Bồi hồi nhớ về quãng thời gian học THPT, Hương Lan - cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng - khẳng định cô chưa từng đặt nặng vấn đề vật chất khi chuẩn bị quà cho thầy cô trong ngày nhà giáo.
Tặng mỗi thầy cô bộ môn một bài hát
“Tôi nhớ Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm học lớp 12 là vào một ngày giữa tuần. Lúc đó không có tiết chủ nhiệm nên lớp tôi có hẹn qua thăm và chúc cô sau giờ học. Còn lại, chúng tôi quyết định thiết kế những lời chúc riêng biệt trên bảng và tặng cho mỗi thầy cô bộ môn một bài hát. Chúng tôi luôn muốn tri ân tất cả những thầy cô đã từng dạy mình, chứ không chỉ dừng lại ở việc thầy cô đó có chủ nhiệm lớp tôi hay không” - Lan xúc động kể lại.
Theo Lan, cả lớp sẽ canh giờ chuyển tiết, cử những bạn có hoa tay lên vẽ những câu slogan đậm chất môn học của thầy cô bộ môn. Sau đó, tất cả sẽ đồng thanh hát bài đã được thống nhất từ trước khi đứng chào giáo viên đầu giờ, cuối cùng kết lại bằng câu “chúng em xin chúc thầy/cô 20-11 vui vẻ ạ”.
Còn đối với Thảo Nguyên - cựu học sinh THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An - ngày 20-11 như là một ngày kỷ niệm khó quên của cô với cô giáo cũ.
Nguyên tâm sự trước đây hình ảnh của cô giáo chủ nhiệm trong mắt cả lớp rất nghiêm khắc, cô luôn nghiêm túc phê bình những vi phạm của học sinh, không có ngoại lệ. Vì vậy, dường như giữa cô trò đã có một khoảng cách nhất định trong suốt khoảng thời gian đầu năm.
Đến gần ngày 20-11, cả lớp quyết định mỗi người sẽ viết một tờ giấy nhỏ tổng hợp lại thành một lá thư, sau đó gửi tặng cô giáo. “Giờ giải lao hôm đó, tôi tình cờ thấy cô ngồi trên bàn đọc từng mảnh giấy và rưng rưng nước mắt. Tôi không biết các bạn khác có để ý thấy điều đó hay không, cũng như nhận ra thái độ nghiêm khắc đó là để cả lớp có kỷ luật tốt cho kỳ thi quan trọng sắp đến. Với tôi, hình ảnh kia đã khắc ghi trong tôi đến nay”, Nguyên nói.
Bức chân dung tặng thầy
Với Hương Lan, thông qua ba lần đón lễ 20-11 cùng lớp, cô nhận thấy thầy cô nào trong trường cũng đáng được tri ân và nhận được sự quan tâm của học trò vào ngày của mình.
“Theo tôi, ngày 20-11 chỉ là một dịp để học sinh có cơ hội bày tỏ những tình cảm, sự biết ơn của mình đối với thầy cô giáo. Tôi để ý được rằng cứ mỗi lần gặp các thầy cô trong trường, kể cả thầy cô giám thị và chúc họ ngày 20-11 vui vẻ, tôi cảm thấy họ rất vui mặc dù có lẽ họ cũng không nhớ tôi là ai. Sau này khi lớn lên và nhìn lại, tôi nghĩ rằng đó mới là cốt lõi của ngày tri ân này”, Lan chia sẻ.
Đỗ Đoan Trang - cựu học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) - cho biết lớp cô đã chuẩn bị một món quà vô cùng đặc biệt để dành tặng thầy chủ nhiệm - một bức tranh thủ công đính bằng gạo.
“Lớp chúng tôi thích làm đồ thủ công tặng thầy cô hơn là đi mua. Đồ thủ công vừa có thể thỏa sức làm theo ý riêng, lại vừa độc nhất vô nhị chẳng có cái thứ hai trên đời. Để hoàn thành bức tranh này, cả lớp đã phải chia nhau ra nhặt từng hạt gạo ghép vào tranh nhưng ai nấy đều cảm thấy thành quả này vô cùng xứng đáng”, Trang nói.
Tri ân bằng tấm lòng
Thầy Bạch Trọng Nhân - giáo viên Trường THPT Gia Định - người nhận được bức tranh đính bằng gạo - kể rằng thầy rất bất ngờ khi nhận được món quà này.
“Tôi hiểu rằng các em đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian vào món quà nên tôi vô cùng trân trọng. Đến nay bức tranh đó vẫn luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Giá trị của món quà không phải ở chỗ đắt tiền hay không mà nằm ở tấm lòng của các em và cách đón nhận của thầy cô.
20-11 nào các em cũng làm mình bất ngờ với những món quà vô cùng quý giá như bức tranh trên. Chỉ có tình cảm yêu thương thật sự thì mới tạo ra những món quà vô giá ấy”, thầy Nhân chia sẻ.
Cô Hải My - giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - cho rằng bản thân cô mãi ấn tượng về cách chúc của những học sinh cá biệt: “Từ khi đi dạy đến giờ, khó quên nhất với tôi chắc là các bạn từng đạt hạnh kiểm không tốt. Các bạn ấy không hoa, không quà gì cả, nhưng đến cuối ngày lại nhắn cho tôi rằng “cảm ơn cô vì đã chịu đựng sự ngỗ nghịch của em, cảm ơn cô vì đã không ghét em và cố gắng động viên em học”.
Sau này các bạn ấy mỗi người mỗi ngả, có bạn ra đời đi làm sớm, ấy vậy mà gặp lại vẫn tiếng dạ thưa, vẫn lịch sự hỏi thăm và kiếm một chỗ đứng an toàn cho tôi để khỏi bị xô đẩy (lúc đó tôi đang cùng gia đình đi xem múa lân). Tôi vô cùng xúc động”, cô My tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận