27/05/2011 08:30 GMT+7

Tại sao nở rộ ca khúc nghe muốn "té ghế"?

BẢO ANH 
BẢO ANH 

TTO - Câu chuyện các ca khúc với ca từ nhạt nhẽo, được thể hiện “sáng tạo” đến mức khiến người xem... không bật cười cũng nổi da gà, một lẩn nữa trở thành đề tài bàn tán sôi động từ thế giới ảo đến thế giới thật.

ITqrdvjF.jpgPhóng to
Phương My với kiểu hóa trang bắt chước Lady Gaga trong clip Nói dối- Ảnh: chụp từ clip Nói dối

Cứ ngỡ như đùa

Được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn mạng hiện nay có lẽ là câu chuyện Phi Thanh Vân thể hiện ca khúc Tâm hồn là vĩnh cửu.

Chắc không ít người sẽ ngơ ngác với hình ảnh đầu tiên của clip: Phi Thanh Vân đứng giữa một nhóm người, xõa tóc rũ rượi, tay cầm lá quơ qua quơ lại, chân trần, cấm một chiếc dép như cầm… micro hát: “Phụ nữ chẳng có ai xấu mà chỉ có không biết chăm sóc, làm đẹp mà thôi”. Vừa dứt câu này thì cô bật cười và hỏi những người quanh: “Hay hông? Hay hông? Hay hông?”.

CVX9x2ZJ.jpgPhóng to
Phi Thanh Vân tóc tai rối bù, tay cầm dép như cầm… micro, tay cầm lá múa khi thể hiện ca khúc Tâm hồn là vĩnh cửu - Ảnh: chụp từ clip

Cô gái “lạ” này tiếp tục xuất hiện trong clip với hình ảnh đội lá trên đầu, cầm lá múa vòng vòng và đi lang thang. Tại các diễn đàn mạng, có ý kiến cho rằng nội dung bài hát nói về một cô gái từ khi biết “điểm tô sắc đẹp” thì cuộc đời đổi thay chứ đâu liên quan đến việc từ chỗ có phần như thể… dở hơi đến… tỉnh táo, khôn khéo?

Lời ca khúc nỗ lực truyền tải thông điệp song cách biểu diễn lạ đời đã khiến clip nhận được những cơn mưa ý kiến phản ứng trên cộng đồng mạng.

Như xỉa tay vào trán dạy đời

Ca khúc Nói dối của Phương My nay trên YouTube cũng nhận được hàng trăm ý kiến cho biết đã nổi da gà, hết hồn, sửng sốt… khi nghe.

Những câu hát với các cụm từ lặp đi lặp lại với tần suất cao như: “Khi đã yêu nhau trong đời, khi đã tin yêu thật rồi, tại sao, tại sao, tại sao, tại sao anh lai nói dối? Vì sao vì sao vì sao, vì sao anh lại dối em?”; hay: “Nói dối là anh không yêu em,nói dối là anh không thương em,nói dối là anh không thật lòng nói dối mình đành xa cách”.

Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là đoạn rap như rao giảng một bài học đạo đức với giọng điệu có phần bỡn cợt: “Một lần nói dối vạn lần mất tin, đừng nên nói dối bị người ta khinh, hãy nên thật thà đừng nên nói dối. Có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả, sẽ mất tất cả, có biết không hả?”.

Những ngày qua, các clip Mặt trái của sự thật, Thêm một lần đau… của nhóm nhạc HKT gồm ba chàng trai với kiểu tóc không giống ai, các ca khúc với lời lẽ nhạt nhẽo cũng đang gây phản ứng mạnh từ công chúng.

Đặc biệt, những hình ảnh có phần nhạy cảm như hai bạn gái… âu yếm trên giường cũng được mạnh dạn đưa vào clip của nhóm này.

Vì đâu nên nỗi?

Việc các ca khúc gây sốc, được “mệnh danh” là thảm họa xuất hiện với lượt người xem người nghe lên đến hàng triệu không khỏi gây ra nỗi lo ngại liệu đó đang là hướng đi mà một số ca sĩ trẻ đang lựa chọn?

Một sản phẩm âm nhạc nhận được hàng trăm ngàn chỉ trích, chê bai, thậm chí không kém những lời nhận xét có phần dung tục thì liệu sự “nổi tiếng” ấy có bền lâu?

Ca khúc nghe muốn "té ghế", thảm họa của VPop?

Theo bạn, đó có phải là những ca khúc thực sự nghe muốn "té ghế" không? Còn những ca khúc nào trên thị trường đang làm bạn... choáng váng nữa?

Vì sao có hiện tượng "nở rộ?" này? Vì trình độ của người sáng tác, "khát vọng" đánh bóng tên tuổi của một số cá nhân, hay vì đó là phản ánh chân thực của đời sống và nhu cầu có thực của người nghe?

Người nghe nhạc và cơ quan quản lý văn hóa có trách nhiệm gì không?

Theo bạn, đó là một hiện tượng hoàn toàn bình thường hay bất thường của V-Pop? Bạn dự đoán âm nhạc Việt Nam sẽ đi theo hướng nào nếu hiện tượng này tiếp tục "trăm hoa đua nở"?

Mời bạn đọc tham gia ý kiến cho hiện tượng mà nhiều bạn đọc cho là "Thảm họa của VPop"

BẢO ANH 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên