20/05/2021 11:47 GMT+7

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 4: Ba tỉnh, hai miền và một nước Việt

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4-1976 tại Bình Trị Thiên khác hẳn mọi địa phương trong nước: một cuộc hợp nhất ba tỉnh, hai miền vào một nước Việt thống nhất.

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 4: Ba tỉnh, hai miền và một nước Việt - Ảnh 1.

Kết quả bầu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên được đăng trên báo Dân ngày 11-5-1976 - Ảnh tư liệu

Bởi Bình Trị Thiên năm 1976 là một vùng đất rất đặc biệt. Đó là nơi mà vết cắt chia đôi đất nước kéo dài 20 năm đang bắt đầu hàn gắn.

Vừa bầu cử, vừa hợp nhất

Hầu hết những người tham gia tổ chức cuộc bầu cử năm đó ở Bình Trị Thiên giờ đã khuất núi, chỉ còn vài người và cũng đã già yếu. Ông Nguyễn Trung Chính là một trong số vài người đó, may mắn vẫn khỏe và còn nhớ rõ những gì đã diễn ra vào 45 năm trước.

Ông Chính nguyên là phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1990 - 1991). Vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tháng 4-1976, ông là trưởng Ban bảo vệ Đảng của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên.

"Nếu lúc đó cả nước đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội thống nhất thì ở Bình Trị Thiên còn phải lo thêm một việc nữa, đó là hợp nhất ba tỉnh, hàn gắn vết thương chia cắt đất nước. Vừa hợp nhất, vừa bầu cử", ông Chính nói.

Dù lúc đó (tháng 4-1976) đã có tên tỉnh Bình Trị Thiên, nhưng trên thực tế bộ máy chính quyền của tỉnh vẫn chưa ra mắt, và việc bầu cử của tỉnh nào vẫn tỉnh đó tự lo.

Nếu việc hợp nhất các tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình... ở miền Bắc hoặc các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình... ở miền Nam là việc của một chính phủ, thì hợp nhất của tỉnh Bình Trị Thiên là việc của hai chính phủ.

Vì lúc đó, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh thuộc Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), mà hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN).

Tháng 9-1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động VN ra nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh thành một tỉnh. Tháng 12-1975, Quốc hội VNDCCH giao Chính phủ VNDCCH hiệp thương với Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN chuẩn bị hợp nhất các tỉnh này.

Tháng 2-1976, Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN ra nghị định giải thể - hợp nhất, trong đó có hợp nhất hai tỉnh của miền Nam (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị) với một tỉnh và một khu của miền Bắc (Quảng Bình, Vĩnh Linh) thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Tháng 3-1976, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra đời theo chỉ đạo của Trung ương Đảng Lao động VN. Lúc này, tỉnh mới Bình Trị Thiên đã có bộ máy của Đảng nhưng vẫn chưa có bộ máy chính quyền, và cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất của hai miền đã diễn ra tại Bình Trị Thiên khi mà hai chính phủ vẫn chưa chính thức hợp nhất. Đó là bối cảnh đặc biệt của cuộc bầu cử ở vùng đất khói lửa này.

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 4: Ba tỉnh, hai miền và một nước Việt - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên ngày hợp nhất ba tỉnh - Ảnh tư liệu

Một tỉnh, hai chính phủ

Vào thời điểm đó, tháng 4-1976, dù đã có quyết định hợp nhất, nhưng về phương diện pháp lý thì tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh vẫn còn là địa phương của nước VNDCCH, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vẫn thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN.

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội là người của nhiều tổ chức: Đảng Lao động VN, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc - dân chủ - hòa bình... Trong khi các văn bản bầu cử ở khu vực 1 (Quảng Bình) được đóng dấu VNDCCH thì ở khu vực 3 (Thừa Thiên Huế) đóng dấu CHMNVN.

Cuộc bầu cử được tổ chức thành ba khu vực. Khu vực 1 gồm tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh với 9 ứng cử viên, bầu chọn 6 đại biểu. Khu vực 2 là tỉnh Quảng Trị với 6 ứng cử viên, bầu chọn 4 đại biểu. Khu vực 3 là tỉnh Thừa Thiên Huế có 13 ứng cử viên, bầu chọn 9 đại biểu.

Kết quả đã bầu chọn được 19 đại biểu, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng chính phủ VNDCCH, ông Trần Hữu Dực - viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao VNDCCH, giáo sư Tôn Thất Tùng - giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), hòa thượng Thích Đôn Hậu - ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên có đến 19 đại biểu, đã bầu ông Cổ Kim Thành - phó bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên - làm trưởng đoàn.

Hai tháng sau bầu cử, CHMNVN và VNDCCH chính thức hợp nhất thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI, từ ngày 24-6 đến 3-7-1976.

"Hồ hởi và phấn khởi"

Ông Ngô Tuệ ở 30 Đặng Trần Côn, TP Huế vẫn còn nhớ rất rõ ngày bầu cử của 45 năm trước. Năm đó, ông Tuệ 44 tuổi, nguyên là chuyên viên viễn thông của Bưu điện Huế. Buổi sáng chủ nhật 25-4-1976, Huế rộn ràng cờ hoa và xe cổ động chạy khắp thành phố. Ông Tuệ đến bỏ phiếu ở điểm bầu cử của phường Thuận Hòa nằm trên đường Lê Huân, ngay sát cạnh Đại nội Huế.

Ông Tuệ kể rằng lúc đó người ta đi bầu rất đông, không khí vui tươi, phấn khởi lắm. "Hòa bình, thống nhất thật sự rồi nên ai cũng vui. Ai cũng hi vọng bầu được người đại diện ở Quốc hội thống nhất của cả nước. Không khí lúc đó vui thật sự", ông Tuệ nói.

Ông Nguyễn Trung Chính lúc đó là phụ trách công tác an ninh nên phải lo bảo vệ việc bầu cử. Ông nói ai cũng nghĩ việc bảo đảm an ninh cho bầu cử lúc đó khó khăn lắm, nhưng hóa ra mọi việc rất ổn vì các lực lượng chống đối đã im tiếng, trong khi phần đông dân chúng thì đang rất vui với hòa bình, thống nhất. Người dân đều đã mệt mỏi với chiến tranh và chia cắt nên hòa bình, thống nhất là điều mà không ai không mong muốn.

Ông Chính nói lúc mới ký xong Hiệp định Geneve, ai cũng nghĩ sẽ có cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào năm 1956 theo như hiệp định. Vậy mà phải 20 năm sau mới có cuộc bầu cử này, mà lại đi bầu mà trong cảnh hòa bình thật sự. "Vì vậy, dân chúng hồ hởi và phấn khởi đi bầu cử là phải thôi", ông Chính nói.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên có 19 đại biểu (được bầu chọn từ 28 ứng cử viên) là một trong vài đoàn đông nhất khóa VI (1976 - 1981). Ngoài các đại biểu nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Tôn Thất Tùng, hòa thượng Thích Đôn Hậu, còn có Phó thủ tướng Hoàng Anh (sau đó làm tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN), viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Trần Hữu Dực, nữ nhân sĩ Nguyễn Đình Chi - ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN...

Người duy nhất trong đoàn đại biểu Quốc hội khóa VI của Bình Trị Thiên khu vực Thừa Thiên Huế vẫn còn sống đến tận hôm nay, đó là Hồ Đức Vai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hồ Đức Vai là người dân tộc Pako ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), thường gọi là Anh hùng Vai. Khi ra ứng cử (1976), Anh hùng Vai mới 26 tuổi, trợ lý dân quân Tỉnh đội Thừa Thiên Huế. Sau đó, ông Vai tiếp tục giữ nhiều nhiệm vụ: chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện A Lưới, trưởng ban dân vận huyện ủy, chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới cho đến khi nghỉ hưu. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

***************

Tổ bầu cử đặt ở đầu các con kênh, rạch. Dân trong rừng sâu được ghe xuồng đưa đón. Cuộc bầu cử đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất tại cực Nam Tổ quốc đã diễn ra một cách rất đặc thù.

>> Kỳ tới: Ngày hội non sông nơi cuối đất

45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 3: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội 45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 3: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội

TTO - Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, đại biểu hai miền gặp nhau rưng rưng xúc động, tặng nhau những món quà, chụp chung tấm hình kỷ niệm. 45 năm sau, cô công nhân Hoa Thị Xuân vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động ở nghị trường.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên