07/07/2022 10:13 GMT+7

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Có hai kỹ thuật phổ biến là đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) và đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH).

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp - Ảnh 1.

Chiến binh người Kurd tại Iraq sử dụng tên lửa chống tăng 9K11 Malyutka - Ảnh: Twitter

Nhà nghiên cứu quốc phòng Mark D. Tunnicliffe thuộc Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Canada (Bộ Quốc phòng Canada) giải thích có ba nhóm giải pháp cơ bản để tiêu diệt xe tăng gồm hệ thống động năng, kỹ thuật phản ứng nổ và tránh tấn công trực tiếp vào giáp xe tăng.

Độ dày lớp giáp xe tăng tăng lên, các nhà sản xuất vũ khí phải tăng vận tốc của đạn chống tăng.

CHRIS BISHOP (Anh)

Tăng vận tốc đạn để tăng mức xuyên giáp

Giải pháp chống tăng đầu tiên là bắn đạn gây nổ phát động năng đập mạnh vào lớp giáp xe tăng ở vận tốc đủ để xuyên thủng xe tăng và gây thiệt hại cho tổ lái, đạn dược và trang thiết bị bên trong xe. Đây là kỹ thuật chống tăng hiệu quả nhất nhưng không dễ thực hiện. 

Giáp xe tăng được chế tạo bằng thép cứng đã qua xử lý nhiệt, vì vậy giáp cứng ở mặt ngoài và chịu lực ở mặt trong, không bị vỡ khi trúng đạn bắn với vận tốc cao.

Đối với thiết kế cơ khí đơn giản của xe tăng vào cuối thập niên 1930, hầu hết các nước đã sử dụng đạn xuyên giáp có chức năng làm tăng sát thương bên trong xe. Để tăng hiệu quả xuyên giáp, trong Bách khoa toàn thư minh họa về vũ khí trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà nghiên cứu Chris Bishop (Anh) lưu ý các nhà quân sự đã tìm cách tăng vận tốc của đạn chống tăng.

Do đạn tạo ra lực va chạm lớn đến mức không hợp kim thép nào chịu nổi, từ giữa Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đồng minh và Đức quốc xã đã sử dụng vonfram làm đạn xuyên giáp vì vonfram cứng hơn và khối lượng riêng cao hơn sắt. 

Song đạn hoàn toàn bằng vonfram quá nặng nên khó đạt vận tốc cần thiết, vì vậy "đạn tổng hợp cứng" ra đời với lõi bằng vonfram và lớp ngoài bằng thép. Loại đạn này bắn tốt ở cự ly gần nhưng hiệu quả lại giảm dần ở cự ly xa.

Nhằm tăng vận tốc đạn lên hơn 1.200m/giây, phát xít Đức đã áp dụng nguyên lý Gerlich để phát triển súng chống tăng Schwere Panzerbüchse 41 28mm.

Một giải pháp khác là dùng đạn pháo có lớp áo đai tách rời bao quanh quả đạn. Đối với súng chống tăng có cỡ nòng lớn hơn được phát triển vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và đến nay vẫn được sử dụng phổ biến, lớp đai bằng kim loại nhẹ giúp súng bắn được loại đạn nhỏ hơn, từ đó đẩy vận tốc lên hơn 1.000m/giây. 

Lớp đai có nhiều cánh như cánh hoa sẽ tách ra khỏi vỏ đạn khi đạn bay khỏi nòng pháo (có thể gây nguy hiểm cho binh sĩ).

Một kỹ thuật khác nữa là tăng chiều dài đạn. Tăng gấp đôi hoặc gấp ba chiều dài đạn xuyên giáp để đạt đến vận tốc nhất định sẽ có tác dụng tăng gấp đôi hoặc gấp ba động năng đập vào giáp xe tăng. Song khi tỉ lệ chiều dài/đường kính vượt quá 6:1 hoặc 7:1, đạn không còn giữ ổn định khi bay, lúc này phải sử dụng các cánh ổn định bằng kim loại.

Hiện nay, hầu hết xe tăng hiện đại sử dụng đạn xuyên giáp dưới cỡ ổn định bằng cánh đuôi có đai tách rời (APFSDS) làm đạn chống tăng. Đạn thường được làm bằng vonfram hoặc uranium nghèo để bảo đảm sức nặng và tránh bị vỡ từng mảnh khi bắn xiên. Đạn bằng uranium nghèo còn có ưu điểm bắt lửa khi xuyên giáp.

Một trong những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai là pháo 75mm KwK 42/L70 được bố trí trên xe tăng Panther của phát xít Đức. 

Trong tác phẩm Vũ khí bộ binh của Tập đoàn Jane, tác giả Terry Gander ghi nhận độ giật của pháo chống tăng rất đáng kể và nòng pháo phải dài hơn pháo dã chiến để đạn có thể đạt vận tốc cần thiết nhằm xuyên thủng giáp xe tăng, do đó cần phải giảm độ giật bằng bộ bù giật nếu đó là pháo trên xe tăng.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp - Ảnh 3.

Súng chống tăng Schwere Panzerbüchse 41 của phát xít Đức - Ảnh: reddit.com

Hai loại đạn chống tăng phổ biến

Để tăng thêm sức công phá của đạn chống tăng, các nhà quân sự đã nghiên cứu chất lượng nổ của đạn đối với xe tăng. Theo chuyên gia Mark D. Tunnicliffe, có hai kỹ thuật phổ biến là đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) và đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH).

Nguyên tắc hoạt động của đạn HEAT chỉ được hiểu rõ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng dựa trên hiệu ứng Munroe (nguyên lý nổ lõm) đã được nhà hóa học Mỹ Charles Munroe phát hiện vào năm 1880. 

Đạn HEAT chứa thuốc nổ xếp thành hình phễu. Vụ nổ được kích hoạt phía sau đầu đạn ở khoảng cách gần xe tăng sẽ tạo ra sóng xung kích gây sức ép đến mức đầu đạn biến dạng thành một phi tiêu kim loại lao vào xe tăng với vận tốc lên đến từ 6.000m-8.000m/giây.

Các loại vũ khí có tốc độ thấp như lựu đạn, súng phóng lựu, súng cối và pháo bắn chậm đều có thể trang bị đạn HEAT. Năm 1942, Mỹ đã chế tạo súng bazooka M1 vác vai bắn đạn phản lực (rocket) 6cm có tầm bắn vài trăm mét với khả năng xuyên 100mm giáp. 

Các mẫu bazooka đầu tiên không đạt hiệu quả lắm. Sau đó, phát xít Đức tịch thu vài khẩu bazooka ở Tunisia rồi nghiên cứu phát triển súng chống tăng Panzerschreck hiệu quả hơn nhiều. Đến lượt Mỹ tịch thu khẩu Panzerschreck và cải tiến thiết kế để cho ra khẩu M20 có khả năng bắn rocket xa đến 820m, xuyên thủng 280mm giáp. 

Kế đến Đức tiếp tục phát triển dòng súng phóng lựu không giật chống tăng dùng một lần Panzerfaust.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp - Ảnh 4.

Súng phóng lựu M20 cải tiến của Mỹ được sử dụng chống xe tăng trong chiến tranh Triều Tiên - Ảnh: historynet.com

Pháo thông thường hoặc súng không giật có thể bắn đạn HEAT mà không cần pháo lớn và bộ bù giật. Cách thông thường để bắn đạn HEAT là sử dụng súng không giật gắn trên xe hoặc vác vai bắn đạn rocket có dẫn đường hoặc không dẫn đường. 

Hiện nay, loại đạn HEAT phổ biến nhất là đạn dùng cho súng vác vai RPG của Nga. RPG-7 được đưa vào sử dụng từ năm 1961. Đạn bay xa hơn 900m nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ 230m với khả năng xuyên giáp lớn hơn 500mm.

Để cải thiện độ chính xác của đạn HEAT cỡ lớn bắn ở tầm xa, bộ binh hiện đại thường sử dụng vũ khí có dẫn đường. Pháp đã sử dụng tên lửa chống tăng có dẫn đường (ENTAC) từ thập niên 1950. Binh sĩ cầm thiết bị điều khiển dẫn đường cho tên lửa bằng dây đồng. 

Đạn lõm nặng 4kg có thể xuyên thủng 650mm giáp ở xa từ 400m-2.000m. Tuy nhiên, ánh sáng phát ra tại thời điểm bắn có thể bị đối phương chú ý và phản pháo. 

Phiên bản ENTAC của Liên Xô mang tên 9K11 Malyutka (sản xuất năm 1963) phát huy tác dụng hủy diệt khi quân đội Ai Cập tấn công xe tăng Israel trong chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10-1973.

Khác với đạn HEAT, đạn HESH không chọc thủng lớp giáp xe tăng mà làm cho xe tăng nổ tung luôn. Loại đạn này được phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu dùng cho pháo không giật. 

Khi đầu đạn đập vào mục tiêu, vụ nổ tạo ra sóng xung kích ở lớp giáp và phá thành một mảnh vỡ bằng cái đĩa bay vào bên trong xe tăng. Công nghệ HESH có thể được sử dụng với hầu hết các loại pháo.

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 4: Bí mật đạn chống tăng xuyên giáp - Ảnh 5.

Phiên bản đạn chống tăng Mango-M và Svinets-2 của Nga (đạn APFSDS) dành cho xe tăng - Ảnh: asianmilitaryreview.com

Tránh tấn công trực tiếp vào giáp xe tăng

Thông thường lớp giáp ở mặt trước tháp pháo, giáp che pháo và giáp phía trước xe tăng dày hơn trong khi giáp phía sau xe tăng, trên nóc và dưới gầm xe mỏng hơn.

- Tấn công đột nóc: Cách tấn công được dùng trong hai cuộc chiến tranh thế giới là ném lựu đạn lên nóc xe tăng. Phát xít Đức còn phát triển mìn chống tăng từ tính Haftholladung có ba nam châm cực mạnh được ném bằng tay có thể xuyên thủng tới 140mm giáp.

- Tấn công dưới gầm: Các loại mìn chống tăng đầu tiên được kích hoạt bằng sức nặng bánh xích xe tăng nhưng bánh xích chỉ chiếm 20% mặt dưới xe tăng nên chỉ làm đứt xích. Các loại mìn cải tiến sau đó gồm có mìn gắn kíp nổ, mìn điều khiển từ xa, mìn tự động phát nổ.

*************

Có nhiều giải pháp tăng cường khả năng sống sót cho xe tăng chiến đấu hiện đại như hệ thống phòng thủ chủ động, lớp giáp phản ứng nổ, lớp giáp phản ứng không nổ...

>> Kỳ tới: Xe tăng hiện đại đối đầu với tên lửa

Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 3: Trận đấu tăng kinh hoàng trên sa mạc rực lửa Xe tăng - lịch sử đổi thay - Kỳ 3: Trận đấu tăng kinh hoàng trên sa mạc rực lửa

TTO - Paul Sousa từng là xạ thủ xe tăng thuộc sư đoàn kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ. Đối với ông, chiếc xe tăng M1A1 Abrams dài 9,7m, nặng gần 68 tấn như món đồ chơi.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên