13/10/2023 12:30 GMT+7

Xung đột với Israel: Người Palestine sẽ tiến hành intifada lần ba?

Cuộc xung đột quân sự đẫm máu nhất giữa Israel và người Palestine trong 50 năm qua dấy lên lo ngại về một đợt nổi dậy intifada mới và kéo dài nhiều năm .

Một thanh niên người Palestine biểu tình yêu cầu Israel gỡ phong tỏa Dải Gaza hồi năm 2018 - Ảnh: ANADOLU

Một thanh niên người Palestine biểu tình yêu cầu Israel gỡ phong tỏa Dải Gaza hồi năm 2018 - Ảnh: ANADOLU

Intifada là gì?

Theo tạp chí Economist, intifada được dùng để ám chỉ các cuộc nổi dậy đồng loạt, kéo dài nhiều năm của người Palestine chống lại Nhà nước Israel.

Từ khi mâu thuẫn giữa Israel và người Palestine nổ ra năm 1948, người Palestine đã thực hiện hai cuộc intifada. Cả hai cuộc nổi dậy đều gây ra con số thương vong lớn, cũng như ảnh hưởng lâu dài đến tình hình khu vực nhiều năm sau đó.

Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin (trái) bắt tay Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine Yasir Arafat (phải) tại Lễ ký kết Hiệp định Oslo 1 ngày 13-9-1993 với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa) - Ảnh: NHÀ TRẮNG

Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin (trái) bắt tay Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine Yasir Arafat (phải) tại Lễ ký kết Hiệp định Oslo 1 ngày 13-9-1993 với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa) - Ảnh: NHÀ TRẮNG

Chính trong cuộc intifada lần thứ nhất (1987 - 1993), Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) đã ra đời.

Cuộc intifada kéo dài gần 6 năm, với hơn 2.000 người chết, chủ yếu là người Palestine, đã đưa người Israel và Palestine đến bàn ký kết một loạt văn bản quan trọng, trong đó có Hiệp định Oslo 1 (1993) và 2 (1995).

Các văn bản này mang đến hy vọng tràn trề về việc kết thúc cuộc xung đột nhiều thập kỷ giữa Israel và người Palestine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó dần đổ bể, căng thẳng giữa hai bên một lần nữa leo thang.

Ngày 28-9-2000, cuộc intifada thứ hai bùng nổ. Cuộc nổi dậy chỉ kết thúc vào tháng 2-2005, với 1.038 người Israel và 3.189 người Palestine thiệt mạng, hơn 4.000 ngôi nhà của người Palestine bị phá hủy.

Cuộc intifada lần hai kết thúc với sự rút quân khỏi Dải Gaza của Israel, tạo điều kiện cho nhóm Hamas kiểm soát khu vực cư trú của hơn 2,3 triệu người Palestine này.

Cuộc intifada thứ ba đã gần hơn bao giờ hết

Người dân Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel hồi tháng 10-2000, trong cuộc intifada lần hai - Ảnh: AFP

Người dân Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel hồi tháng 10-2000, trong cuộc intifada lần hai - Ảnh: AFP

Theo tạp chí Foreign Affairs, cuộc tấn công ngày 7-10 diễn ra sau một loạt bạo lực gia tăng giữa Israel và Palestine trong nhiều tháng qua.

Ngày 27-1-2023, một nhóm người Palestine tấn công một nhà thờ Do Thái ở Jerusalem, giết chết 7 người, đánh dấu một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất nhắm vào người Israel trong nhiều năm.

Ngay sau đó, người Israel đã càn quét một trại tị nạn ở Jenin, giết 9 người Palestine - một con số cao bất thường.

Nhìn xa hơn, năm 2022 được ghi nhận là năm chết chóc nhất tại Israel và Bờ Tây từ sau cuộc intifada thứ hai.

Các lực lượng Israel đã giết 151 người Palestine ở Bờ Tây và các khu người Palestine ở Đông Jerusalem, gần gấp đôi con số của năm 2021.

Ở chiều ngược lại, các cuộc tấn công của người Palestine đã giết 31 người Israel. Quân đội Israel khẳng định người Palestine đã nổ súng vào binh sĩ Israel gần 300 lần, vượt xa 61 vụ của năm 2021.

Không khí căng thẳng sôi sục trong lòng người dân Israel và cả Palestine còn đến từ quan điểm của chính phủ Israel hiện tại.

Ngày 29-12-2022, ông Benjamin Netanyahu một lần nữa trở lại ghế thủ tướng Israel. Trong lần làm thủ tướng thứ ba, ông Netanyahu đã tập hợp một chính phủ được mệnh danh "cực hữu nhất trong lịch sử Israel".

Khói bốc lên từ Dải Gaza sau khi bị Israel không kích ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Khói bốc lên từ Dải Gaza sau khi bị Israel không kích ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Từ đó đến nay, Tel Aviv đã khuyến khích người Israel đẩy mạnh di cư đến Dải Gaza. Tạp chí Foreign Affairs khẳng định số vụ người di cư tấn công, chiếm đất người Palestine cũng tăng cao, và cảnh sát Israel thì thường nhắm mắt làm ngơ.

Những sự kiện trên, kèm với nhiều thập kỷ mòn mỏi chờ đợi khiến niềm tin vào hòa bình thông qua đối thoại của người Palestine ngày một xói mòn.

Sự bất mãn của người Palestine đối với PA ngày một lên cao, nhất là khi tổ chức này có dấu hiệu đồng lõa với Israel trong việc đàn áp các cuộc nổi dậy của người Palestine.

Từ đây, những nhóm vũ trang xuất hiện ngày một nhiều và càng có sức ảnh hưởng. Trong đó, phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas có sức ảnh hưởng bậc nhất.

Tính đến sáng 12-10 theo giờ Việt Nam, xung đột Israel - Hamas vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số người chết từ cả hai phía đã lên đến hơn 2.400 người.

Do đó, viễn cảnh về việc xung đột hiện tại mở rộng thành cuộc intifada thứ ba đang ngày một rõ rệt.

Tình báo Israel đã bị Hamas ‘xỏ mũi’ như thế nào?Tình báo Israel đã bị Hamas ‘xỏ mũi’ như thế nào?

Israel luôn tự hào vì đã thâm nhập sâu vào nội bộ phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas, song lại không mảy may biết trước về kế hoạch tấn công ngày 7-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên