Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh: V.V.T |
Theo báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất vừa được công bố thì nhìn chung tầm vóc và thể lực của thanh niên Việt Nam còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó số liệu chưa chính thức cho thấy một bộ phận thanh niên có tỷ lệ hút thuốc lá và uống rượu bia tương đối cao.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Đăng Minh (Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) nói:
- Chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này, và đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Mục tiêu chiến lược đã phấn đấu đến năm 2020 thì chiều cao của thanh niên Việt Nam phải được cải thiện ở mức độ nhất định.
Để làm được điều này, chúng ta phải có một loạt chính sách, trong đó kể cả các chính sách về sức khoẻ sinh sản, rồi chế độ dinh dưỡng, môi trường học tập, rèn luyện. Điều quan trọng là chúng ta tạo ra ra một môi trường xã hội lành mạnh cho thanh niên phấn đấu, học tập, rèn luyện.
Nếu thanh niên sa vào những tệ nạn xã hội, rượu bia, thuốc lá thì sẽ huỷ hoại tương lai của mình. Cho nên chúng ta phải cổ suý cho thanh niên vươn tới những tầm cao, làm những việc có ích cho xã hội và cộng đồng.
* Theo báo cáo thì tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp (4,3%), chưa tốt nghiệp tiểu học tương đối cao (10,7%)?
- Số liệu đó thì chúng tôi lấy theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tổng điều tra dân số. Chúng tôi tôn trọng và lấy chính xác theo số liệu của các cơ quan chuyên môn.
Báo cáo quốc gia về thanh niên được chúng tôi xây dựng từ năm 2014, đến năm 2015 thì hoàn thành. Về số liệu thì từ năm 2000 cho đến năm 2015.
Qua quá trình xây dựng báo cáo, chúng tôi gặp một số khó khăn về số liệu, lâu nay hệ số liệu, tư liệu chuyên biệt về thanh niên trong các thống kê của quốc gia chưa đầy đủ. Chúng tôi không tham vọng nhiều, chỉ đặt ra một số vấn đề về giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, sự tham gia của thanh niên vào xây dựng chính sách.
Trên cơ sở báo cáo này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện để có hệ thống số liệu và báo cáo toàn diện, đầy đủ hơn về tình hình thanh niên Việt Nam. Tất nhiên đây là báo cáo lần đầu nên sẽ có nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
* Trong các kiến nghị của báo cáo, có việc cần đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên. Ông có thể nói rõ hơn nội dung này?
- Chúng ta đang hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, vì vậy chúng tôi quan tâm đến công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cho thanh niên. Mục tiêu cuối cùng như nhiều vị lãnh đạo đã nói là thanh niên học tập ra để làm gì, để có công ăn việc làm.
Chúng ta đào tạo ra nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, như vậy thì trong thanh niên không chỉ có những bạn đi làm công ăn lương, đi làm thuê… mà làm sao để nhiều bạn có những kỹ năng, có khát vọng tự tạo việc làm cho mình cũng như giải quyết việc làm cho người khác, tức là khởi nghiệp.
Chúng ta phải có định hướng như vậy thì mới ra các công việc khác phải làm để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tiếp cận theo hướng thị trường, ví dụ mở một công ty thì điều kiện pháp lý như thế nào, vấn đề vốn, thuế, kinh nghiệm tổ chức như thế nào?
Đó là những kiến thức cơ bản mà chúng ta cần hỗ trợ thanh niên. Xây dựng được tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên thì không chỉ riêng Đoàn Thanh niên, Bộ Nội vụ có thể làm được mà cả hệ thống chính trị phải chung tay thì mới làm đươc.
* Được biết hiện nay Bộ Nội vụ đang tham vấn kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thanh niên. Điểm cơ bản mà các ông tham vấn được là gì?
- Cách tiếp cận để xây dựng chính sách cho phát triển thanh niên là phải tiếp cận trên cơ sở quyền của thanh niên.
Nghĩa là Hiến pháp và pháp luật quy định thanh niên có quyền gì, thì trách nhiệm của Nhà nước phải xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho thanh niên được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Đồng thời, chúng ta có chính sách để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của thanh niên trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay chúng tôi đang được các cấp có thẩm quyền giao xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên và các nghị định hướng dẫn, chúng tôi tiếp cận theo cách tiếp cận như vậy. Cụ thể, chúng tôi đặt vấn đề phải sửa đổi toàn bộ Luật Thanh niên theo hướng tất cả những quyền của thanh niên đã được Hiến định, thì chúng tôi sẽ thể chế hoá quyền đó.
Quan điểm lần này trong việc xây dựng Luật thanh niên, chúng ta phải đảm bảo thanh niên là người xung kích, tình nguyện, người đi đầu trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Ví dụ, hiện chúng ta có nhiều quy định về thanh niên, nhưng điều quan trọng trước hết là thanh niên phải hiểu được quyền của mình, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội.
Cùng với đó là phân công các bộ ngành trong việc làm sao để đảm bảo cho thanh niên quyền được học tập, lao động, vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khoẻ… Từng lĩnh vực sẽ có chính sách phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận