Chuyến xe khách đi Cao Bằng rời bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) trong cơn mưa lớn tối 14-10 - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông Lý Trường Sơn, giám đốc bến xe Mỹ Đình, chuyến xe khách rời bến này đi Cao Bằng tối 14-10 chính là chuyến xe sáng cùng ngày chở hành khách trở lại Hà Nội sau thời gian bị kẹt ở ngoại tỉnh. Thời điểm này, bến xe Mỹ Đình mới khai thác 1 chuyến xe/ngày giữa Hà Nội với Cao Bằng.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận tối 14-10, nhiều hành khách đã chuẩn bị giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 và khai báo y tế bằng QR Code hoặc bằng giấy trước khi lên xe.
Anh Nguyễn Đình Toàn - một hành khách trên xe - chia sẻ: "Ngay khi biết tin, tôi đã đăng ký một vé đi Cao Bằng công tác. Chuyến xe rất ý nghĩa, tiện lợi vì những ngày trước không có xe khách để đi. Mình thấy giá vé phù hợp dù có tăng hơn so với trước dịch".
Lái xe Trần Tuấn Anh, Hợp tác xã vận tải ô tô số 1 Cao Bằng, cho biết chuyến xe tối 14-10 có 21 khách và 2 lái phụ xe, tất cả đều phải khai báo y tế và tuân thủ khuyến cáo 5K suốt hành trình. Theo anh Tuấn Anh, chuyến xe sẽ đến TP Cao Bằng vào sáng 15-10 với quãng đường trên 300km.
Lái xe kiểm tra giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 của anh Nguyễn Đình Toàn trước khi cho lên xe - Ảnh: HÀ QUÂN
Hành khách ổn định trên xe - Ảnh: HÀ QUÂN
Trước đó vào ngày 13-10, UBND TP Hà Nội đã đồng ý hoạt động thí điểm các tuyến xe khách liên tỉnh từ Hà Nội đi, đến các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La với số chuyến bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được công bố.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đơn vị đã thống nhất với Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La về kế hoạch khai thác xe khách liên tỉnh tới Hà Nội. Theo kế hoạch từ ngày 14-10, tuyến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) - bến xe Cao Bằng, tuyến bến xe Giáp Bát (Hà Nội) - bến xe phía Bắc (Lạng Sơn), tuyến bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) - bến xe TP Sơn La đều diễn ra với tần suất 1 chuyến/tuyến.
Theo ông Nguyễn Tất Thành - giám đốc bến xe Giáp Bát, qua trao đổi với một số nhà xe, điều kiện phòng dịch khắt khe, phát sinh chi phí, hành khách chưa có nhu cầu đi nhiều nên họ chưa muốn khai thác.
Cụ thể là quy định tần suất khai thác xe chỉ được 5% so với bình thường, tài xế, phụ xe phải tiêm 2 mũi và xét nghiệm COVID-19, hành khách cũng xét nghiệm. Mỗi lần xét nghiệm cũng tốn ít nhất 200.000 đồng/người...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận