17/08/2018 10:34 GMT+7

Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tiếng khóc của một đứa trẻ vọng ra từ bên trong phòng mổ cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng làm những khuôn mặt nặng nề lo lắng bỗng trở nên tươi vui. Cô y tá bước ra với nụ cười báo tin: "Mẹ tròn con vuông. Là bé gái, nặng 1,9kg!".

Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời - Ảnh 1.

Khoảnh khắc Tú Cẩm nhìn con gái qua ảnh sau khi sinh, tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trưa 16-8 - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Nguyễn Thị Thu (48 tuổi), mẹ sản phụ Lê Thị Tú Cẩm, ôm mặt khóc nức nở. Lúc bế cháu ngoại, bà Thu nói: "Điều kỳ diệu có thật rồi".

Ba lần vượt qua cái chết

Có lẽ bạn đọc vẫn còn nhớ cô gái Tú Cẩm (25 tuổi, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) kiên quyết không bỏ con dù mắc căn bệnh hiểm nghèo "co cơ tủy tiến triển". Và vào 21h tối 13-8, Tú Cẩm hạ sinh đứa con gái mà cô đã đánh cược mạng sống của mình để giữ lại.

Tôi đã đi theo hành trình kỳ diệu của Tú Cẩm đến tận hôm nay. Hai lần Tú Cẩm chết lâm sàng ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Quảng Ngãi cuối tháng 6. Cả hai lần ấy khi can thiệp y khoa trở nên bế tắc, bác sĩ đã thông báo với người nhà rằng cuộc sống của Tú Cẩm phải dừng lại bởi mạch không, huyết áp không... Nhưng điều kỳ diệu đã xuất hiện. Nhịp tim lại nhấp nhô!...

Bác sĩ Phạm Ngọc Lân, giám đốc BVĐK Quảng Ngãi, chia sẻ: "Hai lần đó, chúng tôi ngoài can thiệp y khoa còn phải liên tục nói: Cố lên Cẩm ơi, còn con nữa mà. Cảm giác như Cẩm nghe được và bản năng sống vì con đã giúp cô gái trẻ vượt qua cái chết. Thật sự là kỳ diệu".

Mà đâu chỉ hai lần ấy, trước đó lúc điều trị ở BV Chợ Rẫy, Tú Cẩm từng chết lâm sàng và những lời "cố lên Cẩm ơi, còn con nữa mà" của người thân, y bác sĩ lại giúp cô vượt qua lằn ranh sinh tử. 

Tôi lật lại cuốn sổ tay của mình, những dòng chữ "em phải sống để con chào đời rồi chết cũng mãn nguyện" Cẩm viết lúc trò chuyện cùng tôi lần mới chuyển từ BV Chợ Rẫy về BVĐK Quảng Ngãi đủ để tôi hiểu ý chí kiên cường đến thế nào của một người mẹ quyết bảo vệ cốt nhục của mình. Cái chết cũng không thể khuất phục được tình mẫu tử thiêng liêng.

Vì con, Cẩm không chỉ vượt qua cái chết mà còn trỗi dậy mạnh mẽ. Sau ba lần chết hụt, Cẩm chỉ còn 25kg, hoàn toàn không ăn uống được, tất cả phải truyền qua tĩnh mạch. 

Vậy mà khi bác sĩ cho cô biết kết quả siêu âm, con Cẩm nặng chưa đến 1kg, Cẩm đã viết tin nhắn, nhờ mẹ nấu cháo cho mình. Toàn bộ cơ nơi cổ gần như đã liệt nhưng người mẹ ấy vẫn ngoan cường nuốt, đưa cháo vào cơ thể.

"Cẩm ăn rất nhiều, có bữa ăn đến ba chén cháo. Đến ngày sinh con thì tăng gần 10kg. Giọng nói cũng được lấy lại dù rất yếu. Bác sĩ nói Cẩm là trường hợp hi hữu và khó lý giải bởi chỉ số bệnh vẫn tăng nhưng cơ nơi cổ có dấu hiệu phục hồi" - bà Thu tâm sự.

Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời - Ảnh 2.

Người mẹ trẻ Tú Cẩm đã có một hành trình kỳ diệu và hạ sinh một thiên thần, hiện được chăm sóc tại khoa hồi sức tích cực BVĐK Đà Nẵng - Ảnh: TRẦN MAI

"Em còn cả đời dành cho con..."

Sau ca mổ, bác sĩ Hà Sơn Bình - phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc BVĐK Đà Nẵng, người trực tiếp mổ cho Cẩm - đã rất hạnh phúc. Bác sĩ Bình bảo khi tiếp nhận Cẩm từ các đồng nghiệp của BV Sản nhi Đà Nẵng, anh hiểu đây là ca mổ cần rất nhiều can thiệp y khoa. Cả êkip mất hai ngày tính toán và chuẩn bị mọi phương án tốt nhất cho mẹ con Cẩm.

Dù vậy vẫn rất căng thẳng bởi cơ thể Cẩm cực kỳ yếu. "Lúc cháu bé cất tiếng khóc, chúng tôi ôm nhau mừng. Theo dõi chuyển biến của Cẩm thì thấy mọi thứ rất ổn lại càng mừng hơn. Đây là ca mổ để lại rất nhiều cảm xúc cho cả êkip. Thật sự là kỳ tích, quá kỳ diệu..." - bác sĩ Bình chia sẻ.

Cẩm sinh con, tôi bỗng dưng trở thành người truyền tin khắp BVĐK Đà Nẵng, y bác sĩ khoa nội thần kinh cũng vỡ òa trước tin tốt lành. Bảy tháng trước, khi tiếp nhận điều trị cho Cẩm, chẳng ai tin điều kỳ diệu của hôm nay. 

Những lần Cẩm bị căn bệnh "đốn ngã", cơ thể teo tóp chỉ còn da bọc xương. Rồi thanh âm bị cắt đứt, cô nằm một chỗ, phải khai phế quản để máy móc trợ thở. Bác sĩ đã khuyên Cẩm bỏ con để giữ lại mạng sống cho mình. Làm nghề cứu người, lời khuyên đó là nát ruột, nhưng lúc ấy Cẩm một ngày ba lần co giật, bốn lần cấp cứu thì còn cách nào khác.

Vậy mà Cẩm kiên quyết không chấp nhận và bền bỉ chiến đấu. Y tá Huỳnh Thị Hoa, khoa nội thần kinh, giọng cảm thán: "Ui trời, Cẩm sinh con rồi hả! Thật không ngờ luôn á, hồi trước Cẩm điều trị ở đây mấy tháng, đổi phác đồ liên tục mà không khá lên được. 

Lúc chuyển Cẩm vào TP.HCM bệnh đã rất nặng, cả khoa chỉ hi vọng Cẩm sống thôi, chẳng ai nghĩ Cẩm lại sinh con". Tôi cũng có chung tâm trạng với y tá Hoa: những lần Cẩm co giật, lúc Cẩm gần như gục ngã trước bệnh tật, tôi đứng ngoài hành lang cũng chỉ nguyện cầu cho Cẩm sống.

Trên đời này, điều tồn tại và gắn kết nhất có lẽ là hơi ấm tình người, vì vậy mà những câu chuyện cổ tích luôn được mọi người kể cho nhau nghe. Buổi tối Cẩm sinh con, những bệnh nhân điều trị dài ngày ở khoa nội thần kinh biết hành trình của Cẩm đã cùng nhau nguyện cầu cho người mẹ trẻ kiên cường. Họ quên mất trên tay mình đang truyền dịch, thuốc còn chưa kịp uống. 

Lúc hay tin Cẩm và con đều khỏe mạnh sau ca mổ, họ đã vỗ tay vui mừng. Những cơ thể suy kiệt và nhăn nhó vì cơn đau cũng trở nên tươi vui hơn. Bà Kiên - bệnh nhân điều trị bệnh đa u tủy xương ở khoa nội thần kinh - đã phải thốt lên: "Mô Phật, mô Phật...".

Cẩm tỉnh lại sau ca mổ, điều đầu tiên cô ú ớ hỏi y bác sĩ là con mình. Khi được thông báo con rất khỏe, đã được chuyển xuống BV Sản nhi Đà Nẵng để chăm sóc tốt nhất, người mẹ nở nụ cười dù chỉ là mím môi.

Vết đau sau ca mổ không ngăn được những cái trở mình và đôi tay khua nhẹ, cùng những thanh âm không tròn vành mong được gặp con. Bác sĩ Bình phải giải thích cho Cẩm biết thiên thần nhỏ bé của cô cần phải nuôi trong lồng kính để ổn định sức khỏe, hiện hai mẹ con chưa thể gặp nhau. 

"Vài hôm nữa em sẽ gặp con, giờ hai mẹ con phải ráng khỏe hơn đã. Em còn cả đời dành cho con đó" - bác sĩ Bình dịu dàng.

Động viên Cẩm, nhưng bác sĩ Bình hiểu hành trình đến bây giờ của Cẩm đã là quá sức tưởng tượng. Sau khi hồi phục vết mổ, Cẩm sẽ tiếp tục điều trị bệnh. Chẳng ai nói trước được điều gì ở phía trước. Bác sĩ Bình nói: "Hi vọng đứa con sẽ giúp Cẩm mạnh mẽ và kiên cường hơn. Biết đâu Cẩm lại một lần nữa làm nên kỳ tích trước căn bệnh của chính mình".

Đặt tên cháu là Kỳ Tích

hanh trinh ky dieu chao don mot thien than (3) 3(read-only)

Thiên thần bé nhỏ chào đời được chăm sóc tại Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng - Ảnh: TRẦN MAI

Vợ chồng bà Thu đang chia nhau chăm sóc con và cháu ở hai bệnh viện, ông Lê Hải - cha Cẩm - ở BVĐK Đà Nẵng thường xuyên gọi điện hỏi thăm bà Thu về tình hình của cháu để thông báo cho Cẩm biết.

Ông Hải bảo đã trao đổi với Cẩm và dự tính đặt tên cháu ngoại là Kỳ Tích. "Tôi muốn cháu có một cái tên ý nghĩa, đúng với hành trình kỳ diệu của con gái tôi" - ông Hải nói.

Cảm ơn các thầy thuốc

Hành trình của mẹ con Cẩm có sự giúp sức hết mình của y bác sĩ các BV. Những chuyến xe cấp cứu và y tá, bác sĩ đi theo hoàn toàn miễn phí, những lần căng mắt cấp cứu Cẩm giữa khuya... bà Thu và ông Hải luôn ghi nhớ.

Bà Thu nói: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ các BV đã điều trị cho con gái tôi. Nhất là y bác sĩ BVĐK Đà Nẵng đã tận tình và hết lòng tạo điều kiện chữa trị. Tôi biết ơn và ghi nhớ công đức này".

Mẹ phải sống để con chào đời Mẹ phải sống để con chào đời

TTO - Cẩm ra dấu yếu ớt bằng những ngón tay, một lúc tôi mới hiểu cô muốn có tờ giấy và cây bút. Dòng chữ nguệch ngoạc Cẩm viết: "Em phải sống để nhìn thấy con rồi chết cũng mãn nguyện"!

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên