02/10/2024 08:26 GMT+7

Xin ngưng hoạt động doanh nghiệp khi chưa kinh doanh, làm sao hủy mã số thuế?

Tôi vừa đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng chưa kịp kinh doanh thì xảy ra tình huống đột xuất cần phải chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đó. Vậy tôi phải làm sao để hủy mã số thuế doanh nghiệp?

Năm 2022 tôi có xin thành lập doanh nghiệp. Nhưng do thay đổi công việc, tôi xin ngưng (chấm dứt hoạt động) từ lúc chưa nhận giấy phép kinh doanh và không có hoạt động cho đến hiện tại, mã số thuế đã đóng. 

Vừa rồi tôi làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân thì bị vướng mã số thuế của doanh nghiệp này, họ yêu cầu hủy. 

Tôi có ghé cục thuế làm thủ tục hủy thì họ yêu cầu mở lại doanh nghiệp rồi sau đó mới hủy được mã số thuế và sau đó bên cục thuế họ báo phải đóng phạt 5 triệu đồng thì mới hủy được mã số thuế doanh nghiệp. Trường hợp này tôi có bị phạt không? Tôi phải làm thế nào để hủy mã số thuế này?

Bạn đọc L.T.H. (*********980@gmail.com) gửi câu hỏi tư vấn.

Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về hủy mã số thuế:

Xin ngưng hoạt động doanh nghiệp khi chưa kinh doanh, làm sao hủy mã số thuế? - Ảnh 1.

Luật sư Tào Văn Dũng

Chấm dứt hiệu lực mã số thuế doanh nghiệp:

Hủy mã số thuế doanh nghiệp còn có tên gọi khác là chấm dứt hiệu lực của mã số thuế doanh nghiệp. 

Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của mã số thuế.

Theo thông tin anh cho biết thì anh đã xin ngưng (chấm dứt hoạt động) doanh nghiệp từ lúc chưa nhận giấy phép kinh doanh, không có hoạt động cho đến hiện tại và đã đóng mã số thuế. 

Trường hợp này, anh đã thực hiện thủ tục để chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng chưa nộp hồ sơ khai thuế khi chấm dứt hoạt động và chưa làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh thì người nộp thuế còn phải nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Ngoài ra thì người nộp thuế còn phải nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh (theo quy định tại khoản 6 điều 39 và khoản 4 điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019).

Đối chiếu quy định nêu trên với trường hợp của anh thì doanh nghiệp của anh đã vi phạm chậm nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động và chậm nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế. 

Do đó, tùy theo mức độ vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế về thời hạn chậm nộp hồ sơ khai thuế với hình thức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt có thể lên đến 15.000.000 đồng (theo quy định tại điều 13 nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020).

Do vậy, việc cơ quan thuế thông báo anh phải nộp phạt là có khả năng xảy ra, mức độ xử lý thế nào tùy thuộc vào vi phạm của doanh nghiệp của anh.

Về quy định nộp hồ sơ khai thuế và chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì thực hiện như sau:

Trong trường hợp này thì doanh nghiệp cần nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động và làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế;

- Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp;

- Tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.

Sau khi nộp hồ sơ khai thuế thì anh tiếp tục nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế nộp kèm với quyết định giải thể, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...

Cơ quan quản lý thuế trực tiếp sẽ có thẩm quyền giải quyết (theo quy định tại khoản 4 điều 39, khoản 6 điều 43 Luật Quản lý thuế và điểm c, khoản 4, điều 13 nghị định 125/2020 của Chính phủ.

Khi thực hiện xong 2 bước này thì coi như anh đã hoàn tất các thủ tục để giải thể doanh nghiệp.

Hiện nay nộp hồ sơ khai thuế chấm dứt hoạt động và hồ sơ chấm dứt hiệu lực của mã số thuế được thực hiện bằng cách nộp hồ sơ trực tuyến thông qua việc truy cập hệ thống khai báo thuế trực tuyến trên mạng Internet: http://thuedientu.gdt.gov.vn/.

Về mẫu biểu, hồ sơ giấy tờ kèm theo thì không khác với hình thức nộp trực tiếp, anh có thể tham khảo trên trang thông tin điện tử về thuế để thực hiện.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Con tôi ở với bố, nay đăng ký thường trú ở chỗ tôi được không? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên