10/06/2020 11:06 GMT+7

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: 'Xử phạt hành chính không chỉ bằng tiền'

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - "Hễ cứ xử phạt vi phạm hành chính là phạt bằng tiền, cho rằng mất tiền làm cho người vi phạm đau nhất. Trong khi chúng ta có thể có nhiều hình thức xử phạt khác, như các nước là bắt lao động công ích", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Xử phạt hành chính không chỉ bằng tiền - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: TIẾN LONG

Sáng 10-6, Quốc hội dành trọn buổi sáng để các đại biểu thảo luận ba dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Thỏa thuận quốc tế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Có những người coi mức phạt như "phủi bụi"

Tại tổ TP.HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu thực tế: Hiện nói đến xử phạt hành chính, nhiều người chỉ nghĩ phạt tiền thật nặng. Nhưng thực tế có người bị phạt 100.000 đồng là cao nhưng cũng có người bị phạt 100 triệu đồng cũng không sao.

Theo bà Lan, mục đích xử phạt là để răn đe người bị phạt và để người khác thấy sợ không vi phạm. Bởi vậy luật phải có những hình phạt khác ngoài phạt tiền.

"Có những 'quý tử' đua xe bị phạt 100 triệu đồng họ sẵn sàng đóng nhưng khi bổ sung hình phạt 'lao động công ích' thì dễ răn đe hơn. Hay như doanh nghiệp vi phạm bị phạt tiền không sợ nhưng nếu luật có quy định phạt bổ sung đưa thông tin doanh nghiệp vi phạm lên báo chí, trang thông tin điện tử họ lại sợ", bà Lan đề nghị bổ sung các hình thức xử phạt cho từng hành vi vi phạm.

Mặt khác, cũng có những doanh nghiệp khi bị xử phạt rất chấp hành nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chây ì không chịu nộp phạt, khắc phục. Do vậy, theo đại biểu TP.HCM, luật cần quy định rõ việc cưỡng chế xử lý vi phạm đối với những đối tượng không thực hiện vi phạm.

"Phải tính toán việc cập nhật lịch sử vi phạm của tổ chức, cá nhân vào dữ liệu điện tử quản lý cá nhân để sau này họ có thể bị hạn chế thực hiện các giao dịch liên quan. Ví dụ, ở nhiều nước, một người có lịch sử vi phạm luật giao thông thì không thể mua bảo hiểm giá thấp", bà Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Xử phạt hành chính không chỉ bằng tiền - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Ảnh: TIẾN LONG

Đưa "cắt điện, nước" vào biện pháp cưỡng chế là chưa đúng

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) chỉ ra: Có những doanh nghiệp nếu đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém hàng chục tỉ đồng, nhưng nếu bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng/vụ.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp chọn bị phạt hơn là đầu tư bài bản.Trong khi ở nhiều nước, mức tiền phạt rất nặng, có thể ngang bằng với số tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thậm chí có doanh nghiệp bị phạt đến phá sản, phải ghi nợ.

"Cách xử phạt của chúng ta hiện nay đang khuyến khích ăn gian, nếu bị xử phạt cũng chỉ mất 1/10 so với số tiền đầu tư bài bản. Do vậy theo tôi luật phải tính toán lại cách, mức xử phạt. Xử phạt phải làm sao buộc doanh nghiệp vi phạm mất trắng nếu không đầu tư bài bản ngay từ đầu", ông Dũng đề nghị.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM) cũng đặt vấn đề, một người đi du lịch nước ngoài rất ngoan ngoãn, sợ bị nước bạn xử phạt vì các hành vi vứt rác bừa bãi nhưng khi về trong nước lại vô tư vi phạm. Theo ông Khuê, ở một số lĩnh vực cần phải tăng mức tiền phạt tối đa nhằm uốn nắn, buộc người vi phạm phải sợ.

"Với mức xử phạt nhẹ ở một số lĩnh vực như hiện nay không khéo người bị xử phạt coi đó là hình thức 'phủi bụi'. Chúng tôi đi giám sát có những doanh nghiệp đưa ra biên bản xử phạt dày như 'cuốn tập' nhưng không cưỡng chế xử phạt được", ông Khuê nói.

Nói đến quy định "cắt điện, nước", đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng coi đây là biện pháp cưỡng chế hành chính là chưa đúng. Theo ông Hải, cưỡng chế nhằm bắt buộc người vi phạm thực hiện quyết định xử phạt. Cái bị cưỡng chế phải là của người vi phạm, trong khi điện, nước là một mặt hàng dịch vụ.

"Chỉ nên quy định cắt điện, nước là một biện pháp ngăn chặn thì hợp lý hơn", ông Hải nói.

img_9576

Đại biểu Trần Kim Yến - Ảnh: TIẾN LONG

Thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cho rằng dự thảo luật chưa quy định hết các loại hình hợp đồng lao động cá nhân.

Bà Yến dẫn ví dụ, hiện có một số nước ký hợp đồng với người lao động Việt Nam đi làm hợp đồng thời vụ, hay có những du học sinh sau khi học xong được các doanh nghiệp nước sở tại ký hợp đồng ở lại làm việc…, nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến những loại hợp đồng này.

"Nếu có quy định đầy đủ các loại hợp đồng thì dựa vào đó chúng ta có thể giám hộ, bảo hộ tốt hơn cho người lao động của mình ở nước ngoài", bà Yến nói.

Cắt điện, nước nếu vi phạm hành chính Cắt điện, nước nếu vi phạm hành chính

TTO - Đề xuất cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính tại điều 86 theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính khiến dư luận hết sức quan tâm.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên