Cuối năm 2022, Công an TP Hà Nội liên tục nhận được đơn trình báo, tố giác của nhiều người dân trên địa bàn thành phố về việc bị nhiều đối tượng gọi điện thoại "khủng bố" đòi nợ.
Đòi nợ kiểu "sẽ đâm chết con mày"
Mặc dù họ chỉ là người thân, bạn bè, đồng nghiệp có tên và số điện thoại trong danh bạ của con nợ, nhưng mỗi ngày những người này phải nhận hàng chục cuộc gọi đe dọa, khủng bố tinh thần từ nhóm đòi nợ thuê.
Chị Đ.T.T. (ngụ ở Chương Mỹ, Hà Nội) vay 100 triệu đồng qua app của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam. Sau đó chị trả được 24 triệu thì không còn khả năng trả hết.
Nhiều tháng sau đó, chị T. liên tục nhận được hàng trăm cuộc gọi từ nhiều số điện thoại lạ đe dọa "nếu không trả nợ, bọn tao sẽ đâm chết con của mày".
Chưa dừng lại, nhóm đòi nợ còn thường xuyên gọi điện "khủng bố", đe dọa tinh thần của người thân, bạn bè, giáo viên của con chị T., khiến họ "sống không yên".
Tương tự, tháng 7-2017, anh N.H.N. (ngụ ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vay 50 triệu đồng qua app của Mirae Asset, nhưng sau đó chưa trả hết nợ.
Đến tháng 7-2022, anh N. được nhóm đòi nợ thông báo "đã mua lại khoản nợ" từ Công ty Mirae Asset, đề nghị anh trả số tiền 175 triệu đồng.
Do không trả tiền theo yêu cầu, anh N. cùng người thân, đồng nghiệp sau đó liên tục bị nhiều số điện thoại lạ gọi "khủng bố" tinh thần, gây sức ép, đòi tiền.
Chúng còn sử dụng các tài khoản Facebook ảo, đăng các thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự nhân phẩm anh N. và người nhà của anh.
Đỉnh điểm, vào cuối tháng 9-2022, nhiều giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) bị nhóm đòi nợ thuê gọi điện đe dọa, ép các cô giáo phải cho con anh N. nghỉ học.
Để sống yên ổn và không làm ảnh hưởng đến người thân quen, anh N. đã vào TP.HCM liên hệ công ty đòi nợ để trả nốt khoản nợ.
Một trường hợp khác là chị P.T.T. (ở Ba Đình, Hà Nội), vay 20 triệu qua app của Mirae Asset từ năm 2017. Tuy nhiên, sau đó chị không thể thanh toán khoản vay này.
Đến năm 2022, chị T. và người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chị liên tục bị người lạ gọi điện chửi bới, đe dọa, yêu cầu trả nợ.
Đáng chú ý, nhóm này còn lấy ảnh của con trai chị rồi ghép vào các hình ảnh bị chặt tay, chân… đăng lên mạng xã hội để đe dọa, đòi tiền.
Thường xuyên thay đổi tên công ty, nhân viên, cấp độ đòi nợ
Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (PC02) phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ.
Dữ liệu duy nhất các điều tra viên có lúc này chỉ là thông tin trình báo, cùng hàng trăm số điện thoại "đều là sim rác" kẻ xấu dùng gọi đến, do người dân cung cấp.
Từ những thông tin ít ỏi có được ban đầu, nhóm điều tra viên của PC02 và C02 đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nghiệp vụ, phân công nhiệm vụ, "lần theo từng dấu vết nhỏ nhất" của nhóm đòi nợ thuê.
Sau một thời gian rà soát, các điều tra viên đã tìm ra manh mối quan trọng, xác định được nhóm đòi nợ này xuất phát từ một công ty mua bán nợ ở TP.HCM.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra lúc này là nhóm đòi nợ sử dụng công nghệ cao để phạm tội, liên tục thay đổi tên công ty để trốn tránh sự điều tra của cảnh sát.
Đặc biệt, chúng thường xuyên thay đổi nhân viên đòi nợ và "nâng cấp độ" đe dọa. Do vậy, "để lần ra dấu vết ai là người thực hiện hành vi cụ thể ra sao rất gian nan".
Với quyết tâm "phải bắt bằng được nhóm tội phạm này", Công an TP Hà Nội đã cử một nhóm điều tra viên đi vào TP.HCM "nằm vùng" nhiều tháng để nắm tình hình, rà soát, tìm cách bắt các nghi phạm nhanh nhất có thể.
Sau hàng chục lần "vào Nam ra Bắc", bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhóm điều tra viên đã xác định được kẻ điều hành mọi hoạt động của hệ thống công ty đòi nợ này là Trần Hồng Tiến (49 tuổi, trú tại TP.HCM).
Để tránh bị cảnh sát phát hiện, nhóm này lập bảy công ty dưới dạng công ty luật, mua bán nợ, dịch vụ tài chính và đặt trụ sở tại tầng bốn chung cư Lữ Gia, số 70 Lữ Gia, quận 11.
Hệ thống công ty có khoảng 120 người, chia thành các bộ phận nhân sự, kế toán, vận hành, kỹ thuật, thu hồi nợ.
Trong đó, bộ phận thu hồi nợ có số nhân viên đông nhất với 103 người, chia thành 11 tổ, có nhiệm vụ gọi điện thoại đe dọa, đòi tiền.
Thủ đoạn đòi nợ của nhóm này là dùng sim rác gọi điện thoại khủng bố tinh thần, đe dọa, yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè của con nợ để gây sức ép.
Bên cạnh đó, chúng còn cắt ghép hình ảnh con nợ, người thân của con nợ vào các hình ảnh đồi trụy, ghê rợn, các thông tin không đúng sự thật để hạ bệ danh dự, khủng bố tinh thần.
"Mục đích của nhóm đòi nợ là gây sức ép với những người không liên quan đến khoản nợ, khiến họ bị làm phiền, bức xúc. Sau đó, buộc những người này nhắc con nợ trả tiền cho chúng để được yên ổn", một điều tra viên chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Hằng tháng, công ty sẽ cấp cho mỗi nhân viên khoảng 500 thông tin khách hàng. Ngoài lương cứng, nhân viên được hưởng % trên tổng số tiền đòi được, mức thấp nhất là 0,3% nếu đòi được 35 triệu đồng.
Mỗi nhóm phải đòi được 300 triệu đồng/tháng. Nếu nhân viên nào hai tháng liên tiếp không đòi đủ tiền sẽ bị sa thải.
Thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay tiền, đã đòi được khoảng 500 tỉ
Sau 90 ngày trinh sát, ngày 20-2, hơn 100 chiến sĩ Phòng PC02, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Phòng PC02 Công an TP.HCM và các đơn vị nghiệp vụ đã tổ chức đấu tranh triệt phá, thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty này và triệu tập 102 nghi phạm đến trụ sở Cục C02 - Bộ Công an khu vực phía Nam để làm rõ.
Quá trình khám xét, cảnh sát thu gần 600 triệu đồng, 100 máy tính, hơn 200 điện thoại và nhiều tài liệu liên quan khác.
Kết quả kiểm tra dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ tháng 7-2018 đến hết năm 2022, nhóm đã thu mua hơn 330.000 hợp đồng vay tiền với tổng số hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, nhóm này đã đòi được khoảng 500 tỉ đồng.
Hiện Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 bị can trong đường dây này để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
"Vụ án thành công là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của ban giám đốc Công an TP Hà Nội, cùng với sự phối hợp thông suốt của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ khác", đại diện Phòng PC02 nói.
Thủ đoạn cực đoan, núp bóng vỏ bọc công ty luật, tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công an TP Hà Nội đánh giá đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, đòi nợ thuê núp bóng dưới vỏ bọc các công ty luật, công ty mua bán nợ.
Nhóm đòi nợ thuê này cưỡng đoạt tài sản với quy mô lớn, tại nhiều tỉnh, thành phố với rất đông nghi phạm tham gia. Hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ, phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ phận, hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh.
"Hình thức đòi nợ này gây bức xúc, hoang mang rất lớn trong dư luận và người dân, tạo ra hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội", một điều tra viên đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận