06/03/2016 08:03 GMT+7

Ai kéo thanh niên ra khỏi khói thuốc lá, men bia?

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Quá ít người chịu nhìn thể thao dưới góc độ nó phát triển thì người dân khỏe khoắn, lành mạnh dẫn đến việc tệ nạn giảm, chi phí y tế giảm... Việc kéo thanh niên ra khỏi khói thuốc, men rượu vậy của ai?

“Dân cường nước thịnh”, “Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia”, “Thanh niên là rường cột của nước nhà”... Đó là những điều đã trở thành chân lý. Chính vì vậy, không thể không lo lắng khi kết quả nghiên cứu của Bộ Nội vụ cùng với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam về thực trạng thanh niên nước ta cho thấy thể lực kém, rượu bia và thuốc lá vào loại “thiên hạ vô địch”!

Trước hết, phải phân định rõ một điều: thể lực và thể hình là hai vấn đề khác nhau.

Chuyên gia về giáo dục thể chất người Anh Colin Murphy, từng làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, đã nói rõ: “Thể hình kém không đồng nghĩa với thể lực kém. Vì thể hình liên quan đến vấn đề di truyền, dinh dưỡng - phụ thuộc vào kinh tế và thói quen, kiến thức ăn uống. Còn thể lực là câu chuyện của thể dục thể thao, của lối sống”.

Từ đó, không quá lo về chiều cao kém, mà lo chuyện “nhả khói thuốc như tàu hỏa”, nốc rượu bia như hũ chìm và lười thể thao thể dục.

Làm thế nào để giới trẻ giảm rượu bia, thuốc lá và siêng tập thể thao? Có rất nhiều chuyện để bàn, nhưng ở đây chúng tôi muốn đề cập đến vai trò của Nhà nước.

Tôi có nhiều người quen là Việt kiều Mỹ, xuất cảnh theo diện HO vào đầu thập niên 1990. Khi còn ở Việt Nam, nhiều người lúc đó trong độ tuổi thanh niên và cũng bia rượu, thuốc lá tưng bừng. Nhưng sau này khi gặp lại, họ không còn bét nhè bia rượu và đốt thuốc như điên.

Hỏi thì mọi người giải thích thế này: Thuốc lá ư? Phải bỏ thôi, đắt quá! Một gói gần chục đô (USD) thì hút làm sao nổi và chưa kể con cái nói dữ lắm.

Còn rượu bia ư? Ở nhà uống chút chút cho vui chứ không dám nhậu nhẹt say sưa như hồi còn ở Việt Nam. Đơn giản bởi nó cũng đắt tiền và quan trọng nhất là ai cũng sợ chuyện nhậu rồi lái xe bị cảnh sát bắt vào là coi như tàn đời, tự “chặt chân” của mình - ý nói việc tịch thu bằng lái.

Các lý do vừa kể trên đều là kết quả của chuyện quản lý nhà nước. Bởi ai cũng biết một nghịch lý ở nước ta là sữa - thứ cần thiết cho sự phát triển của con người - thì đắt vào loại hàng đầu thế giới (so sánh theo thu nhập); còn rượu bia, thuốc lá - thứ có hại cho sức khỏe con người - thì rẻ nhất thế giới.

Đã có lúc dư luận đặt ra vấn đề này thì một số quan chức có trách nhiệm lý giải rằng tăng giá thuốc lá, rượu bia lên cao thì hàng lậu tràn vào! Nói đến thế thì chẳng thể nào hiểu nổi lực lượng hải quan, quản lý thị trường ở đâu?

Còn chuyện TDTT, nhiều cán bộ cựu trào, tâm huyết đã liên tục than thở chuyện lĩnh vực này luôn bị đánh giá là thứ yếu.

Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu nhiều lần bức xúc: “Ngân sách khó khăn, thể thao bị cắt giảm đầu tiên. Sân chơi thể thao ngày càng giảm, nhường chỗ cho nhà hàng, khách sạn. Hầu hết chỉ thấy cái lợi trước mắt về mặt kinh tế mà quên cái hại cho tương lai. Quá ít người chịu nhìn thể thao dưới góc độ nó phát triển thì người dân khỏe khoắn, lành mạnh dẫn đến việc tệ nạn giảm, chi phí y tế giảm...”.

Tóm lại, việc kéo thanh niên ra khỏi khói thuốc, men rượu phải là trách nhiệm của quản lý nhà nước.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên