Trực thăng có mặt và cứu 6 người cuối cùng trên tàu bị nạn vào bờ sáng 11-10 - Ảnh: QUỐC NAM
9h20 sáng 11-10, những ngư dân mắc kẹt trên tàu hàng Vietship 01 sau khi ra cứu hộ đã được trực thăng và đặc công nước cứu thành công và đưa vào bờ.
Anh Đặng Văn Nghị, 33 tuổi, ngụ xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là 1 trong 6 thuyền viên cuối cùng của tàu Vietship 01 được trực thăng cứu hộ đưa khỏi tàu bị nạn. Sau khi lên bờ, anh cùng các thuyền viên được sơ cứu rồi đưa thẳng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị điều trị.
Mới 33 tuổi, còn trẻ và khỏe nhưng khuôn mặt anh khô tóp sau bốn ngày đói khát giữa biển. Kể về gần 70 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió giữa biển, anh vẫn ứa nước mắt, như đếm được từng thời khắc mình vừa trải qua.
Sống bằng... tinh thần
Nói thều thào vì cổ họng khàn đặc sau nhiều ngày đầm mình giữa mưa và gió rét, anh Nghị kể tàu hàng của anh gặp vòng xoáy mạnh quá nên bị trôi ra chỗ phao số 0 từ bốn ngày trước.
Sau khi húc vào một bãi đá, tàu xốc lên rồi mắc kẹt ở vị trí cách bờ khoảng vài trăm mét. Sóng gió dồn dập liên hồi, những người trên tàu cố bám vào song sắt rồi nhoi người lên nhìn vào bờ.
"Nhìn thấy mọi thứ trong bờ rõ lắm nên không ai trên tàu có thể tưởng tượng ra những ngày sống trong tận cùng khổ ải sau đó", anh Nghị kể.
Sau vài chục phút, những người trên tàu bắt đầu bình tĩnh lại suy tính. Càng suy tính càng ớn lạnh.
Vị trí tàu bị mắc kẹt nằm ngay sát bãi đá hệ thống kè ở cửa biển. Sóng biển càng lúc càng cao. Nước lũ cuồn cuộn từ cửa biển liên tục đổ ra. Nguy cơ tàu bị nhấn chìm rõ dần lên từng phút. Nhưng ai cũng cố trấn tĩnh chờ cứu hộ.
Sắp hết ngày đầu tiên, bóng tối ập đến. Trời vẫn mưa và gió quần quật không ngớt. Các phương án cứu hộ chưa thể triển khai vì sóng gió. Đó là lúc những thuyền viên trên tàu bắt đầu thấy cái đói và cái khát cận kề.
Anh Nghị nói tàu bị cuốn trôi bất ngờ nên trên tàu không có thực phẩm hay nước uống. Là tàu chở hàng nên khu cabin rất nhỏ. 12 thuyền viên ai cũng bị mưa gió ướt từ đầu đến chân.
"Không có thức ăn. Không có nước uống. Lạnh kinh người. Đói quặn ruột. Gió thốc tới là anh em phải nghiến chặt răng và gồng mình lại để chống chọi", anh Nghị vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại.
Ngày thứ 2 trên biển, ai cũng kiệt quệ vì đói khát và giá rét. Hai người khỏe mạnh nhất nhảy xuống biển để bơi vào khi có lực lượng cứu hộ ra tiếp ứng ở bờ. Hai người này may mắn bao nhiêu thì 10 người còn lại ở trên tàu càng kiệt quệ bấy nhiêu.
Sau một ngày đêm, không ai còn sức lực để tin mình có thể bơi vượt qua được những con sóng cao đến vài mét. Tất cả chỉ biết bấu chặt vào những thanh sắt trên tàu và hi vọng.
Trên tàu, nơi cao nhất là ống khói. Giữa sóng gió, con tàu càng lúc càng chìm dần. Những người trên tàu cố gồng để trèo lên trên vị trí ống khói nhìn thấy bờ. Thấy bờ là còn thấy hi vọng.
Đến chập tối ngày thứ hai, 2 thuyền viên là Nguyễn Duy Đông và Nguyễn Văn Huy bất ngờ bị sóng đánh rơi xuống biển. Những người trên tàu hiểu rủi ro này có thể đến với bất kỳ ai trong số những người còn bám trụ.
Đêm thứ hai trên biển dài vô tận. Cái đói, cái khát và cái rét đã chạm thấu tim. Dù cũng có lúc rùng mình khi hình dung ra tình huống xấu nhất, nhưng anh em trên tàu cố động viên nhau cố gắng.
"Đói lắm, khát lắm nhưng chỉ biết động viên nhau gắng cầm cự. Những ngày đó chúng tôi chỉ biết sống bằng tinh thần. Nhờ tinh thần mà chúng tôi vượt qua để chờ đến lúc được cứu", anh Nghị nói.
Một người trên tàu được lực lượng cứu hộ đặc công đưa vào bờ theo dây néo và phao - Ảnh: QUỐC NAM
Nhìn vào bờ tìm hi vọng
Ngày thứ ba trên biển với những thuyền viên này là ngày xuống tinh thần nhất. Không phải chỉ vì đói và khát nữa mà vì thấy những nỗ lực cứu hộ từ phía bờ chưa có hiệu quả.
Sáng ngày thứ ba, một chiếc tàu cá chở 4 ngư dân vượt sóng lao ra tiếp cận tàu bị nạn để cứu hộ, nhưng ra gần tới tàu cá bị sóng đánh chìm luôn. Một ngư dân bơi được vào bờ. 3 ngư dân mắc lại trên tàu Vietship 01 cùng với các thuyền viên.
Vẫn không có gì ăn, không có gì uống, không có gì ấm để chống lại những đợt gió rét.
Anh Nghị kể ngồi trong cabin gần ống khói rất nguy hiểm. Vị trí ống khói cao, sóng đánh cuộn lên là người ngồi trong bị nhấc bổng lên không ai biết văng đi đâu. Nhưng vừa đói vừa rét, lại dầm mưa ướt mấy ngày liên tục, nên những thuyền viên thay nhau chui vào cabin để ngồi cho đỡ lạnh.
Cabin nhỏ, không đủ chỗ cho tất cả cùng ngồi nên phải thay nhau.
Đến trưa ngày thứ ba, người dân tập trung rất đông trên bờ để theo dõi việc cứu hộ. Anh Nghị nói anh đã ứa nước mắt khi nhìn thấy cảnh này mà không biết vì sao. "Có lẽ đó là hình ảnh của hi vọng. Tôi thấy họ rất gần mình. Tôi càng tin họ sẽ có cách cứu được mình".
Bởi thế nên trời tối là khi những thuyền viên trên tàu ám ảnh nhất.
Anh Trần Xuân Cường, một trong bốn ngư dân trên tàu cứu hộ ra cứu những thuyền viên bị nạn trên tàu Vietship 01 và cũng bị mắc kẹt cùng các thuyền viên một ngày một đêm, nói có ở trên tàu này mới biết không đơn giản để vượt qua mấy ngày đêm ở đó.
Anh Cường mắc kẹt lại trên tàu từ sáng 10-10 đến sáng 11-10. Một đêm trên tàu đủ để anh thấm thía những gì các thuyền viên vừa trải qua. Nhất là nỗi ám ảnh của bóng tối.
"Bỗng nhiên mọi thứ xung quanh đen kịt. Những người trên tàu thôi cũng khó nhìn thấy nhau. Ai cũng mong trời sáng. Ánh sáng lúc ấy đồng nghĩa với hi vọng. Dù đói dù rét nhưng vẫn mong muốn được nhìn thấy người trong bờ. Còn thấy người trong bờ là còn hi vọng được cứu", anh Cường nói.
Sau khi được cứu thành công, anh Nghị đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - Ảnh: QUỐC NAM
Nhận hàng từ trực thăng mà không biết có thức ăn
Chập tối 10-10, trực thăng đã có mặt tại vị trí tàu bị nạn và thả hàng tiếp tế gồm dây, phao và thức ăn kèm nước uống xuống cho những người trên tàu. Tuy nhiên, theo anh Nghị, những người trên tàu đến sáng mai mới biết trong gói hàng có thức ăn.
Khi phát hiện được thức ăn và nước uống, những người trên tàu mừng phát khóc rồi phân phát cho nhau ăn nhanh uống nhanh. Nhanh đến mức ăn uống như để sinh tồn chứ không còn cảm giác gì khác.
"Khi máy bay thả hàng xuống chúng tôi tưởng chỉ có phao và dây nên chia nhau buộc dây vào tàu rồi thôi. Đến sáng mai lại mới biết có thức ăn và nước uống ở đó", anh Nghị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận