30/07/2021 12:07 GMT+7

'3 tại chỗ' vì sao nhiều ca F0, doanh nghiệp phải dừng sản xuất?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Không đủ nguồn lực triển khai, quy trình kiểm soát dịch khó khăn do nguồn lây 'bủa vây' khiến nhiều doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' trở thành nơi lây lan dịch bệnh với tốc độ chóng mặt.

3 tại chỗ vì sao nhiều ca F0, doanh nghiệp phải dừng sản xuất? - Ảnh 1.

Có tới 90% trong các ngành sản xuất lớn đã phải dừng hoạt động do áp dụng "3 tại chỗ" có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh - Ảnh: H.B.A.

Doanh nghiệp quy mô lớn khó '3 tại chỗ'

Một doanh nghiệp sản xuất da giày chia sẻ dù đã thu hẹp quy mô nhà máy để có chỗ trống, song doanh nghiệp cũng không thể bố trí đủ điều kiện để người lao động nghỉ lại trong thời gian dài, đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý an toàn…

Có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày - túi xách, gỗ mỹ nghệ tại phía Nam đã phải dừng hoạt động vì nhiều doanh nghiệp có các ca nhiễm F0 tăng mạnh.

Việc triển khai "3 tại chỗ" được kỳ vọng là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, vừa chống dịch vừa sản xuất, nhưng với các doanh nghiệp phía Nam, điều này không đơn giản.

"Công nhân khó ăn ở tập trung, sống trong điều kiện thiếu thốn, rủi ro lây nhiễm chéo rất lớn nên tạo áp lực và tâm lý lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phía Nam đều có quy mô rất lớn, lên tới vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn công nhân" - doanh nghiệp này nói.

Một công ty lớn là thành viên của EuroCham tại Đồng Nai cho hay, khi phát hiện ca F0 đầu tiên, cả tuần doanh nghiệp này "kêu cứu" nhưng lực lượng y tế quá tải.

Số ca nhiễm tiếp tục tăng trong nhà máy, nhận thấy tình hình nguy cấp, doanh nghiệp phải nhờ tiếng nói của hiệp hội kiến nghị lên UBND tỉnh mới được hỗ trợ đưa công nhân đi cách ly.

Để chuẩn bị cho "3 tại chỗ", một nhà máy sản xuất quần áo đã thực hiện test sàng lọc cho toàn bộ công nhân làm việc. Khi 100% công nhân âm tính, doanh nghiệp mới hoạt động.

Tuy vậy, sau hơn 10 ngày sản xuất, một phân xưởng phát hiện ca dương tính, qua test nhanh ghi nhận thêm gần 20 ca. Công ty buộc phải dừng sản xuất để tìm nguyên nhân thì phát hiện do có công nhân mua đồ bên ngoài và người bán là F0.

Chỉ sản xuất khi đã an toàn

Cách đây hơn 1 tháng, Bắc Giang và Bắc Ninh triển khai '3 tại chỗ' cũng trong bối cảnh dịch phức tạp. Tuy vậy, mô hình đã được triển khai thành công ở 2 tỉnh này, đến nay cơ bản kiểm soát được ca F0 và 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho rằng cách thức áp dụng '3 tại chỗ' của mỗi địa phương khác nhau là nguyên nhân quyết định cho hiệu quả mô hình này.

Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp chỉ được áp dụng '3 tại chỗ' khi tình hình dịch đã kiểm soát được phần nào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực.

Thực tế ngay khi dịch xảy ra, tỉnh này cũng phải chấp nhận cho công nhân nghỉ làm, nhà máy dừng sản xuất để ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là dập dịch, kiểm soát nguồn lây.

"Khi dịch cơ bản kiểm soát ổn định mới tính đến sản xuất. Mọi bước đi đều làm thận trọng, đáp ứng đủ điều kiện mới cho vận hành" - ông Ngọc nói thêm là các khu công nghiệp phía Bắc có điều kiện thuận lợi hơn là mức độ tập trung (nhà máy, công nhân) cao hơn.

Tại các tỉnh phía Nam, cách áp dụng '3 tại chỗ' lại ngược lại. Bởi khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng '3 tại chỗ' gặp rất nhiều rủi ro.

Ông Ngọc cho biết bài học của Bắc Giang là "chỉ sản xuất khi đảm bảo an toàn", trên cơ sở xây dựng các bộ tiêu chí về sản xuất, nhà ở cho công nhân phù hợp với địa bàn.

"Quan trọng là phải đánh giá được mức độ dịch trong khu công nghiệp, nhà máy, trên cơ sở xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc trong khu công nghiệp để từ đó đưa ra giải pháp", ông Ngọc nói.

Theo cách này, Bắc Ninh đã dồn mọi lực lượng để thực hiện kiểm tra dịch tễ cho trên 132.000 lao động chỉ trong 5 ngày. 

Sau khi đảm bảo các điều kiện '3 tại chỗ', công nhân được vào nhà máy đi làm, nhưng sẽ phải kiểm tra xét nghiệm tầm soát liên tục để phân loại tiếp, dần dần mới tăng công suất.

Giảm tải ăn, ở tại nhà máy

Cùng với giải pháp trên, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Bắc Giang triển khai mô hình nhà trọ an toàn và "hai điểm đến, một con đường" để giảm tải cho việc ăn, ở tại nhà máy.

Theo đó, công nhân chỉ được di chuyển từ nhà máy đến nơi ở bằng xe cá nhân hoặc xe đưa đón đã được cấp phù hiệu, có mã QR xe vận tải để có thể truy vết.

Công nhân được yêu cầu chỉ ở nhà và đi làm, thực hiện 7 ngày tầm soát, có sự hỗ trợ cung ứng lương thực thực phẩm. Các khu nhà trọ an toàn cũng được xây dựng với các tiêu chí riêng, yêu cầu công nhân đang ở trọ sẽ ở tại các khu nhà trọ an toàn.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), cần sớm triển khai tiêm vắc xin cho người lao động. Với chi phí chống dịch như thực hiện xét nghiệm, công nhân ăn ở tại chỗ, doanh nghiệp phải tiêu tốn rất nhiều nhưng nguy cơ rủi ro vẫn rất lớn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể kéo dài, nên việc đẩy mạnh tiêm vắc xin được xem như giải pháp căn cơ, bền vững nhất hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp Nhiều doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở Bình Dương ngưng hoạt động vì ca F0

TTO - Mặc dù rất muốn thực hiện 'mục tiêu kép' nhưng khi triển khai '3 tại chỗ', nhiều doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 trong nhà máy.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên