19/05/2021 10:38 GMT+7

45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 3: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, đại biểu hai miền gặp nhau rưng rưng xúc động, tặng nhau những món quà, chụp chung tấm hình kỷ niệm. 45 năm sau, cô công nhân Hoa Thị Xuân vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động ở nghị trường.

45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 3: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh (giữa) hỏi thăm sức khỏe các đại biểu bên hành lang Quốc hội, bà Hoa Thị Xuân đứng thứ ba từ trái sang - Ảnh: HÀ THANH chụp lại

"Ngồi đồng bàn" với những lãnh đạo cấp cao, bà đã mạnh dạn, kịp thời truyền đạt trực tiếp ý kiến, nguyện vọng của tầng lớp công nhân.

Nữ đại biểu Quốc hội mặc áo công nhân

"Từ già đến trẻ, ai cũng chỉ có một ước mong là sớm giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước. Hồi ấy, chúng tôi khỏe lắm, may nhà bạt, balô, túi đựng súng... cho bộ đội. 

Nhớ nhất là may quân trang quân dụng phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 đến 2h sáng mới về ăn cơm, nghỉ một chút là ngày hôm sau tiếp tục công việc. Ngày đài phát tin thắng lợi, cả phân xưởng reo hò mừng vui, xí nghiệp được thưởng một con bò liên hoan, phấn khởi lắm". 

Hồi ức dội về, bà Hoa Thị Xuân (79 tuổi, nguyên là công nhân Xí nghiệp may X40) xúc động nhớ những năm tháng cùng chị em dốc sức may quân trang quân dụng kịp thời chuyển vào chiến trường.

"Ngày không giờ, tuần không thứ", kế hoạch giao về bao nhiêu, tổ sản xuất tổ lao động XHCN (Xí nghiệp may X40 thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội) của bà Xuân đều hoàn thành vượt mức bấy nhiêu.

Bà bộc bạch ở một xí nghiệp may quân trang quân dụng phục vụ cho quốc phòng, vấn đề chất lượng được đặt lên hàng đầu. 

Là tổ trưởng tổ sản xuất tổ lao động XHCN, bà Xuân thường tuyên truyền chị em phải đặt lương tâm nghề nghiệp lên hàng đầu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, kịp thời hoàn thành vượt mức chỉ tiêu gửi vào phục vụ chiến trường. 

"Khẩu hiệu của phân xưởng là: "Chiến trường cần bao nhiêu, chúng tôi xin sẵn sàng", chúng tôi làm không quản ngày đêm, vất vả nhưng vui. Ngày ấy làm miệt mài quên ngày đêm, các bác sĩ mang từng chai nước canhkina đến tận bàn máy may động viên công nhân uống lấy sức để làm tiếp", bà Xuân nhớ lại.

Chồng đang đi học, may mắn ở nhà có mẹ đỡ đần cơm nước, chăm sóc ba đứa con còn nhỏ, nên hầu hết thời gian bà đều ưu tiên cho công việc. Không quản ca kíp, hễ có máy may nào trống là bà Xuân lại đến phân xưởng làm việc. 

Vừa làm, bà còn tranh thủ thời gian vác loa đi các tổ sản xuất tuyên truyền về chiến thắng ở các mặt trận, tuyên truyền về thành tích của các tổ để khích lệ tinh thần thi đua sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch trong chị em công nhân.

Suốt 7 năm, cô công nhân Hoa Thị Xuân đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp xí nghiệp.

Năm 1975, Sở Công nghiệp Hà Nội được phân 1 chỉ tiêu đại biểu công nhân và giao về cho Xí nghiệp may X40 giới thiệu lên. 

Từ tổ sản xuất, phân xưởng lên đến xí nghiệp đều nhất trí giới thiệu cô công nhân Hoa Thị Xuân ứng cử đại biểu Quốc hội. 

Năm 33 tuổi, cô công nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khóa V (1975 - 1976). Sau ngày đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc, cô tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981).

"Có lẽ lao động sản xuất tích cực, là chiến sĩ thi đua nhiều năm nên mình được tin tưởng, từ tổ sản xuất, phân xưởng, xí nghiệp giới thiệu lên. 

Vừa vui nhưng cũng vừa lo vì trình độ văn hóa của mình chưa cao, mới chỉ học hết bổ túc lên lớp 10 không biết có làm được không? Nhưng mình luôn cố gắng làm "cây cầu" mang tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của công nhân lên đến Quốc hội", nữ đại biểu Quốc hội giai đoạn lịch sử bày tỏ.

45 năm sau ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, cô công nhân vẫn chẳng thể quên được "một Hà Nội tưng bừng cờ hoa rực rỡ". 

Nhớ nhất là trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, đại biểu hai miền gặp nhau rưng rưng xúc động, tặng nhau những món quà, chụp chung tấm hình làm kỷ niệm. 

"Bây giờ nhớ lại không có từ nào phù hợp để diễn tả hết. Đại biểu hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM chụp ảnh chung, được chụp chung với bác Nguyễn Hữu Thọ. Gặp nhau ai cũng phấn khởi tay bắt mặt mừng, đất nước thống nhất, cùng chung một nhà", bà Xuân xúc động nhớ lại.

45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 3: Cô công nhân làm đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Bà Hoa Thị Xuân cùng chồng xem lại bức hình khi còn là đại biểu Quốc hội - Ảnh: HÀ THANH

Tiếng nói từ công nhân

Trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa VI có đầy đủ cơ cấu thành phần công nhân - nông dân - trí thức. Đại diện cho tiếng nói của công nhân thủ đô, bà Xuân nói mới đầu được "ngồi đồng bàn" họp với những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước thời điểm đó như Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thì thấy "run run, hồi hộp". 

Bà kể trước mỗi cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đều ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, tạo bầu không khí thân tình, dễ chịu cho các đại biểu.

"Là một đại biểu công nhân được ngồi gần các vị lãnh đạo đất nước thì phấn khởi lắm, trong lòng rất vui. Không phân biệt đẳng cấp, các vị lãnh đạo luôn quý mến, trân trọng và lắng nghe trực tiếp ý kiến, tiếng nói từ công nhân, lắng nghe tiếng nói từ đại diện nông dân như chị Kim Anh - năm ấy mới 18 tuổi (đại biểu Lê Thị Kim Anh, xã viên chăn nuôi Hợp tác xã nông nghiệp thôn Cam, xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội - PV). 

Đặc biệt nhất là trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI, những đại biểu công nhân, nông dân được vinh dự trao đổi ý kiến với những lãnh đạo cao nhất của đất nước về vấn đề đổi tên nước, quyết định quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của đất nước Việt Nam thống nhất", bà Xuân tâm tình.

Với vai trò là nữ đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp, bà Hoa Thị Xuân luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, phản ảnh trung thực tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của công nhân đối với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời phản ảnh về chế độ, chính sách của công nhân ở thời điểm đó.

"Suy nghĩ từ một người công nhân có cái tâm tốt rồi, nhưng làm sao mở rộng được tầm nhìn? Do đó, tôi luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với việc tập thể tin tưởng giao cho mình. Tôi luôn phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, rèn tư duy để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là "cây cầu" nối liền giữa dân với Đảng, nối liền nguyện vọng, tha thiết của người dân", bà Hoa Thị Xuân quả quyết.

Từ vị trí tổ trưởng tổ sản xuất tổ lao động XHCN, về sau bà được đề bạt lên làm phó quản đốc xưởng 1 của Xí nghiệp may X40. Bà được cử đi học Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ra trường, bà được phân công về Ủy ban kiểm tra Quận ủy Đống Đa và tiếp tục được cử đi học. 

Đến năm 1983, bà Xuân được cử làm bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Trãi và công tác ở đây suốt 10 năm liền. Đến năm 1993, bà được phân công về Ban tổ chức Quận ủy Đống Đa và về hưu năm 1997.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Xuân nhớ nhất một bức thư được gửi từ miền Nam xa xôi khi nhìn thấy tên bà trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa VI. 

Trong thư, người viết bày tỏ xúc động vì tìm lại được cội nguồn, dòng họ và bày tỏ niềm vinh dự vì dòng họ của mình có một nữ đại biểu của nhân dân. Sau này khi có dịp được vào miền Nam công tác, bà Xuân đã đến thăm, tìm gặp người viết bức thư ấy.

Hãy cố gắng để đất nước ngày càng phồn thịnh

"Tôi chỉ có một nguyện vọng là đại biểu Quốc hội phải có "cái tâm, cái tầm", có tầm nhìn rộng ra thế giới. Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội trúng cử khóa tới có những chương trình hành động nào thì cố gắng thực hiện tốt điều đó, để đưa đất nước ngày càng phồn thịnh", bà Hoa Thị Xuân mong muốn.

--------------------------------

Bình Trị Thiên năm 1976 là vùng đất rất đặc biệt, nơi vết cắt chia đôi đất nước kéo dài 20 năm bắt đầu hàn gắn. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4-1976 ở nơi này cũng khác hẳn mọi địa phương trong nước: hợp nhất ba tỉnh, hai miền vào một nước Việt thống nhất.

Kỳ tới: Ba tỉnh, hai miền và một Tổ quốc

45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 2: Nữ đại biểu miền giới tuyến 45 năm, cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 2: Nữ đại biểu miền giới tuyến

TTO - Quốc hội khóa VI, nhiệm kỳ 1976 -1981 mang một ý nghĩa đặc biệt khi hai miền Bắc-Nam đã quy về một mối. Trong ý nghĩa đó, kỳ bầu cử ở Quảng Trị càng đặc biệt bởi mảnh đất vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước đằng đẵng hơn 20 năm.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên