Chuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên và duy nhất trong ngày từ Hà Nội đi các tỉnh là chuyến xe xuất phát tại bến xe Mỹ Đình đi Cao Bằng trong tối 14-10 với 21 khách - Ảnh: HÀ QUÂN
73 tuyến xe khách hoạt động nhưng 48 tuyến không có khách nào
Theo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, đến ngày 14-10 có 36 sở giao thông vận tải báo cáo về triển khai chạy xe khách liên tỉnh.
Trong đó có 24 sở đã được UBND tỉnh thành đồng ý gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TP.HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang.
Có 12 sở đang chờ UBND tỉnh thành đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hậu Giang.
Từ ngày 13 đến 14-10 đã có 13 tỉnh thành triển khai hoạt động xe khách liên tỉnh với 91 tuyến, 169 chuyến đăng ký hoạt động/ngày. Thực tế hoạt động 73 tuyến, với 81 xe hoạt động/ngày, chở 251 khách.
Trong đó tuyến có nhiều khách nhất là bến xe Yên Bái - Thái Nguyên với 7 xe chở 48 hành khách; tuyến nhiều khách thứ hai là bến xe Miền Đông - phía Nam với bến xe Buôn Ma Thuột với chuyến chở 24 khách; có 2 tuyến Tuyên Quang - Thái Nguyên và tuyến Quỳ Hợp (Nghệ An) - Đà Nẵng chở được 20 khách.
Đáng chú ý có 48 tuyến xe hoạt động với số lượng 1-6 xe/ngày nhưng không có khách nào đi xe, trong đó nhiều tuyến ở vùng không còn dịch như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… Nhiều tuyến xe từ bến xe Miền Đông (TP.HCM) đi các tỉnh cũng không có khách nào. Các tuyến còn lại chở từ 1 đến 12 hành khách.
Vụ Vận tải cho biết hiện nay nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách theo quy định của quyết định số 4800/QĐ-BYT để bố trí, sắp xếp lái và bán vé cho hành khách.
Máy bay hủy chuyến vì 'đói' khách, tàu hỏa đông khách vài ngày đầu
Theo thống kê của Vụ Vận tải, ngày 14-10 các hãng hàng không đã khai thác 12 chuyến bay khứ hồi với 1.843 khách giữa các địa phương.
Trong đó từ TP.HCM thực hiện 10 chuyến bay đến Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nội, Phú Quốc, Gia Lai; từ Hà Nội thực hiện 3 chuyến bay đến TP.HCM, Đà Nẵng, Điện Biên.
Trong ngày có 3 chuyến bay từ TP.HCM đi Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa dời lịch bay do ảnh hưởng của bão số 8.
Đáng chú ý từ ngày 10 đến 14-10 sau 4 ngày khai thác trở lại các đường bay nội địa vẫn xảy ra tình trạng mỗi ngày có đến chục chuyến bay phải hủy vì không có khách, nhu cầu khách ít.
Trong ngày 14-10, các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, Đắk Lắk; từ TP.HCM đi Cà Mau, Rạch Giá; từ Thanh Hóa đi Lâm Đồng không khai thác do nhu cầu hành khách ít.
Với đường sắt, từ ngày 13 đến 20-10, tàu SE8 chạy chiều TP.HCM - Hà Nội đã bán 1.728 vé. Tuy nhiên khách chỉ mua vé nhiều trong các ngày từ 13 đến 16-10 với số lượng từ 400 giảm dần xuống 300 và 200 vé; từ ngày 17 đến 20-10 khách mua từ 136 và giảm đến 70 vé/ngày.
Chiều ngược lại tàu SE5 chạy từ Hà Nội vào TP.HCM bán tổng số 867 vé từ 13 đến 20-10. Số vé bán ra giảm dần theo từng ngày từ 229 vé xuống 114 rồi đến 45, 23, 10 vé/ngày.
Tương tự tàu SE7 chiều Hà Nội - TP.HCM từ 15 đến 20-10 bán ra 878 vé. Số vé chỉ bán nhiều trong những ngày tàu mới chạy từ 349 đến 143 vé/ngày; từ ngày 18-10 chỉ còn 59 đến 21 khách mua vé/ngày.
Tàu SE6 chạy TP.HCM đi Hà Nội từ 15 đến 20-10 bán được 963 vé, ngày cao nhất 276 vé, ngày thấp nhất 105 vé.
Hiện nay tàu chạy, các địa phương có ga đường sắt từ ga Sài Gòn đến Đà Nẵng đều có quy định cách ly tại nhà với hành khách đi tàu 7 ngày theo hướng dẫn tại văn bản số 8399/BYT-MT ngày 6-10 của Bộ Y tế về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch với người từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các địa phương của Bộ Y tế.
Tổng công ty Đường sắt đang chạy 2 đoàn tàu khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến Hà Nội - TP.HCM chạy 2 đoàn tàu và dự kiến chạy 4 đoàn từ ngày 15-10. Tuy nhiên do đang giai đoạn thí điểm tổ chức vận tải hành khách đường sắt nên để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ tổ chức 1 đôi tàu trên tuyến đường sắt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Uông Việt Dũng - phó chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải - cho biết: từ tháng 8-2021, bộ này đã chủ động xây dựng hướng dẫn, xin ý kiến của Bộ Y tế và ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hóa các lĩnh vực liên quan trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Với vận tải hành khách, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến các địa phương, Bộ Y tế, các bộ liên quan để xây dựng và ban hành hướng dẫn vận tải hành khách với hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ ngày 30-9.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xin ý kiến các địa phương, đơn vị liên quan để tổ chức khai thác thí điểm các đường bay nội địa chở khách từ ngày 10-10, khai thác trở lại tàu hỏa chở khách từ ngày 13-10, đề nghị các địa phương thí điểm hoạt động xe khách liên tỉnh từ ngày 13-10.
"Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn triển khai hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách theo các hướng dẫn tạm thời đã ban hành; đồng thời triển khai rà soát, cập nhật những nội dung của nghị quyết 128, hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế cũng như kết quả đánh giá tình hình triển khai giai đoạn thí điểm. Từ đó sẽ sửa đổi, bổ sung vào các kế hoạch, hướng dẫn hoạt động giao thông, vận tải liên tỉnh, lưu thông hàng hóa giai đoạn tiếp theo, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân… thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như tinh thần nghị quyết 128", ông Dũng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận