Ai có nguy cơ mắc ung thư phổi?
Biểu hiện của ung thư phổi giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ khiến người bệnh chủ quan nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường. Vậy ai có nguy cơ và khi nào nên tầm soát bệnh?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, phó trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội), cho hay mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên hầu hết thường phát hiện ở giai đoạn muộn, có trên 70% bệnh đã tiến triển hoặc di căn.
"Biểu hiện của ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường khá mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh hô hấp thông thường như ho, thở khò khè, khàn tiếng…
Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi với người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh cao là rất cần thiết. Nếu ung thư phổi được phát hiện càng sớm, khả năng điều trị khỏi càng cao", bác sĩ Lợi cho hay.
Cũng theo bác sĩ Lợi, theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, có 10 nhóm đối tượng cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ. Trong đó, người có tiền sử hút thuốc lá, gia đình có người từng mắc bệnh là đối tượng có nguy cơ cao, cần được tầm soát sớm.
Bên cạnh đó, người làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, khói nhang, amiăng), phóng xạ; người mắc ung thư khác hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi…) cũng là nhóm có nguy cơ.
Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện K, chia sẻ trước đây ung thư vú cũng có tỉ lệ bệnh nhân đến muộn như ung thư phổi hiện nay. Tuy nhiên, nhờ các chiến dịch truyền thông, tầm soát ung thư vú, hiện nay 70% người bệnh đã được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Đối với ung thư phổi, nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn đầu thì tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm lên đến trên 80%.
Tuy nhiên, khi phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn thì tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm dưới 5% và chi phí điều trị đắt đỏ.
"Khi phát hiện được ung thư phổi ở giai đoạn sớm, đa số có thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật bằng robot, đem lại hiệu quả điều trị cao hơn, kéo dài thời gian sống khỏe mạnh cho người bệnh", ông Tĩnh thông tin.
Ông Tĩnh cho biết thêm thời gian qua tại Bệnh viện K cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư phổi.
"Vì vậy, khi có các dấu hiệu như ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, giảm cân bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Đặc biệt là những người có nguy cơ như hút thuốc lá, có người thân mắc bệnh…", ông Tĩnh khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận