW.jpgPhóng to

Bạn đọc Lê Thị Linh Trang - Ảnh: nhân vật cung cấp

Âm thanh phản cảm không thể gọi là âm nhạc!

Cuộc sống xung quanh ta là cả một thế giới âm thanh đa dạng, nhiều màu sắc. Cả âm thanh trong tự nhiên như tiếng chim hót, cành lá xạc xào; hay những âm thanh của con người tạo ra như tiếng nói, tiếng nổ động cơ…, và tiếng nhạc.

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có từ rất sớm trong lịch sử loài người, là nghệ thuật mang tính dân tộc rõ rệt nhất. Xã hội loài người càng phát triển thì âm nhạc cũng phát triển theo do nó có một sự phụ thuộc nào đó vào điều kiện vật chất, giao lưu tinh thần, mức sống…

Ngày nay, âm nhạc trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Người ta yêu thích âm nhạc vì “Khi nào ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng” (Traicôpxki).

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật tiêu biểu nhất mang những đặc trưng cơ bản của các loại hình nghệ thuật khác. Nó là tiếng nói tình cảm của con người. Chỉ có con người là chủ thể sáng tạo nghệ thuật.

Sác-ne nói: “Bất cứ nhạc cụ nào mà không có bàn tay con người thì không gọi là nhạc cụ”. Nhưng con người sáng tạo ra âm nhạc không phải chỉ là làm theo bản năng, âm nhạc của con người là nghệ thuật của xã hội, được xã hội đánh giá và thừa nhận. Như vậy cần tránh sự ngộ nhận, rằng bất cứ ai cũng có thể sáng tạo ra âm nhạc, nhất là âm nhạc có giá trị cho đời sống con người.

Yếu tố con người phải có sự cá biệt mới trở thành nghệ sĩ. Mỗi người sinh ra -theo Pavlop - đều có một năng khiếu, quan trọng là có được phát triển trong môi trường đúng năng khiếu hay không. Tức mỗi người chúng ta đều có một tố chất nào đó, nhưng không có nghĩa là mọi tố chất đều có thể là nguồn gốc để sáng tạo nên nghệ thuật âm nhạc.

qEJSeMyz.jpgPhóng to
Một thành viên nhóm HKT với kiểu tóc không giống ai khi tham gia biểu diễn trong một clip ca nhạc - Ảnh chụp từ clip

Tiếng nói trong âm nhạc có thể nói là mạnh mẽ nhất so với các loại hình nghệ thuật khác, vì nó có ưu thế là sử dụng chất liệu âm thanh - chất liệu được khai thác trong tối đa trong nghệ thuật. Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, các âm thanh này được sắp xếp để đạt được hiệu quả nghệ thuật, phải làm người nghe xúc động. Như vậy, những ngôn từ vô nghĩa, những từ ngữ mà khi cất lên tạo ra những âm thanh phản cảm tất không có chỗ đứng trong âm nhạc, không thể gọi là âm nhạc được.

Nói đến âm nhạc là đề cập đến hai quá trình: sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật. “Âm nhạc hay không bao giờ để tả sự vật mà là cả một xúc cảm của con người đã được mã hóa” (Traicôpxki).

Yếu tố con người xử lý sự vật khác nhau ở mỗi người khi nó đã đi vào tiềm thức là rất quan trọng đối với quá trình sáng tác một tác phẩm âm nhạc. Hiện thực luôn tồn tại một cách khách quan mà tất cả mọi người bình thường đều nhận biết được nhưng không phải mỗi ngày ghi lại tiếng chim hót, tiếng suối chảy là thành bản nhạc, mà xuất phát từ những sự vật đó người nghệ sĩ có xúc cảm tạo ra âm nhạc. Vì thế, việc ghi lại một cách thô thiển những hành động mình làm, mô tả hình thể bản thân càng không thể coi là sáng tác âm nhạc.

Tác phẩm âm nhạc là sản phẩm của quá trình đi từ tưởng tượng, điển hình hóa đến chọn lọc và âm điệu hóa âm thanh. Nhờ đó, chỉ cần một tác phẩm ngắn nhưng cũng đủ thể hiện một cảm xúc tình yêu mãnh liệt. Nếu một tác phẩm không được nghệ thuật hóa, cách điệu hóa, âm thanh hóa thì không được chấp nhận hoặc không tồn tại với thời gian.

Nghệ thuật mà con người sáng tạo ra trước tiên là mô phỏng theo thiên nhiên nhưng càng ngày sự sáng tạo càng phức tạp hơn. Âm nhạc gửi một thông điệp nghệ thuật đến người nghe, tạo nên xúc cảm nghệ thuật. So với vẻ đẹp của âm thanh tự nhiên, vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc phức tạp hơn nhiều.

Tác phẩm âm nhạc - đặc biệt là tác phẩm giao hưởng - là bằng chứng cho tính phức tạp và tinh vi của cái đẹp trong nghệ thuật, nói lên sức sáng tạo vô biên của con người. Nghệ thuật âm nhạc sử dụng nhịp điệu một cách tinh tế, mẫu mực nhất làm cho sự yêu thích các loại hình nghệ thuật khác thường xuất phát từ sự yêu thích âm nhạc.

Ngôn ngữ của âm nhạc kết hợp ba yếu tố: giai điệu, nhịp điệu, và âm sắc. Giai điệu là âm thanh đẹp của âm nhạc được hình thành từ văn tự âm nhạc bao gồm bảy chữ cái: Đô Rê Mi Fa Sol La Si. Âm thanh và các văn tự âm nhạc này là phương tiện riêng của nghệ thuật âm nhạc. Chúng có thể được diễn tả bằng lời hoặc chỉ là âm nhạc không lời (nhạc khí), hoặc phối hợp, tổng hợp hóa cả hai.

Âm nhạc còn là nghệ thuật của sự nhắc lại. Nhưng nhắc lại không có nghĩa là lặp đi lặp lại một cách máy móc một vài câu từ hết sức vô nghĩa. Ở đây là sự nhắc lại có thay đổi một cách nghệ thuật, “ba lần nhắc lại thì phải bốn lần thay đổi” (Mozart) để tránh nhàm chán.

Xuất phát từ việc âm nhạc chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, chỉ để lại ấn tượng trong khoảnh khắc, nếu người nghe thưởng thức thụ động sẽ dễ dẫn đến lãng quên nên âm nhạc cần phải có sự lặp lại để đồ lại trong trí nhớ con người.

Ngoài ra, âm nhạc còn có sự mô phỏng, nghĩa là sự nhắc lại ở cung bậc cao hơn. Nhờ đó chúng ta có thể nhớ lâu những bài nhạc mình yêu thích.

Phải chăng âm nhạc có một hạn chế là không thể biểu hiện cái gì cụ thể? Không hẳn là nhược điểm, âm nhạc không lời tạo sức tưởng tượng vô biên, gợi mở trí tượng vô cùng phong phú bằng kinh nghiệm sống từng trải của người nghe. Người nghe nhạc phải biết đắm mình trong âm nhạc và đừng quá khắc khe với những quy tắc lý thuyết.

Thiên chức hướng con người đến chân - thiện - mỹ

Là một nghệ thuật không tự giác do cơ chế thụ động của thính giác, âm nhạc có thể tự động làm cho người ta cảm thấy hưng phấn, nhẹ nhõm trong lòng hoặc có thể làm cho người ta nảy sinh những xúc cảm tiêu cực, trở nên cáu gắt bực bội, tâm trạng nặng nề u uất hơn.

Khi chúng ta đang có tâm trạng không vui âm nhạc có khả năng chia sẻ, làm cho chúng ta như được cảm thấy an ủi phần nào nhưng cũng có thể chính âm nhạc làm tăng cường độ xúc cảm, làm cho nỗi buồn trở thành da diết hơn. Vì khi đã trỗi lên, âm nhạc luôn rót vào tai chủ thể bên ngoài nhận thức chủ quan của họ. Sự tác động của âm nhạc bao giờ cũng đến cùng lúc chứ không phân biệt ở từng mức độ xúc cảm - thẩm mỹ - đạo đức.

Âm nhạc được mỗi người khai thác khác nhau phụ thuộc vào trình độ thẩm mỹ, đạo đức và tâm trạng cá nhân. Xúc cảm của âm nhạc là vô biên, giới hạn của nó phụ thuộc vào trình độ thẩm mỹ, đạo đức của mỗi người. Người sáng tạo cần có óc thẩm mỹ và nghệ thuật cao mới có thể tạo ra tác phẩm hay, và trình độ kỹ thuật là yếu tố để tạo ra tác phẩm ở mức độ chất lượng cao hơn, hoàn chỉnh hơn.

Từ các thuộc tính bản chất của mình, nghệ thuật không tự giác này giúp con người thực hiện chức năng giáo dục thẩm mỹ dễ dàng hơn trong xã hội, mở đường cho con người hướng về nguồn sáng chân - thiện - mỹ bằng con đường nghệ thuật.

LÊ THỊ LINH TRANG

Ca khúc nghe muốn "té ghế", thảm họa của VPop?

Theo bạn, đó có phải là những ca khúc thực sự nghe muốn "té ghế" không? Còn những ca khúc nào trên thị trường đang làm bạn... choáng váng nữa?

Vì sao có hiện tượng "nở rộ" này? Vì trình độ của người sáng tác, "khát vọng" đánh bóng tên tuổi của một số cá nhân, hay vì đó là phản ánh chân thực của đời sống và nhu cầu có thực của người nghe?

Người nghe nhạc và cơ quan quản lý văn hóa có trách nhiệm gì không?

Theo bạn, đó là một hiện tượng hoàn toàn bình thường hay bất thường của VPop? Bạn dự đoán âm nhạc Việt Nam sẽ đi theo hướng nào nếu hiện tượng này tiếp tục "trăm hoa đua nở"?

Mời bạn đọc tham gia ý kiến về hiện tượng mà nhiều bạn đọc cho là "Thảm họa của VPop".

Xem thêm:

Nghe bằng tai của người có họcTại sao nở rộ ca khúc nghe muốn “té ghế”?Nhạc "té ghế" - Chúng tôi còn gọi là "nhạc... ngu"Bài hát của Michael Jackson nghe muốn "té ghế" thì sao?Liệu nhạc "té ghế" có tự sinh, tự diệt?Điều chỉnh gu nghe nhạc, dễ không?Chẳng lẽ chỉ "tai hư" mới khoái nhạc "té ghế"?Khi măng non hát như "lên đồng"Sung sướng vì gây ra "thảm họa VPop"?Vì đâu ca từ nghe muốn "té ghế"?Nhạc "té ghế": cha chung không ai khóc?Báo chí dung dưỡng nhạc "té ghế"?Quản hay không quản nhạc "té ghế"?Đỗ Trung Quân: Nhạc "té ghế" chỉ là trò đùa vui!

Theo bạn, các ca khúc "té ghế" nở rộ vì đâu:
Năng lực sáng tác của nhạc sĩ hạn chế Các ca sĩ, nhạc sĩ muốn gây sốc để nổi tiếng Đáp ứng thị hiếu một bộ phận thính giả nào đó Quản lý hoạt động âm nhạc chưa chặt chẽ Ý kiến khác
LÊ THỊ LINH TRANG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên