05/06/2011 14:57 GMT+7

Vì đâu ca từ nghe muốn "té ghế"?

Nguyễn Thanh Nhựt
Nguyễn Thanh Nhựt

Đó là những lời lẽ chân thực cần đưa vào âm nhạc hay trình độ của người sáng tác đã ngày càng "phổ cập", gần gũi đời sống hơn?

IkK8DOzi.jpgPhóng to
Nhóm nhạc HKT đang “nổi tiếng” khi thể hiện nhiều ca khúc có ca từ khiến người nghe sững sờ - Ảnh chụp từ clip Nàng Kiều lỡ bước

Ngôn ngữ âm nhạc bị lột trần

Tôi xin lạm bàn về ngôn ngữ một chút. Có rất nhiều cách phân loại ngôn ngữ khác nhau theo từng mục đích, ở đây tôi xin phép được phân loại ngôn ngữ thành ba loại: ngôn ngữ “thật”, ngôn ngữ “thực” và ngôn ngữ “thuật”.

Ngôn ngữ “thật” là ngôn ngữ được sử dụng một cách phổ quát, rộng rãi trong giao tiếp hằng ngày. Loại ngôn ngữ này thông thường được đơn giản hóa về ngữ nghĩa, không gò bó trong cách sử dụng. Ví dụ ta hỏi: “Ngày mai anh có đi Vũng Tàu không?”, thì “đi” ở đây đơn giản là một khái niệm để chỉ sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Ngôn ngữ “thực” là ngôn ngữ của khoa học, đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối. Ví dụ, một người cụt chân có thể “đi Vũng Tàu” theo cách nói của ngôn ngữ “thật”, nhưng anh ta không thể “đi trên vỉa hè” theo cách nói của ngôn ngữ khoa học pháp lý (thực), bởi vì “đi” đối với một người là việc di chuyển bằng hai chân!

Ngôn ngữ “thuật” là ngôn ngữ của nghệ thuật. Ví dụ, Trịnh Công Sơn viết: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”. “Đi” ở đây không đơn giản là di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cũng không phải là sự di chuyển bằng hai chân! “Đi” có thể là đã chia tay, đã rời xa mối tình đầu, đã lấy chồng…

Ngôn ngữ “thuật” được quyền sử dụng tất cả các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, thậm xưng, lặp từ… Từ đó mới có chuyện “có’ mà nói “không”, “yêu” mà nói “ghét”… trong ngôn ngữ “thuật”.

Từ việc lạm bàn về ngôn ngữ, tôi xin bàn tới chủ đề chính: nghệ thuật nào cũng vậy, luôn có ngôn ngữ riêng. Nếu người làm nghệ thuật không tôn trọng ngôn ngữ đó thì chắc chắn sẽ tạo ra những “quái thai” - phi nghệ thuật.

Âm nhạc cũng không ngoại lệ! Ngôn ngữ của âm nhạc phải là ngôn ngữ “thuật”. Nếu muốn sử dụng ngôn ngữ “thật” và ngôn ngữ “thực” vào âm nhạc, tác giả buộc phải biến nó thành ngôn ngữ “thuật”, nếu không, hát lên chắc chắn người nghe phải “té ghế” thôi.

Ví dụ, nói về địa điểm và khoảng cách, có tác giả viết “Nhà anh nhà em cách nhau đoạn đường dài, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”. Rất nghệ thuật! Nhưng nếu viết theo dạng: “Nhà anh ở chỗ lô A, nhà em gần đó nhưng mà lô B”, mặc dù không có gì sai, nhưng rõ ràng âm nhạc đã bị hạ thấp hơn cả mức tầm thường vì bị “bê tông hóa”.

Và những tác phẩm âm nhạc “té ghế” thực chất chính là những tác phẩm không tôn trọng ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc. Nhan nhản trong các bài hát là những từ ngữ giao tiếp thông thường, thậm chí tầm thường, mà không hề được gọt giũa, cứ thế đưa vào tác phẩm, dạng như “không bao giờ anh bó tay” thì đúng là bó tay thật!

Tiếc rằng hiện nay, một số lượng lớn các vị được gọi là “nhạc sĩ” khi sử dụng từ cũng không biết mình đang dùng dạng gì! Hãy xem, những tác phẩm vượt thời gian, đó chính là những tác phẩm được tôn trọng tính nghệ thuật trong ca từ.

Ca từ mượt mà, tinh tế, nhiều tầng ý nghĩa, nếu tả cảnh có thể làm cho người nghe tưởng tượng ra được cảnh vật, nếu tả tình có thể làm lay động tình cảm và xúc cảm người nghe. Bên cạnh ca từ, giai điệu chính là một trong hai yếu tố cấu thành nên một ca khúc.

Tóm lại, chúng ta có công thức sau: ca từ có vấn đề + giai điệu có vấn đề + ca sĩ thể hiện có vấn đề = tác phẩm “té ghế”.

Một giai điệu đẹp có thể diễn tả được tình cảm mà tác giả gửi gấm vào tác phẩm. Và đối với hầu hết các tác phẩm hay, khi nghe giai điệu mà không cần ca từ, người nghe cũng có thể hiểu được tác phẩm ấy, ít nhất là cảm xúc mà tác phẩm ấy muốn diễn đạt: buồn hay vui, sướng hay khổ…

Thế nhưng, đối với rất nhiều ca khúc hiện nay, giai điệu có vẻ na ná nhau, buồn cũng vậy, vui cũng vậy, thất tình cũng vậy, được tình cũng vậy luôn. Nếu nghe phần hòa tấu không thôi, nhiều lúc thất tình tưởng đang phấn khích, buồn bã tưởng đang hạnh phúc!

Và cuối cùng là người thể hiện ca khúc! Tác giả đã không biết mình viết cái gì thì thử hỏi làm sao ca sĩ biết mình đang hát cái gì?

Vì việc dạy và học môn văn có vấn đề

Cũng không nên quá vội vàng lên án những nhạc sĩ, ca sĩ và những người thưởng thức dòng nhạc này. Đối tượng nghe dòng nhạc này thường là 8X, 9X... còn các thế hệ 5X, 6X, 7X, họ nghe nhạc gì?

Phải chăng đây là hệ quả của việc giảng dạy môn văn học ở nhà trường, khi mà việc diễn đạt 1 bài tự luận phải theo chuẩn để có điểm cao. Chính vì không thể dùng ngôn từ để diễn đạt ý tưởng thì làm sao họ có thể nghe và hiểu những bài các của những người gọi là "phù thuỷ của ngôn từ" sáng tác được. Thế nên mới sinh ra những nhạc sĩ cứ "lột trần" từ ngữ cho dễ hiểu và không mất công tư duy...

Nếu ca khúc là thế chắc tôi cũng viết được

Tôi chẳng có tí chuyên môn nào trong âm nhạc nhưng khi nghe những ca khúc “té ghế” thì tôi tự nhiên cảm thấy nếu những sản phẩm này cũng được gọi là “âm nhạc” thì chắc tôi và nhiều người “ngoại đạo” khác cũng có thể sáng tác vài ca khúc.

Thử nghe bài Tâm hồn là vĩnh cữu mà Phi Thanh Vân biểu diễn, cứ như thể một bài giảng suôn đuột về đạo đức. Thật là sững sờ khi nghe những câu hát như: “Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi. Ngày xưa em cũng như mọi người. Nhưng từ khi biết điểm tô sắc đẹp… đời em nay đã đổi thay!”.

Nhưng vẫn chưa dữ dội bằng câu: “Từ khi có chút nhan sắc… thì em mới hiểu đẹp xấu chỉ là phù du! Còn hơn ấu trĩ tâm hồn, nét đẹp phụ nữ mãi luôn vững bền” hay “Đẹp hay xấu cảm nhận mỗi người… bề ngoài đâu có nghĩa chi nếu trong lòng gian dối”.

Hay loại ca từ trống rỗng, chỉ có mỗi cái vỏ, nghe muốn chóng mặt trong ca khúc Mặt trái của sự thật mà HKT biểu diễn: “Người ta nói em yêu tôi. Người ta nói em thương tôi. Bên tôi vui buồn sớt chia. Người ta thấy em bên tôi. Và người ta ước mong như tôi. Xem tôi là người hạnh phúc”.

Sự dễ dãi trong sáng tác sẽ phần nào phản ánh đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng của người làm âm nhạc. Trọng trách cao quý của người nhạc sĩ - những người góp phần “kiến tạo tâm hồn” - đang bị một số người làm méo mó bởi những thứ “ngụy trang âm nhạc”.

Ca khúc nghe muốn "té ghế", thảm họa của VPop?

Theo bạn, đó có phải là những ca khúc thực sự nghe muốn "té ghế" không? Còn những ca khúc nào trên thị trường đang làm bạn... choáng váng nữa?

Vì sao có hiện tượng "nở rộ" này? Vì trình độ của người sáng tác, "khát vọng" đánh bóng tên tuổi của một số cá nhân, hay vì đó là phản ánh chân thực của đời sống và nhu cầu có thực của người nghe?

Người nghe nhạc và cơ quan quản lý văn hóa có trách nhiệm gì không?

Theo bạn, đó là một hiện tượng hoàn toàn bình thường hay bất thường của VPop? Bạn dự đoán âm nhạc Việt Nam sẽ đi theo hướng nào nếu hiện tượng này tiếp tục "trăm hoa đua nở"?

Mời bạn đọc tham gia ý kiến về hiện tượng mà nhiều bạn đọc cho là "Thảm họa của VPop".

Xem thêm:

Lợi dụng âm nhạc để đánh bóng tên tuổi?Nghe bằng tai của người có họcTại sao nở rộ ca khúc nghe muốn “té ghế”?Nhạc "té ghế" - Chúng tôi còn gọi là "nhạc... ngu"Bài hát của Michael Jackson nghe muốn "té ghế" thì sao?Liệu nhạc "té ghế" có tự sinh, tự diệt?Điều chỉnh gu nghe nhạc, dễ không?Chẳng lẽ chỉ "tai hư" mới khoái nhạc "té ghế"?Khi măng non hát như "lên đồng"Sung sướng vì gây ra "thảm họa VPop"?

Theo bạn, các ca khúc "té ghế" nở rộ vì đâu:
Năng lực sáng tác của nhạc sĩ hạn chế Các ca sĩ, nhạc sĩ muốn gây sốc để nổi tiếng Đáp ứng thị hiếu một bộ phận thính giả nào đó Quản lý hoạt động âm nhạc chưa chặt chẽ Ý kiến khác
Nguyễn Thanh Nhựt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên