15/06/2020 10:01 GMT+7

Xử phạt nghiêm minh, tránh làm giàu cho cán bộ tiêu cực

THIÊN ĐIỂU ghi
THIÊN ĐIỂU ghi

TTO - Để người Việt ra đường không vượt đèn đỏ, doanh nghiệp không làm giàu bằng bóc lột tài nguyên, phá hoại môi trường... không chỉ cần một hệ thống pháp luật tốt, hợp lý, khả thi, có sức răn đe, mà còn cần cả sự thanh liêm của hệ thống công chức.

Xử phạt nghiêm minh, tránh làm giàu cho cán bộ tiêu cực - Ảnh 1.

Dữ liệu: TIẾN LONG - Đồ họa: N.KH.

Đừng "sáng đúng, chiều sai..."

Chất lượng, hiệu quả một đạo luật nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung được thể hiện trên ba tiêu chí.

Một là luật có minh bạch không. Minh bạch để cả cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp dễ hiểu trong câu từ, trong nội dung để áp dụng được nhất quán.

Hai là có khả thi, hợp lý không. Điều này thể hiện ở chỗ quy định có thực sự nhận được sự ủng hộ của số đông đối tượng áp dụng, điều kiện về cơ sở vật chất để áp dụng quy định đó, kể cả điều kiện về con người thực thi luật.

Ba là có thống nhất giữa các luật không hay luật này cãi luật kia.

Tính minh bạch, khả thi, hợp lý và thống nhất của các đạo luật gần đây có tiến bộ hơn nhưng chưa nhiều. Chuyện thường xuyên phải thay đổi, "sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng" đã được nói đến nhiều, nhìn cả hệ thống luật pháp thì nhiều khi không thống nhất. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, có rất nhiều quy định trái khoáy. Ví dụ VCCI phát hiện riêng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có tới 20 quy định chồng chéo, Chính phủ đã phải thành lập tổ công tác để rà soát những bất cập, chồng chéo trong lĩnh vực kinh doanh.

Nghiên cứu và khảo sát nhiều năm, tôi thấy chất lượng xây dựng pháp luật tuy có tiến bộ nhưng việc thực thi pháp luật còn có nhiều vấn đề. Lý do thì nhiều, trong đó vai trò của người dân tham gia vào xây dựng và thực thi pháp luật còn mờ nhạt.

Phải cải cách triệt để hệ thống thanh tra công vụ để trong bộ máy nhà nước tự thanh tra, kiểm tra giám sát lẫn nhau một cách hiệu quả. Điều này trước nay chúng ta chưa làm được bao nhiêu.
LS Trần Hữu Huỳnh

Không ngồi phòng lạnh để định mức phạt

Bản chất của hình phạt là để răn đe, nên nếu mức phạt không đủ sức răn đe thì phải tăng mức phạt lên.

Điều cần bàn là phải tính toán khoa học để tìm được mức phạt đủ sức răn đe chứ không phải con số các nhà quản lý đưa ra trong phòng lạnh với nhau. Phải khảo sát, thăm dò dư luận, lấy ý kiến của chuyên gia và đối tượng bị điều chỉnh, đánh giá tác động của một quyết định phạt để đưa ra được mức phạt hợp lý khiến người dân phải tính toán, cân nhắc không vi phạm luật. Mức phạt thấp quá sẽ bị nhờn, nhưng hà khắc quá lại rất khó khả thi.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy mức phạt trong các quy định xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam gần đây có xu hướng tăng lên, ví dụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, giao thông (nghị định 100)... Người dân quan tâm tới mức phạt hơn. Đây là dấu hiệu tốt.

Cần lưu ý với quy định xử phạt liên quan đến số đông như trong lĩnh vực giao thông, môi trường, bảo vệ sức khỏe…, những người làm luật phải luôn theo dõi để xem vi phạm có giảm không.

Nhà nước phải thường xuyên tổng kết, đánh giá để điều chỉnh phù hợp.

Tránh làm giàu cho cán bộ tiêu cực

Bản thân việc phạt vi phạm hành chính luôn luôn có nguy cơ khiến người vi phạm và người xử phạt muốn thương lượng để "cưa đôi". Mức phạt quá cao sẽ thúc đẩy người vi phạm "tìm cách", hối lộ.

Để hạn chế, phải cải cách triệt để hệ thống thanh tra công vụ để trong bộ máy nhà nước tự thanh tra, kiểm tra giám sát lẫn nhau một cách hiệu quả. Điều này trước nay chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Khi người dân, doanh nghiệp có niềm tin vào tính liêm chính của cán bộ công chức, họ sẽ có ý thức tôn trọng pháp luật hơn.

Cần tăng cường vai trò giám sát của xã hội để mỗi người dân, tổ chức đại diện cho người dân khi phản ảnh những tiêu cực trong bộ máy hành chính đều được tiếp thu và xử lý kịp thời, hiệu quả, để răn đe "ngược" với cán bộ công chức.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: 'Xử phạt hành chính không chỉ bằng tiền'

TTO - "Hễ cứ xử phạt vi phạm hành chính là phạt bằng tiền, cho rằng mất tiền làm cho người vi phạm đau nhất. Trong khi chúng ta có thể có nhiều hình thức xử phạt khác, như các nước là bắt lao động công ích", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

THIÊN ĐIỂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên