10/08/2014 08:38 GMT+7

​Một “Seoul” thu nhỏ

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Theo nhiều nguồn tư liệu, tại TP.HCM ban đầu người HQ tập trung trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) hình thành nên phố Hàn đầu tiên khoảng vài trăm hộ.

“Annyeong-haseyo” gần đây là một câu chào phổ biến đối với không ít bạn trẻ VN. Câu chào tiếng Hàn Quốc (HQ) này là một minh chứng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa HQ đến xã hội VN hiện nay, mà trước tiên và rõ rệt nhất là hình ảnh cộng đồng HQ đang âm thầm sinh sôi giữa Sài Gòn.

Theo ước tính của Lãnh sự quán HQ, cư dân HQ sinh sống ở VN lên đến 100.000 người. Đây là cộng đồng HQ ở nước ngoài lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Người Hàn ở phía Nam khoảng 70.000-80.000, phần lớn tập trung ở TP.HCM.

ImageView.aspx?ThumbnailID=724785
Trẻ em Hàn đi bộ trên phố Phú Mỹ Hưng. Bên trái là bệnh viện Hàn Quốc - Ảnh: Q.TR.

Ngoài ra còn có nhiều phố Hàn khác nhưng quy mô nhỏ hơn ở khu Super Bowl và khu K300 cũng ở quận Tân Bình.

Nhưng Phú Mỹ Hưng là nơi người Hàn tập trung đông nhất. Một tối trung tuần tháng 7 tôi và Tae Sung, cậu sinh viên HQ mới sang VN, hẹn nhau đi khám phá phố Hàn Phú Mỹ Hưng về đêm.

Lạc vào phố Hàn

Trả lời Tuổi Trẻ, Tổng lãnh sự Oh Jae Hack cho biết người HQ đã đến TP.HCM và các tỉnh lân cận kinh doanh trước khi VN và HQ chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Đến giữa năm 2000 thì mở rộng đến các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Vũng Tàu và các tỉnh miền Trung. Cư dân HQ sinh sống ở Q.7 (TP.HCM) ước tính trên dưới 20.000 người. Ban đầu người HQ đến VN mục đích để làm ăn, sau đó họ mời gia đình và đối tác đến VN du lịch và cư trú. Do đó số người HQ đến VN ngày càng tăng.

Sau khi để xe máy ở một bãi giữ xe vỉa hè, chúng tôi bắt đầu tản bộ từ trục đường Nguyễn Đức Cảnh thuộc phường Tân Phong, Q.7. Ở đây vẫn chỉ lác đác nhà hàng bán thịt nướng và các cửa hàng tạp hóa do người HQ làm chủ.

Bảng hiệu tiếng Hàn xuất hiện nhiều hơn khi chúng tôi đến đường Phạm Thái Bường giao với Nguyễn Đức Cảnh nhưng chủ yếu là các nhà hàng HQ hạng sang.

Khi biết chúng tôi đang tìm đường đến khu phố Hàn, một bác bảo vệ gần đó chỉ tay về khu Sky Garden phía bên kia đường Nguyễn Văn Linh cách đó khoảng vài trăm mét và nói: “Bên đó đi đâu cũng thấy người Hàn”.

Dọc hai bên đường Phạm Văn Nghị thuộc khu Sky Garden, trục đường chính khu phố Hàn, là những bảng hiệu song ngữ “Hàn - Việt” và tam ngữ “Hàn - Việt - Anh” sáng đèn san sát nhau.

Chúng tôi bắt gặp rất nhiều người HQ mắt một mí đặc trưng thư thả tản bộ hoặc dắt thú cưng đi dạo. Đa số người Hàn chúng tôi tiếp xúc đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở VN vì khí hậu phù hợp, chi phí sinh hoạt rẻ và dễ làm ăn. Vả lại sống trong cộng đồng Hàn nên không gặp mấy khó khăn về khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.

Ở đây có đầy đủ dịch vụ được lập ra chủ yếu để phục vụ người Hàn: các nhà hàng HQ, công ty bất động sản, dịch vụ giặt ủi hấp tẩy, các cửa hàng tạp hóa chuyên bán thực phẩm HQ, cửa hàng bán rau sạch, karaoke, massage, khách sạn, bida, tiệm thuốc tây, bệnh viện đa khoa, y học cổ truyền, thậm chí còn có cả một ngôi trường dành riêng cho con em người HQ.

Ngoài ra còn có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, thể thao và tâm linh cho cộng đồng Hàn như các trung tâm dạy âm nhạc, câu lạc bộ dạy võ taekwondo, trung tâm tập yoga và hội thánh Tin Lành.

Chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh chiếc xe điện bốn bánh mang theo những tấm băngrôn lớn ghi chi tiết các món ăn và giá cả bằng tiếng Hàn kèm số điện thoại di động chạy vòng quanh các tuyến đường ở khu Sky Garden. Một người địa phương cho biết các chủ nhà hàng và khách sạn trong khu vực này thường thuê nhân viên người Việt chạy xe điện quảng bá cho sản phẩm của họ.

Xuôi đến gần cuối đường Phạm Văn Nghị, chúng tôi thấy nhiều người Hàn ngồi ăn ở các quán thịt nướng vỉa hè. Họ ăn thịt nướng và uống rượu gạo HQ (còn gọi là rượu Soju) như Chum Churum hay Chamisul.

So với phố Tây balô Phạm Ngũ Lão (Q.1), phố Hàn ít nhộn nhịp hơn vì ở đây rất ít nghe tiếng cụng ly hay tiếng trò chuyện rôm rả của các nhóm bạn bè phát ra từ các quán bar hay các quán bia vỉa hè. Một phần nữa là vì người Hàn sống rất khép kín.

Bảo vệ một nhà hàng HQ làm việc ở khu vực này từ năm 2009 cho biết người HQ thường tụ tập ở các quán bar được xây dựng dưới tầng hầm các tòa nhà và các quán bar này chỉ phục vụ riêng cho người Hàn.

ImageView.aspx?ThumbnailID=724786
Xe điện quảng cáo cho một nhà hàng Hàn Quốc - Ảnh: Q.TR.

Nỗ lực hòa nhập

Phần lớn người Hàn ở đây không biết tiếng Việt và cũng không phải tất cả đều biết tiếng Anh. Một số người rất muốn tiếp xúc với người Việt để tìm hiểu thêm văn hóa nhưng không thể do bất đồng ngôn ngữ như anh Lee Hun, chủ tiệm beauty salon Mr. Hun Hair ở khu đi bộ thuộc chung cư Sky Garden 3.

Anh Lee qua VN đã được ba năm và chọn sinh sống ở phố Hàn Phú Mỹ Hưng để không bị lạc lõng giữa một đất nước mới. Anh trông khá trẻ và rất thời trang dù đã 46 tuổi. Lee vốn là nhà tạo mẫu tóc ở vùng Gangnam, Seoul. Anh tâm sự cuộc sống ở HQ khá ngột ngạt cộng với hôn nhân không hạnh phúc, anh quyết định sang VN lập nghiệp theo lời giới thiệu của bạn bè.

Con trai 8 tuổi của anh Lee đang học tại ngôi trường dành riêng cho người HQ ở Phú Mỹ Hưng. Anh tự hào cho biết con trai mình có thể nói được hai ngôn ngữ Việt - Hàn trong khi anh cảm thấy rất khó khăn để giao tiếp bằng tiếng Việt. Lee nói mỗi ngày anh dành 30 phút tự học tiếng Việt với mong muốn có thể làm bạn với nhiều người Việt hơn.

Anh Lee thỉnh thoảng có đi uống bia với bạn bè người Việt và đến nhà hàng Việt ở khu trung tâm thành phố như lẩu dê 404, cơm niêu Sài Gòn, quán Dìn Ký và thích nhất là món bún bò Huế.

Tuy nhiên thường thì Lee vẫn đặt cơm và món ăn từ các nhà hàng HQ ở phố Hàn vì hợp khẩu vị hơn. Anh còn hạnh phúc tiết lộ sang năm sẽ cưới một cô gái người Việt cùng nghề để mau chóng ổn định cuộc sống.

Sau đó, chúng tôi gặp ông Shin Min Soo lúc ông cùng vợ chuẩn bị đóng cửa khi khách đã về hết. Quán của ông khá nhỏ, chỉ với mươi bộ bàn ghế, mở cửa từ 8g30-22g. Ông cho biết nhà hàng mình phục vụ món xúp bò truyền thống của HQ và có đến 25% khách hàng là người Việt.

Gia đình ông Shin đã sinh sống ở VN được sáu năm. Ông cho biết rất thích các món ăn Việt và đi du lịch ở VN. Người đàn ông 53 tuổi này thừa nhận ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn nhất trong mối quan hệ giữa ông và người Việt. Rất nhiều lần ông hiểu lầm khách hàng và nhân viên Việt vì không biết tiếng của nhau.

“Vì văn hóa HQ và VN khác nhau nên phải cố gắng hiểu nhau”, ông Shin nói. Ông bảo sẽ sống ở VN ít nhất năm năm nữa để chăm sóc con cái. Người con gái đầu của vợ chồng ông đang đi làm ở TP.HCM và người con gái thứ hai đang học ở Trường ĐH KHXH&NV.

Nhưng có lẽ nơi chúng tôi bắt gặp nhiều người HQ nhất là khu vực đi bộ bên dưới chung cư Sky Garden 3. Nhiều phụ nữ Hàn bồng con tụ tập một góc nói chuyện với nhau trong khi đàn ông và thanh niên chạy bộ tập thể dục, con nít đùa giỡn hoặc đạp xe cùng nhau.

Thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe được tiếng chào mời đon đả khách mua trái cây của những tiểu thương người Việt trong khu vực này bằng tiếng Hàn như annyeong-haseyo (xin chào) hay eoseo oseyo (xin mời vào)...

Kỳ tới: Ông Woo bán thịt nướng

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên