Khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng loạt vấn đề thú vị đã được người dùng, chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm "Xã hội không tiền mặt: chi tiêu hiệu quả và an toàn", nằm trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt" 2019, diễn ra chiều nay 16-6 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Chọn cái cần thay vì cái thích
Dẫn câu chuyện thực tế rằng dù cẩn thận trong chi tiêu, trong các dịp khuyến mãi phụ nữ lại có xu hướng xài rất phóng tay. Vậy liệu việc tranh thủ mua sắm trong dịp khuyến mãi có thật sự giúp tiết kiệm?
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Phương Huyền - giám đốc khách hàng cá nhân, ngân hàng Sacombank - cho rằng kỹ năng quản lý chi tiêu rất quan trọng vì trong quá trình chi tiêu nếu không cân nhắc, cứ cầm thẻ quẹt, hoặc cầm hàng xấp tiền mặt, thì rất dễ vung tay quá trán.
Bà Nguyễn Phương Huyền - giám đốc khối khách hàng cá nhân ngân hàng Sacombank - tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cũng theo bà Huyền, hiện các trung tâm thương mại thường có rất nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người dùng, đặc biệt là thanh toán qua POS, mã QR sẽ được giảm giá hơn so với thanh toán bằng tiền mặt.
"Nếu quẹt thẻ, người dùng sẽ biết chi hết bao nhiêu, xem mua sắm đến mức độ nào, ngưỡng đó có chấp nhận được không. Hơn nữa nếu dùng thẻ tín dụng thì 45-55 ngày sau chủ thẻ mới phải thanh toán", bà Huyền phân tích.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Hương - trưởng phòng thu hút khách hàng và thúc đẩy kinh doanh, ngân hàng VP Bank - cho rằng mỗi cá nhân tùy theo thu nhập khác nhau sẽ cân đối chi tiêu khác nhau.
Tuy nhiên, cái thích sẽ khác với cái cần, thích thì rất nhiều nhưng cần lựa chọn sản phẩm dịch vụ thiết thực nhất. Ngoài ra cần rà soát các hóa đơn kỹ càng để quản lý tài chính sao cho hiệu quả.
Bà Trần Thị Thanh Hương cho rằng việc kiểm soát chi tiêu ngoài kỹ năng còn cần cả quyết tâm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Nhiều người cho rằng phải có thật nhiều tiền mới cần quản lý chi tiêu hiệu quả, hoặc sợ rằng sẽ mất tự do nếu quản lý tài chính quá chặt. Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy. Khi có kế hoạch quản lý tài chính hợp lý sẽ mở ra nhiều tự do khác", bà Thanh Hương nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm tránh chi tiêu quá tay, đặc biệt khi cà thẻ mua sắm, ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - nói hiện nay người dùng có thể khống chế số tiền xài trong ngày, dù biện pháp này có bất tiện là khi cần phải liên lạc với ngân hàng để yêu cầu mở thêm hạn mức. Tuy nhiên, đó cũng là cách hiệu quả để quản lý chi tiêu.
Còn bà Nguyễn Phương Huyền nói nên tuân thủ nguyên tắc 30-50, tức 30% chi cho nhu cầu không thiết yếu, còn 50% chi cho nhu cầu thiết yếu.
"Có một câu rất hay đó là không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm. Hiện chủ thẻ có thể rà lại các giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng điện tử, hoặc tin nhắn thông báo số dư. Hoặc có thể chủ động cuối ngày, buổi tối xem lại các khoản đã chi trong ngày cũng là một cách kiểm soát xem đã thanh toán bao nhiêu", bà Huyền gợi ý.
Còn theo bà Trần Thị Thanh Hương, việc kiểm soát chi tiêu ngoài kỹ năng còn cần cả quyết tâm. "Nên có kế hoạch mỗi tuần chi thế nào, bao nhiêu cho ăn uống, học phí. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ giúp dễ dàng theo dõi xem đã xài bao nhiêu. Nhưng quan trọng là bản thân người dùng và phải biết lập kế hoạch", bà Hương nói.
Dùng thẻ sao cho an toàn?
Thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) chia sẻ câu chuyện làm quen và dùng thẻ tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một vấn đề khác mà nhiều người dùng quan tâm là làm sao đảm bảo an toàn trong thanh toán trực tuyến thẻ, nhất là khi gần đây hàng loạt vụ người dùng mất tiền do nhấn vào các trang web giả mạo website của công ty chuyển tiền, ngân hàng, hoặc bị lừa cung cấp mã OTP (mật khẩu dùng một lần).
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều người dùng cho biết do không rành công nghệ nên rất ngại giao dịch thẻ. Thậm chí do lớn tuổi nên sau một thời gian dùng thẻ cảm thấy bất tiện nên lại quay lại dùng tiền mặt.
Hoặc có trường hợp làm thẻ 10 năm mà không biết có chức năng quẹt, như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Nhân, một thầy giáo ở Sa Đéc (Đồng Tháp).
Ông Nhân chia sẻ rằng trước đây hàng tháng cứ đến ngày nhận lương là ông ra ATM rút tiền và cảm thấy hãnh diện pha lẫn "thú vị" khi cầm cọc tiền đưa cho bà xã. Sau khi được học trò hỏi "Thầy có mang thẻ ATM theo không?, ông đã biết quẹt thẻ và cách đây 2 ngày đã đăng ký Internet Banking, biết gọi Grab.
Ông Nhân không phải trường hợp cá biệt mà hàng trăm giáo viên tại trường ông đang giảng dạy nhiều năm nay cũng chỉ biết dùng thẻ ATM để rút tiền. Nhiều người nói "sợ hacker", cứ cầm tiền cho chắc ăn.
Toàn cảnh buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Nhân, mới đây khi UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị trả tiền điện, nước qua thẻ, các giáo viên tại trường ông không ai dám đăng ký mà nói cứ đến tháng ra rút tiền rồi đóng cho điện lực. Đến chuyện thu học phí cũng bằng tiền mặt dù đem đến hàng loạt nỗi khổ, thậm chí cả mất mát vì đếm lộn tiền, sau đó phải "cắn răng" đền.
Về nỗi lo này, các ngân hàng cho biết hiện nay các ngân hàng áp dụng rất nhiều biện pháp bảo mật như 3D secure, OTP. Ngay cả khi ra nước ngoài người dùng cũng có thể tải ứng dụng của ngân hàng lấy mã OTP để hoàn tất giao dịch.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - giám đốc cao cấp kinh doanh dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng VP Bank - cho hay dữ liệu người dùng được ngân hàng bảo mật rất chặt, do vậy khó lo chuyện bị mất dữ liệu. Về phía người dùng, nếu tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngân hàng thì sẽ không lo chuyện không an toàn khi giao dịch.
Nguyễn Chiến Thắng - giám đốc cao cấp kinh doanh dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng VP Bank - chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Thắng cũng gợi ý khi giao dịch, người dùng chỉ cần tinh ý một chút, theo đó chỉ nên giao dịch ở các trang web https://, tức trang web được xác thực là duy nhất, không có chuyện giả mạo và có biểu tượng chìa khóa.
Ngoài ra, không chuyển mã OTP cho người thứ hai, kể cả ngân hàng. Nên đăng ký tin nhắn thông báo biến động số dư, chú ý bảo mật thông tin điện thoại, emai vì đây là thông tin cực kỳ quan trọng, thường xuyên thay đổi mật khẩu.
Bên cạnh đó không nên chia sẻ thông tin, hình chụp thẻ, tin nhắn biến động số dư từ ngân hàng trên mạng xã hội vì dễ bị lộ tên tài khoản, số thẻ, cực kỳ nguy hiểm.
Đã tìm ra chủ nhân slogan nhận giải 50 triệu đồng
Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao giải nhất cuộc thi sáng tạo khẩu hiệu cho bạn đọc Hồ Bảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức cũng đã công bố slogan đạt giải 1 trị giá 50 triệu đồng. Đó là slogan "Tắt" tiền mặt, "bật" văn minh của tác giả Hồ Bảo, TP.HCM.
6 slogan được chọn còn lại đạt giải khuyến khích với giải thưởng trị giá 1 triệu đồng gồm:
Ngày không tiền mặt, giữ tiền thông minh, tiêu tiền văn minh - Phạm Hoàng (TP. HCM)
Thanh toán số: an tâm trên phố - Cổ Minh Nhựt (TP. HCM)
Không tiền mặt, thêm minh bạch - Nguyễn Thị Nhâm (Hà Nội)
Không tiền mặt một đổi thay, vạn điều hay - Nguyễn Thị Kim Việt (Gia Lai)
Ngày không tiền mặt, bước ngoặt tương lai - Trần Thị Thanh Thu (TP.HCM)
Không tiền mặt giữ chắc, tiêu bền - Châu Hữu Bửu Lộc (TP.HCM)
Hai tác giả Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương) và Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) nhận giải thưởng trong cuộc thi viết về "Ngày không tiền mặt" do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho hai bài xuất sắc nhất tham dự diễn đàn "Ngày không tiền mặt".
Đó là bài viết Sao không thấy con trả tiền khách sạn của tác giả Lê Ngọc Hạnh và bài Thầy có mang thẻ ATM theo không? của tác giả Nguyễn Hữu Nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận