14/06/2024 18:04 GMT+7

Xác thực khuôn mặt chỉ mất 30 giây mà lại an toàn, tôi là khách hàng đầu tiên

Đó là chia sẻ của ông Từ Tiến Phát - tổng giám đốc Ngân hàng ACB - tại hội thảo 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt' tổ chức ngày 14-6 tại TP.HCM.

Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, Sở Công Thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.

Chỉ mất 30 giây để xác thực sinh trắc học

Ông Từ Tiến Phát - tổng giám đốc Ngân hàng ACB - chia sẻ trải nghiệm xác thực sinh trắc học - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Từ Tiến Phát - tổng giám đốc Ngân hàng ACB - chia sẻ trải nghiệm xác thực sinh trắc học - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong bối cảnh gia tăng tội phạm lừa đảo qua mạng, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu người dân phải xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày từ ngày 1-7-2023 đã nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Từ Tiến Phát - tổng giám đốc Ngân hàng ACB - đã chia sẻ về trải nghiệm xác thực khuôn mặt của mình tại hội thảo.

Ông Phát cho biết nhân viên ngân hàng thường phải đối mặt với những cuộc gọi khẩn cấp vào nửa đêm hoặc sáng sớm liên quan đến việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Nhiều trường hợp khách hàng không nhận ra rằng họ đã cài ứng dụng giả mạo của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng, dẫn đến việc mất tiền.

Do đó, yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để ngăn chặn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Riêng Ngân hàng ACB, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Ông Phát cho biết sau 3 ngày áp dụng, đã có 30.000 khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt, quá trình này chỉ mất chưa đến 30 giây.

“Sau 3 ngày, có 30.000 khách hàng xác thực. Tôi là khách hàng đầu tiên. Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này có đảm bảo hay không, độ mượt. Nhưng thực tế, chưa đến 30 giây đã xác thực được, thuận lợi. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1-7 mọi thứ tốt hơn nhiều”, ông Tiến Phát nói.

Có giải pháp để khách hàng không khó chịu

Ông Trần Anh Dũng - giám đốc Trung tâm an toàn thông tin của Viettel - đồng tình với việc áp dụng xác thực sinh trắc học theo quyết định 2345 của NHNN. Điều này không chỉ đảm bảo tính đồng bộ cao mà còn giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản khách hàng.

Ông Trần Anh Dũng - giám đốc Trung tâm an toàn thông tin Tổng công ty dịch vụ số Viettel - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Anh Dũng - giám đốc Trung tâm an toàn thông tin Tổng công ty dịch vụ số Viettel - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để giải quyết những lo ngại về sự phiền phức của khách hàng khi phải xác thực sinh trắc học, ông Dũng cho biết các doanh nghiệp cần truyền thông rõ ràng về mục đích và lợi ích của quy định này, đồng thời sử dụng công nghệ để giữ trải nghiệm liền mạch và dễ dàng cho khách hàng.

Quy định mới cũng giúp ví điện tử ngăn chặn các tài khoản nhận tiền lừa đảo khi tội phạm muốn chuyển tiền với số lượng lớn.

Ông Ngô Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty an ninh mạng SCS - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Ngô Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty an ninh mạng SCS - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Ngô Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty an ninh mạng SCS - chia sẻ về những trường hợp lừa đảo gần đây, trong đó nạn nhân bị mất từ 1 đến 3 tỉ đồng vì đầu tư vào các dự án giả mạo. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh rằng các vụ lừa đảo này đều có điểm chung là tội phạm có được thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng SIM rác. Do đó, việc xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản giúp ngăn chặn tội phạm sử dụng tài khoản "mượn" để chuyển tiền.

Bên cạnh đó, quản lý SIM chính chủ và bảo vệ thông tin cá nhân cũng là những giải pháp quan trọng để hạn chế lừa đảo. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh rằng kết hợp việc thực thi nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân với quản lý SIM chính chủ và quy định xác thực giao dịch sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lừa đảo hiện nay.

Ứng dụng AI trong bảo mật giao dịch thanh toán

Bà Đặng Tuyết Dung - giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho biết Visa đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào các giải pháp dựa trên AI để ngăn chặn gian lận và nâng cao nhận thức về bảo mật. Visa cũng đang áp dụng công nghệ mã Token để mã hóa giao dịch, giúp xóa bỏ các thông tin riêng tư của chủ thẻ khỏi luồng thanh toán, tăng cường bảo mật.

Bà Đặng Tuyết Dung - giám đốc Visa Việt Nam và Lào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Đặng Tuyết Dung - giám đốc Visa Việt Nam và Lào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Visa còn đang làm việc với các ngân hàng và đối tác để áp dụng phương thức xác thực dựa trên dữ liệu thay vì mã OTP đối với các giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là xu hướng ở những thị trường phát triển như Singapore và Malaysia, giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần.

Yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín và thu hút thêm khách hàng. Khi các giải pháp kỹ thuật, quản lý và bảo mật được phối hợp chặt chẽ, người dân sẽ có thể trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số một cách an toàn và thuận tiện hơn.

Ứng dụng AI để đối phó với lừa đảo trực tuyếnỨng dụng AI để đối phó với lừa đảo trực tuyến

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với lừa đảo qua mạng là một trong những giải pháp hàng đầu mà các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực triển khai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên