Xe đặc chủng phun khử khuẩn ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, ở Trung Quốc, từ tháng 1 đến dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường là giai đoạn thị trường bán lẻ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu mua sắm tăng cao.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong những ngày cận Tết Nguyên đán tăng thấp hơn đáng kể so với dự báo.
Chia sẻ với báo SCMP, bà Huang Hongmei, một người bán hàng may mặc ở tỉnh Quảng Đông sầm uất, cho biết sau khi ghi nhận các đợt dịch bùng phát, chính quyền địa phương đã phong tỏa hơn 600.000 dân, siết chặt các biện pháp phòng dịch theo chiến lược “Zero COVID" khiến công việc mưu sinh của bà gặp nhiều khó khăn.
“Nhiều người xung quanh tôi, từ chủ doanh nghiệp đến nhân viên văn phòng, đều bế tắc vì không có nguồn thu nhập ổn định, lại còn phải xoay xở từng đồng để trả tiền thuê nhà, tiền ăn…”, báo SCMP trích lời bà Huang than thở.
Hiện mỗi ngày bà chỉ kiếm được khoảng 30 nhân dân tệ (hơn 100.000 đồng), không đủ để trang trải tiền thuê mặt bằng và phí sinh hoạt. Bà Huang đành dọn cửa hàng, khăn gói về quê trong thời điểm chỉ còn vài tuần là đến Tết Nguyên đán.
Tương tự bà Huang, ông Peng Biao, chuyên viên tại một công ty in kỹ thuật số có trụ sở tại thị trấn Dalang, thành phố Đông Hoản, cho biết lệnh phong tỏa khu vực Dalang vào giữa tháng 12-2021 khiến các doanh nghiệp trong khu vực gặp nhiều khó khăn.
Được biết thị trấn Dalang có hơn 17.000 cơ sở liên quan đến sản xuất len, chiếm 1/6 số lượng áo len sản xuất trên toàn thế giới. Do vậy việc phong tỏa nghiêm ngặt khu vực này trong thời gian qua đã để lại hậu quả kinh tế nặng nề.
Hiện nay, tổ hợp sản xuất chip trị giá 26 tỉ USD của Samsung, một trong những dự án có vốn nước ngoài lớn nhất Trung Quốc, ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cũng đang đối mặt nhiều vấn đề khó khăn khi chính quyền địa phương tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt và áp đặt các biện pháp siết chặt kiểm soát nhằm quét sạch các ca nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng 12-2021.
Báo SCMP nhận định quá trình Trung Quốc kiên trì theo đuổi chiến lược “Zero COVID" không chỉ khiến doanh nghiệp khó khăn, mà thu nhập của đa số người dân Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo các số liệu kinh tế mới nhất, doanh thu bán lẻ ở quốc gia này trong 2 năm qua chỉ tăng trưởng 3,97%, trong khi tỉ lệ tăng trưởng vào năm 2019 là 8%.
Cùng quan ngại về chiến lược “Zero COVID", bà Lynette Ong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nhận định: “Trung Quốc coi COVID-19 hay những đại dịch tương tự là các cuộc khủng hoảng sức khỏe có khả năng dẫn đến khủng hoảng xã hội. Tuy nhiên, chi phí để duy trì chiến lược quét sạch virus trong cộng đồng là rất lớn. Khi thế giới đang dần học cách sống chung với đại dịch, Trung Quốc sẽ trở nên đơn độc và có ít cơ chế đối phó hơn”.
Báo The Guardian nhận định nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm bám trụ chiến lược “Zero COVID”, chi phí và những thách thức kéo theo chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận