Dù không thể vào tứ kết nhưng tuyển Nhật Bản đã làm nên một chuyến phiêu lưu đầy ấn tượng ở World Cup 2022 - Ảnh: Reuters
Tinh thần rực lửa, tính đoàn kết, chiến thuật hợp lý là những điểm mạnh mà tuyển Nhật và Hàn thể hiện ở nhiều kỳ World Cup gần đây. Vậy đâu là điểm yếu của họ?
Thiếu dấu ấn cá nhân
Từ nhiều năm trước, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, "phù thủy trắng" Philippe Troussier đã chỉ ra vấn đề của đội Nhật chính là... đồng đội quá mức. Ông Troussier từng là HLV trưởng tuyển Nhật từ năm 1998 đến 2002 và chính là người tạo ra chiến tích lịch sử vượt qua vòng bảng ở World Cup 2002.
"Tinh thần đồng đội rất tốt, nhưng vẫn cần một chút cái tôi, một chút đột phá để tạo nên khác biệt. So với những môn đồng đội khác, bóng đá lại càng nổi bật yếu tố này hơn bởi số lượng bàn thắng rất ít.
Trong những trận đấu giằng co, chỉ cần một pha đột phá cá nhân để làm nên khác biệt thì các cầu thủ Nhật lại thiếu đi yếu tố này. Họ luôn tuân thủ các trình tự và sợ nhận chỉ trích khi xử lý hỏng", HLV Troussier nói.
Từ World Cup 2002 đến 2022, trong hai thập niên đó, bóng đá Đông Á đi lên theo đà phát triển xã hội. Và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường không thể thiếu với các hoạt động thương mại của bóng đá châu Âu. Và người phương Tây phải chia sẻ "công thức" thành công của họ.
Các học viện do những CLB châu Âu thành lập xuất hiện, những công thức dinh dưỡng và tập luyện cũng được phổ biến rộng rãi. Các HLV, ngoại binh phương Tây lũ lượt kéo sang China Super League, J-League, K-League để giúp các đại diện châu Á cải thiện được khâu đào tạo cầu thủ. Tuy Trung Quốc thất bại vì họ quá vội vã, nhưng Nhật Bản cùng Hàn Quốc đã tận dụng được thời cơ của mình.
Cụ thể, Barca đã xây đến năm học viện quy mô ở Nhật trong vòng 13 năm qua, thu nhận hàng ngàn đứa trẻ đam mê quả bóng và đưa chúng đến gần hơn với giấc mơ bóng đá phương Tây.
Hai trong số những đứa trẻ đó ngày nay là Takefusa Kubo cùng Takehiro Tomiyasu - những trụ cột của tuyển Nhật. 3/4 số tuyển thủ Nhật hiện tại chơi bóng ở châu Âu, trong đó Kubo va Tomiyasu là những người nổi bật hơn cả.
Dù vậy, Kubo hoàn toàn gây thất vọng ở World Cup 2022. Được ra sân trong hiệp 1 các trận gặp Đức và Tây Ban Nha nhưng Kubo không thể hiện được gì nhiều. Đến vòng 16 đội, Kubo không được xuất hiện một phút nào.
Ngoài việc không tin dùng Kubo, HLV Moriyasu còn gây tranh cãi khi bỏ qua Kyogo Furuhashi. Tiền đạo đang khoác áo CLB Celtic là một cây săn bàn thượng thặng khi ghi đến 31 bàn cho CLB trong 2 năm qua.
Không một tiền đạo nào của Nhật có hiệu suất ghi bàn tốt hơn Furuhashi, nhưng rồi anh vẫn bị loại. Khi truyền thông đặt câu hỏi, HLV Moriyasu thẳng thắng trả lời: "Tôi cần những người sẵn sàng cống hiến hết mình cho đội". Điều này ám chỉ Furuhashi dường như mắc bệnh ngôi sao.
Hàn - Nhật bổ khuyết cho nhau
Không thể trách HLV Moriyasu, người tuân thủ đúng tinh thần làm nên thương hiệu Nhật Bản với sự đoàn kết và nhiệt huyết cao độ. Nhưng đôi lúc Nhật không thể tận dụng được những gì tinh túy nhất của mình.
Sở hữu một tiền đạo đã quen nhả đạn vào lưới các CLB châu Âu và một tiền vệ từng đối đầu Real Madrid, Barca, Atletico chắc chắn là một lợi thế. Thất bại của họ gợi lại vấn đề mà HLV Troussier chỉ ra: cái tôi không được cho phép trong môi trường kỷ luật, đoàn kết tối đa của người Nhật.
Những gì người Nhật thiếu lại là thứ Hàn Quốc sở hữu: siêu sao Son Heung Min - tiền đạo đang khoác áo Tottenham - chính là cầu thủ giỏi nhất trong lịch sử của bóng đá châu Á. Nhưng anh đã rời World Cup mà không ghi được bàn thắng nào.
Quá khó cho Son khi mỗi lần ra sân tại World Cup anh luôn được các hậu vệ đối phương tập trung kèm chặt. Ở Tottenham, Son có Kane là người chia lửa cùng một dàn tiền vệ chất lượng để hỗ trợ phía sau.
Một bên có siêu sao, nhưng không có tập thể đủ giỏi. Một bên có tập thể đồng đều, nhưng lại thiếu một hai siêu sao biết thay đổi cục diện. 20 năm kể từ kỳ World Cup trên sân nhà, người Hàn và người Nhật đã cùng đi một chặng đường rất dài để vươn đến đẳng cấp World Cup thực thụ.
Ngày nay, người ta thấy cả hai cùng sở hữu những học viện bóng đá hàng đầu, nền tảng khoa học và dinh dưỡng ở mức chuyên nghiệp cùng một thị trường bóng đá khiến người phương Tây phải đặt quan hệ hợp tác.
Sau trận thua Croatia, HLV Moriyasu phát biểu: "Tôi tin một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với bóng đá Nhật từ World Cup 2022". Những người hâm mộ châu Á cũng tin tưởng và kỳ vọng rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đại diện cho một kỷ nguyên mới khi người phương Đông vượt qua sự tự ti thấp bé nhẹ cân.
Son Heung Min và dấu ấn của "cha hổ"
Sự nghiệp vinh quang của Son Heung Min mang đậm dấu ấn của "cha hổ" Son Woong Jung - một cựu cầu thủ chuyên nghiệp đã kèm cặp con như hình với bóng, áp dụng chế độ rèn luyện hà khắc ngay từ nhỏ để giúp con trai gặt hái thành công.
Ông Son Woong Jung đã đưa Son Heung Min sang học viện ở Hamburg (Đức) khi anh 16 tuổi, rồi tự mình thuê một căn nhà trọ gần đó để kiểm soát toàn bộ sinh hoạt của Son. Con đường thành công của Son Heung Min in đậm dấu ấn cá nhân.
Nhưng không phải ai cũng làm được như Son Woong Jung, và cũng không phải cậu bé đam mê bóng đá nào ở Hàn Quốc cũng có tố chất như Son Heung Min. Bóng đá Hàn Quốc trong khoảng một thập niên gần đây tụt lại phía sau người Nhật về nền tảng đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận