Tiêm vắc xin COVID-19 cho thiếu niên tại thành phố Johannesburg, Nam Phi ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết cần thêm dữ liệu để có thể đánh mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra, và liệu các đột biến của Omicron có làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 hiện nay hay không.
"Thậm chí nếu mức độ nghiêm trọng bằng hoặc nhiều khả năng thấp hơn biến thể Delta, số ca nhập viện vẫn sẽ tăng nếu có thêm nhiều người mắc bệnh, và sẽ có độ trễ giữa sự gia tăng ca bệnh với sự gia tăng ca tử vong", báo cáo của WHO nêu.
Theo Hãng tin AFP, hiện chưa có ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, WHO cho biết trong tuần, tính đến ngày 5-12, số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi đã tăng gấp đôi lên 62.000 ca, và số ca bệnh được ghi nhận "rất nhiều" tại Eswatini, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Lesotho.
WHO cho biết tỉ lệ tiêm chủng thấp tại khu vực nam châu Phi có thể đóng vai trò nào đó trong sự lây lan của biến thể Omicron.
Cơ quan y tế này nói phần lớn các ca lây nhiễm Omicron liên quan đến việc đi lại xuyên biên giới.
Nói về nguy cơ tái nhiễm COVID-19 với biến thể Omicron, WHO cho biết: "Phân tích sơ bộ cho thấy các đột biến của biến thể Omicron có thể làm giảm hoạt động trung hòa của các kháng thể dẫn đến giảm khả năng bảo vệ từ miễn dịch tự nhiên".
WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá liệu Omicron có làm giảm hiệu quả bảo vệ do vắc xin COVID-19 mang lại hay không.
Trong một diễn biến liên quan, theo một nghiên cứu nhỏ được Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi tại Nam Phi công bố ngày 7-12, biến thể Omicron có khả năng né tránh một phần sự bảo vệ của 2 liều vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech.
Ngày 26-11, WHO xếp Omicron vào nhóm biến thể "đáng lo ngại" bên cạnh các biến thể như Delta, Alpha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận