Mai vàng Huế có 5 cánh, dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là phát biểu của PGS Đặng Văn Đông, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, tại hội thảo "Định hướng phát triển mai vàng Huế" sáng 10-2.
Hội thảo khoa học do Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức nhằm định hướng phát triển, bảo tồn và gìn giữ những giống hoàng mai quý ở Huế, tạo nguồn lực để thực hiện đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam trong tương lai.
Tại hội thảo, chuyên gia thực vật học Đỗ Xuân Cẩm cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện nhiều giống mai vàng 5 cánh, lá xanh, có nguồn gốc từ nhiều vùng địa lý khác nhau trong nước, nhờ lai phối tự nhiên.
Mai vàng xứ Huế cần được nhận diện thương hiệu và xác định gene nhằm lưu, bảo tồn giống mai quý này - Ảnh: NHẬT LINH
Theo ông Cẩm, với người bình thường khó có thể nhận diện được đâu là giống mai vàng năm cánh đặc hữu ở Huế với các giống mai vàng khác.
"Việc xác định cụ thể các giống mai vàng năm cánh hiện hữu ở Thừa Thiên Huế là yêu cầu cấp thiết, giúp cho việc bảo tồn và phát triển hiệu quả giống mai vàng đặc hữu của Huế. Từ đó Hội Mai vàng Thừa Thiên Huế sẽ có định hướng trong việc bảo vệ thương hiệu, sản xuất giống "Mai vàng Huế" sau này", ông Cẩm nói.
Chuyên gia thực vật học này đề xuất thực hiện đề án "Điều tra đánh giá và bảo tồn mai vàng Huế", sau đó Huế sẽ có một bộ quy chuẩn nhận diện mai vàng đặc hữu xứ Huế.
Sau khi mai Huế được nhận diện sẽ được cấp logo "Mai vàng xứ Huế" và được chọn ra những cây mai cổ thụ để nhân giống.
Còn PGS Đặng Văn Đông thì cho biết mai vàng Huế có năm cánh, dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời. Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó chính là "phong thái" của mai đất Huế mà không phải hoa mai ở nơi nào cũng có được.
Theo ông Đông, cây mai Huế có rất nhiều ưu điểm kể trên nhưng từ trước đến nay ít được nghiên cứu một cách bài bản, việc sản xuất mai Huế chủ yếu là mang tính tự phát, người dân chưa có nhiều thông tin về vai trò ý nghĩa của nguồn gene mai Huế.
Một cây mai "lá ngọc cành vàng" được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: NHẬT LINH
Nhiều cây mai có giá hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị bán ra ngoài tỉnh, hoặc do chế độ chăm sóc không phù hợp, cây bị chết, từ đó dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn gene, do vậy rất cần được bảo tồn.
"Chúng tôi sẽ ứng dụng nhiều công nghệ để bảo tồn và lai tạo ra nhiều giống gene mai vàng mới, tạo ra sản phẩm khắc phục những nhược điểm của giống mai hiện có. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ ứng dụng công nghệ IoT trong nhân giống, chăm sóc, chẩn đoán và phòng trừ sâu bệnh, và thương mại cây mai", ông Đông nói.
Theo đó, khi ứng dụng công nghệ IoT có thể cấp mã QR cho các cây mai Huế, du khách chỉ cần đưa máy ảnh của điện thoại lên là toàn bộ thông tin về cây mai trước mặt có phải mai vàng xứ Huế hay không, sức khỏe thế nào... sẽ hiện lên màn hình điện thoại.
Nhà vườn mong hỗ trợ tiền vận chuyển
Trong khuôn khổ hội thảo "Định hướng phát triển mai vàng Huế", ban tổ chức còn tổ chức thêm triển lãm mai vàng quý xứ Huế tại trước sân nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế).
Hàng chục cây hoàng mai với đầy đủ các thế long phụng, giáng xuân... được trưng bày tạo nên một không gian đẹp mắt, đậm chất xuân bên trong Hoàng cung Huế.
Anh Trương Cao Hải, chủ một vườn hoàng mai tham gia triển lãm, cho biết rất vui khi tham dự triển lãm mai vàng xứ Huế lần này. Bản thân anh Hải nói rằng rất vui khi biết được chính quyền tỉnh đang nỗ lực xây dựng Huế trở thành xứ sở hoàng mai của Việt Nam.
"Tôi và các nhà vườn trồng mai sẵn sàng đưa cây của mình đến các triển lãm thế này để góp phần quảng bá thương hiệu mai Huế đến đông đảo mọi người. Tuy nhiên chúng tôi mong rằng ban tổ chức hỗ trợ các nhà vườn chi phí vận chuyển bởi có những "lão mai cổ thủ", gốc lớn bỏ chậu kiểng to nên tốn rất nhiều tiền thuê xe cẩu vận chuyển đến triển lãm", anh Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận